Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop

Sự kiện: Bùi Anh Tuấn

"Giọng hát Việt" đã 3 lần bị các ca sĩ, nhạc sĩ lên tiếng về việc tự ý sử dụng các ca khúc độc quyền không xin phép. Một lần nữa, vấn đề bản quyền ca khúc trở thành một đề tài nóng gây tranh cãi.

3 lần “xài chùa” ca khúc của Giọng hát Việt

Ngay khi liveshow thứ 6 của Giọng hát Việt mùa thứ hai diễn ra, Hải Yến đã đăng một status trên Facebook về tiết mục biểu diễn “Những ngày yêu như mơ” của Ngọc Trâm đội Đàm Vĩnh Hưng. Được biết, ca khúc này đã được Hải Yến mua độc quyền từ nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ.  BTC Giọng hát Việt đã không hề xin phép tác giả lẫn nữ ca sĩ khi sử dụng trong cuộc thi bài hát đã được đăng kí độc quyền.

Phần trình diễn của Ngọc Trâm trong liveshow 7 của Giọng hát Việt

Sau dòng trạng thái này trên trang cá nhân của Hải Yến, phía công ty Cát Tiên Sa – đơn vị sản xuất Giọng hát Việt vẫn chưa hề lên tiếng phản hồi.

Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop - 1

Hải Yến bày tỏ thái độ trên Facebook

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Giọng hát Việt dính ồn ào về việc bản quyền ca khúc. Trước đó, cũng ở mùa giải thứ hai này, trong vòng đối đầu, HLV Hồng Nhung đã chọn ca khúc “Chạy mưa” của Nguyễn Đình Thanh Tâm cho hai học trò của mình là My Hoàn - Thảo My và cũng bị ca sĩ này lên Facebook tỏ thái độ bức xúc.

Tiết mục của My Hoàn - Thảo My ở vòng Đối đầu

Ngoài ra, khi Nơi tình yêu bắt đầu đưa Bùi Anh Tuấn trở thành một hiện tượng ở vòng Giấu mặt Giọng hát Việt, anh cũng thản nhiên biểu diễn ca khúc này mà không hề xin phép nhạc sĩ Tiến Minh.

Tác giả của bản hit đình đám đã phải lên tiếng than thở về việc cảm thấy buồn khi đứa con tinh thần của mình thản nhiên bị sử dụng.

Phần biểu diễn của Bùi Anh Tuấn tại vòng giấu mặt Giọng hát Việt

Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop - 2

Bùi Anh Tuấn từng là hiện tượng của The Voice với "Khi tình yêu bắt đầu" nhưng lại không xin phép tác giả khi trình diễn trên các sân khấu lớn

Đồng nghiệp thiếu tôn trọng nhau?

Thực ra không phải chỉ có mỗi The Voice mới bị nhắc nhở về việc bản quyền ca khúc. Không ít các chương trình truyền hình thực tế cũng từng bị “lên thớt” vì vô tư sử dụng “chất xám” của những người làm nghệ thuật.

Uyên Linh từng là một hiện tượng âm nhạc, nhận được sự yêu mến của rất đông khán giả sau khi thể hiện “Đường cong” trong cuộc thi Vietnam Idol. Ca khúc này gần như gắn liền với Uyên Linh ngay cả khi cuộc thi kết thúc, chính vì vậy cô vẫn vô tư biểu diễn trên các sân khấu “Đường cong” mà quên mất người sở hữu thật sự của nó là nữ ca sĩ Thu Minh.

Nguyễn Hải Phong, tác giả của “Đường cong” đã phải lên tiếng đòi công bằng cho mình và Thu Minh. Sau sự nhắc nhở của hai “tiền bối”, Uyên Linh cũng gửi lời xin lỗi về sự vô ý của mình và không tùy tiện biểu diễn ca khúc này nữa.

Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop - 3

Uyên Linh từng biểu diễn "Đường cong" của Thu Minh đã mua độc quyền rất thành công

Một cuộc thi khác cũng bị nhắc nhở về bản quyền ca khúc là “Sao Mai điểm hẹn 2012”. Thí sinh Nguyễn Đông Hùng trong liveshow thứ 7 của sân chơi này đã biểu diễn “Ngây thơ” của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng.

Sau đêm diễn, trên trang cá nhân, tác giả trẻ này cũng có lời nhắc nhở về việc không được một lời xin phép nào từ BTC lẫn ca sĩ thể hiện khi sử dụng ca khúc của anh. Sau đó, Nguyễn Đông Hùng đã phải tự liên hệ và gửi lời xin lỗi đến tác giả ca khúc “Ngây thơ”.

Có thể thấy phần lớn chủ nhân của các ca khúc bị vi phạm bản quyền trong các cuộc thi âm nhạc đều chỉ lên tiếng rất nhẹ nhàng và nhanh chóng bỏ qua khi nhận được lời xin lỗi. Nguyễn Hải Phong từng nói việc Uyên Linh đem “Đường cong” lên “Vietnam Idol” dự thi, anh thấy không vấn đề gì nhưng khi cô biểu diễn bài hát này trên các sân khấu ca nhạc thì nó đã mang ý nghĩa khác. Còn Thu Minh thì cho rằng cảm giác bị thiếu tôn trọng khi ca khúc cô đã mua bản quyền lại bị đem ra sử dụng với mục đích kinh tế mà chưa được sự đồng ý của mình.

Các chương trình truyền hình thực tế như Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt… mang danh là một cuộc thi ca nhạc nhưng thực chất vẫn được xem như chương trình ca nhạc định kỳ mà ở đó trong từng tiết mục dự thi của thí sinh đều mang tính chất giải trí là chính, để phục vụ nhu cầu của khán giả xem đài. Các chương trình này đều có nhà tài trợ và đoạt doanh thu từ quảng cáo rất cao chính vì vậy, việc nhà sản xuất phớt lờ vấn đề bản quyền các ca khúc là điều khó chấp nhận.

Im lặng là vô tình khiến Vpop tiếp tục thụt lùi?

Bản quyền tác phẩm nghệ thuật không phải là một vấn đề quá mới mẻ ở làng giải trí Việt, ngay cả đến khán giả những người ngoài cuộc cũng đã quá quen thuộc với cụm từ này sau mỗi scandal ầm ĩ xảy ra. Thiết nghĩ, đã đến lúc những người làm công việc biểu diễn cho dù vẫn đang là thí sinh trong một cuộc thi âm nhạc nào đó đi nữa thì cũng cần nên có ý thức về vấn đề này nếu như còn hoạt động sâu hơn ở Vpop.

Ca sĩ Hồng Nhung khi bị chỉ trích vì chọn ca khúc “Chạy mưa” cho hai học trò mình biểu diễn mà không xin phép nhạc sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm đã trả lời với báo chí rằng chính tác giả này cũng từng mang ca khúc độc quyền của cô là “Hòn đá trong vườn” đi dự thi tại một chương trình khác, thậm chí, anh chàng còn tự ý cho vào album riêng.

Tuy nhiên, vì nghĩ rằng Nguyễn Đình Thanh Tâm là người đi sau, đưa ca khúc đi thi hay bỏ vào album đối với Hồng Nhung cũng rất bình thường nên cô không lên tiếng và hi vọng tác giả trẻ này cũng có suy nghĩ như vậy với việc hai học trò biểu diễn ca khúc của anh.

Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop - 4

Hai thí sinh của Hồng Nhung biểu diễn ca khúc "Chạy mưa" mà không hề xin phép tác giả

Mỗi người có một lựa chọn riêng, cách hành xử trong từng tình huống xảy đến khác nhau, tuy nhiên, nó cũng nên được dựa trên việc tôn trọng người khác và bản thân mình. Ai cũng yêu quý “đứa con tinh thần” của bản thân.

Xin phép không đưa ra nhận định về cách Hồng Nhung đối mặt với vấn đề bản quyền ca khúc vì không thể nói Nguyễn Đình Thanh Tâm không có lỗi khi tự ý sử dụng ca khúc của nữ ca sĩ. Tuy nhiên, anh có quyền lên tiếng để bảo vệ thành quả lao động nghệ thuật của mình cũng như Hồng Nhung cũng có quyền làm như vậy nhưng chị đã từ chối nó.

Hải Yến khi viết trên trang cá nhân việc bài hát “Những ngày yêu như mơ” bị vi phạm bản quyền cũng nhận không ít chỉ trích cho rằng đang cố tạo ra sự chú ý cho sản phẩm âm nhạc của mình. Thế nhưng, nếu cô im lặng cũng như nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khác đã im lặng thì đến bao giờ câu chuyện bản quyền âm nhạc ở Việt Nam mới dừng lại?

Thói quen "xài chùa" ca khúc của Vpop - 5

Học trò của Đàm Vĩnh Hưng - Ngọc Trâm trong liveshow thứ 7 của The Voice vô tư thể hiện ca khúc mà Hải Yến đã mua độc quyền

Đối với người làm nghệ thuật, từng sản phẩm ra mắt là sự đầu tư từ tư duy, công sức đến tài chính. Hời hợt với việc ai đó muốn biểu diễn ra sao thì ra cũng đồng nghĩa với việc hời hợt với “đứa con tinh thần” của mình. Cũng như vậy, việc các nghệ sĩ bày tỏ thái độ rõ ràng với vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật là cách mà họ giúp Vpop hội nhập với thế giới, tôn trọng bản thân, đồng nghiệp và cả công việc của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Võ ([Tên nguồn])
Bùi Anh Tuấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN