Chính phủ không tung phao “cứu sinh” cho mạng nhỏ

Quan điểm của Bộ Thông tin & Truyền thông là các doanh nghiệp viễn thông yếu kém phải rút khỏi thị trường cũng là một việc tốt, khi giúp thị trường tự cơ cấu lại theo hướng lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Lễ công bố 10 sự kiện CNTT tiêu biểu của năm 2012 sáng 27/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, việc thị trường viễn thông mở cửa và cạnh tranh từ rất sớm là một thành công quan trọng, giúp lĩnh vực này phát triển bắt kịp với thế giới. Sự kiện lần đầu tiên 4 doanh nghiệp được cấp phép viễn thông vào năm 1997 đã giúp mở thông đột phá khâu đầu tiên, tạo ra môi trường cạnh tranh cho thị trường phát triển nhanh chóng. Nhờ sự cạnh tranh nên chất lượng dịch vụ ngày càng cao trong khi giá cước ngày càng rẻ.

Chính phủ không tung phao “cứu sinh” cho mạng nhỏ - 1

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Bộ sẽ có những giải pháp để DN yếu kém rút khỏi thị trường viễn thông. Ảnh: T.C

Theo một kết quả nghiên cứu tại khối ASEAN + 3, Việt Nam hiện có mức cước rẻ nhất khu vực tính theo giá trị tuyệt đối (nếu tính giá cước trên thu nhập bình quân đầu người thì đứng khoảng thứ 4-5 trong khối).

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận thị trường viễn thông VN tuy có sự tăng trưởng chóng mặt trong thời gian qua, nhưng đó là sự tăng trưởng thiếu bền vững, còn một số bất cập và yếu kém. Các doanh nghiệp chủ chốt như Viettel, VNPT đều là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự “chen chân” được vào thị trường với một thị phần đáng kể.

Chính vì thế, từ quan điểm của cơ quan quản lý trực tiếp, Thứ trưởng Thắng khẳng định việc một số mạng nhỏ phải rút khỏi thị trường gần đây thực ra không hề đáng lo ngại. Doanh nghiệp nào yếu kém, không cạnh tranh được thì tự bị đào thải là một việc hợp với lộ trình chung, quy hoạch chung của Nhà nước đối với thị trường viễn thông.

Chính vì thế, thay vì tung phao cứu sinh cứu các mạng nhỏ, Bộ TT&TT chỉ đề xuất những phương án để các mạng này rút lui một cách “êm thấm” khỏi thị trường, tránh thị trường đổ vỡ hàng loạt. Đó có thể là rút giấy phép, không cho doanh nghiệp đó tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông (như trường hợp Đông Dương Telecom bị thu hồi giấy phép mạng riêng ảo), hoặc buộc sáp nhập vào DN khác (như trường hợp Viettel tiếp nhận EVN).

Chính phủ không tung phao “cứu sinh” cho mạng nhỏ - 2

Tiến sĩ Mai Liêm Trực khẳng định các mạng nhỏ chết là hoàn toàn bình thường. Ảnh: T.C

Cũng đồng quan điểm này, ông Mai Liêm Trực, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, cho rằng các doanh nghiệp nhỏ “chết là hoàn toàn bình thường”. Nếu buộc phải giải cứu, Chính phủ các nước cũng sẽ chỉ ưu tiên cho những tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng đến cả nền kinh tế mà thôi. Tiến sĩ Trực cũng cho rằng chưa có doanh nghiệp tư nhân nào thực sự cạnh tranh được trong lĩnh vực viễn thông, và cuộc đấu giữa Viettel với VNPT thực chất vẫn chỉ là “anh em trong nhà đấu nhau khi ra ở riêng”. Theo quan điểm của ông, thị trường viễn thông Việt Nam cần hình thành được 3-4 doanh nghiệp chủ lực, trong đó chỉ cần 1 DN 100% vốn Nhà nước, còn lại là DN cổ phần hóa và tư nhân. “Chỉ khi đó chúng ta mới có được một môi trường cạnh tranh hoàn hảo, buộc các doanh nghiệp không thể kinh doanh mãi theo kiểu truyền thống được nữa”, ông kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trọng Cầm (VNN)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN