Xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới: Nông dân Việt vẫn nghèo

Mặc dù Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bao gồm Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, nhóm này chiếm đến 71,81% tổng lượng xuất khẩu gạo toàn cầu, nhưng chính những người nông dân Việt làm ra hạt gạo lại đang có đời sống rất khó khăn.

Để lý giải cho vấn đề này, giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, người đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển các loại nông sản có giá trị cao của Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của ông trong buổi Tọa đàm với chủ đề “Lợi thế Việt Nam – Bắt đất hóa tiền” được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là buổi Tọa đàm thứ 2 trong chuỗi sự kiện giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đồng hành cùng Tập đoàn Pernod Ricard Việt Nam tổ chức.

Xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới: Nông dân Việt vẫn nghèo - 1

Giáo sư Võ Tòng Xuân (giữa) phát biểu tại Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam – Bắt đất hóa tiền” được tổ chức tại Đà Nẵng.

Theo ông, sở dĩ Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo lớn, tuy nhiên người nông dân vẫn nghèo vì thực ra họ không biết cách làm, vẫn trồng lúa và bảo quản theo phương pháp truyền thống. Do vậy, năng suất lúa vẫn còn thấp và hiệu quả kinh tế không cao.

Người dân có thể cải thiện được vấn đề này bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên vốn đầu tư là quá lớn. Do vậy, cần phải có sự can thiệp của nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp, các tổ chức này cần phải cùng làm một cách có hệ thống.

“Không nên để cho nông dân mạnh ai người nấy làm mà nên có tổ chức sản xuất, phải xoay quanh nhà doanh nghiệp, có máy móc hiện đại.”, ông Xuân cho biết.

Theo đó, cần hoạt động sản xuất nông nghiệp theo nguyên hệ thống, người nông dân phải được đào tạo có kỹ thuật cho đến khi họ trồng ra được nguyên liệu tốt, sau đó phải có doanh nghiệp đón nhận các nguyên liệu này để tạo ra thành sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, từ đó mới đưa ra được thị trường làm gia tăng giá trị của sản phẩm. Đồng thời, nhà nước cũng cần tạo ra thêm nhiều ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vốn là một ngành rất tiềm năng.

Tuy nhiên tại Việt Nam, chuỗi giá trị này đang bị ngắt quãng, không có sự liên kết. Người nông dân tự làm theo cách của người nông dân, nhà khoa học thì nhà khoa học làm, doanh nghiệp thì doanh nghiệp làm.

Việt Nam hiện đang có lợi thế rất lớn về đất đai và khí hậu. Chúng ta nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm. Khác với các quốc gia nằm trong vùng khí hậu ôn đới, họ chỉ có thể trồng cây trong 6 tháng, việc điều khiển nhiệt độ thích hợp để trồng cây quanh năm là rất tốn kém. Có thể thấy, Việt Nam đang nắm giữ lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta thực sự chưa khai thác được hết các tiềm năng đó.

Với 80% dân số đang sống ở nông thôn, đời sống của người nông dân vẫn còn rất khó khăn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam. Sức mua yếu đến từ 80% dân số sẽ làm giảm thu nhập quốc dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục thấp.

Do vậy, chúng ta đang rất cần những doanh nghiệp có đầu tư mạnh vào nông nghiệp để có thể phát triển được tiềm năng sẵn có của ngành nông nghiệp Việt. Chẳng hạn, thời gian gần đây, những khoản đầu tư với quy mô lớn đổ vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều. Các công ty như Vinamilk, TH True Milk đang tập trung đầu tư vào đàn bò sữa. Vinasoy cũng đã xây dựng nhà máy sữa đậu nành với công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới tại khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh, hiện nay sữa đậu nành Vinasoy đã chiếm đến gần 80% thị phần cả nước. Tập đoàn Thành Thành Công mở rộng đầu tư mảng nông nghiệp bằng cách thâu tóm một loạt các công ty mía đường và thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Trước đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã chuyển hướng đầu từ sang nông nghiệp từ năm 2008 và mảng này hiện đang chiếm đến 60% doanh thu của tập đoàn.

Xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới: Nông dân Việt vẫn nghèo - 2

Việt Nam cần hoạt động sản xuất nông nghiệp theo nguyên hệ thống mới có thể hát huy được lợi thế sẵn có.

Chính nhờ các doanh nghiệp này mà sản phẩm của người nông dân tạo ra được nâng cao giá trị. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp tăng năng suất, việc này nếu được làm tốt sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN