Phiếm đàm: Cái ghế gân gà

Sách Tam Quốc Chí của Trung Hoa có chuyện thế này: Trong trận chiến ở Tà Cốc, Tào Tháo đánh mãi không thắng, nhưng rút về lại ngại quân sĩ chê cười, đâm ra tiến thoái lưỡng nan.

Một tối, viên tướng gác đêm bước vào xin mật khẩu đúng vào lúc Tào Tháo đang trầm ngâm với chiếc chân gà, Tào đã buột miệng nói “kê cân” (gân gà).

Quan chủ bộ Dương Tu nghe thuật lại liền hiểu ý Tào muốn thu quân, bởi gân gà là một thứ vô vị và dai nhách, nhưng đã lỡ bỏ vào miệng thì cứ phải trệu trạo mà nhai. Từ đó, “kê cân” trở thành một điển tích. Với một chuyện nào đẩy con người vào cái thế “bỏ thì thương, vương thì tội” là người ta chỉ cần nói “kê cân” là hầu như ai cũng hiểu.

Ơ, nhưng đời nay, cái ghế là thứ phải tranh nhau, đến độ người đời phải thốt lên rằng “mông nhiều, ghế ít” dẫn đến đánh nhau tùm lum, thì làm gì có cái ghế nào giống gân gà? Ghế thì luôn phải hấp dẫn, béo bở chứ?

Không, có một cái ghế thoạt nghe thì thấy hấp dẫn, nhưng thực tế nhiều năm gần đây đã làm cho nó trở thành miếng “gân gà”. Ngồi vào cái ghế ấy, gần như bị mắng mỏ suốt ngày. Làm đúng, chẳng ai khen lấy được một câu. Nhưng sai, thậm chí không sai mà chỉ do xui xẻo dẫn đến kết quả không tốt, thì thiên hạ réo tên mà mắng tưng bừng hoa lá. Người ta mắng kinh lắm. Mắng đến độ con cháu đi học chẳng dám chơi với bạn bè. Mắng đến độ vợ đâm ngại đi chợ khi cứ bị mấy bà hàng xén xầm xì, chỉ chỏ.

Dĩ nhiên, “ghế” thì thể nào cũng có bổng lộc. Nhưng bổng lộc của cái ghế này thật ra cũng chỉ vào loại xoàng trong hàng ngũ “ghế”. Phần cứng thì một tháng được 30 chục “chai”. Mềm thì vô chừng, nhưng thật sự là cũng chẳng đáng bao nhiêu khi nhìn vào tổng doanh thu của cái bộ máy do “ghế” cai quản chỉ vào tầm vài chục tỷ đồng/năm. Quá bèo! Cũng có một cái “lộc” khác về mặt tinh thần là hay được đi đây đi đó chơi mà chẳng mất tiền, và nổi tiếng được hàng chục triệu người biết đến.

Nhưng cái lộc ấy mà so với những gì phải gánh chịu, so với sự bất trắc hiểm nguy phải đối mặt, thì “ghế” này vào loại bị rẻ rúng. Chính vì vậy, sắp đến kỳ chọn chủ nhân cho “ghế”, nhưng chẳng ông nào thật sự “máu”.

Có điều, không “máu” nhưng nghe đồn cơ quan quản lý cơ cấu ông phó A ngồi vào ghế nóng thì ông phó B hằm hè, mở chiến dịch tấn công, dù rằng thật bụng cũng chẳng thích thú lắm việc trở thành chủ nhân của “ghế”. Hay ông A, dù thực bụng cũng hãi lắm cái ghế này, nhưng nghe dân trong làng đồn ông phó B sẽ trở thành ông chánh thì cũng nóng mũi đi nói xấu tùm lum.

Còn vài tháng nữa mới là lúc diễn ra ngày hội chọn chủ nhân cho ghế, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã nóng lắm rồi. Ông nào cũng thề mình sẽ không ngồi vào đấy, nhưng khi ai đấy tỏ ra có vẻ trội hơn mình thì lại bừng bừng nổi giận. Vì vậy, ví cái ghế này là miếng gân gà thật là chính xác. Bởi, nó dai đấy, nó vô vị đấy, ăn vào chẳng ngon lành và béo bổ gì, nhưng thấy ai thò đũa vào gắp thì cái cục tự ái lại nổi lên! Cái cục tự ái nó to đến độ, có những việc nho nhỏ cần phải giải quyết hàng ngày mà không thể đợi đến khi chọn chủ cho ghế hoàn tất; nhưng đưa ra thì khó mà tìm được tiếng nói chung khi phó A gật thì phó B lắc, hoặc ngược lại.

Với cái đà này, thiên hạ đã phải e ngại: Căng thế, không khéo cả phó A lẫn phó B đều văng (mà thực tế, cả hai đều là phương án tốt trong tình hình hiện nay), mà thay vào đó là một ông linh tinh chẳng biết mô tê ất giáp gì ngồi vào thì là một sự bi kịch. Bởi xưa nay, chuyện chọn chủ nhân cho ghế vẫn thường hay có cái chiêu đưa một ông vô thưởng vô phạt ngồi vào cho nó lành, khỏi chọn bên này bên kia dễ gây ầm ĩ, phức tạp.

Nhưng, nói lòng vòng nãy giờ mà chưa rõ “cái ghế gân gà” này là ở đâu?

Xin thưa, đó chính là ghế thủ lĩnh Vê-Ép-Ép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN