V-League 2013: Như cái chợ
Cãi nhau chí choé, lao vào nhau đòi ăn thua đủ, nhộn nhạo... đó là diện mạo của V-League 2013 vòng đấu thứ 5 vừa diễn ra xong. Có vẻ như sân chơi chuyên nghiệp đang dần được phong trào hoá từ chất lượng đến công tác tổ chức.
Trên sân Vinh, sự cố vỡ sân đã diễn ra thậm chí còn ghê rợn hơn lần vỡ sân tại Nam Định trong trận đấu giữa đội bóng thành Nam với Hoàng Anh Gia Lai hồi năm 2003. Khi ấy, do sân Nam Định đang trong giai đoạn sửa chữa nên việc rào gác lỏng lẻo, khán giả ùa vào sân, leo lên cả giàn cần cẩu để ngồi xem. Cũng xin nói thêm, sau đó các nhà điều hành nhận định đây là “chiêu” của Nam Định bởi khi ấy Hoàng Anh Gia Lai đã đoạt cúp và đang là đội bóng mạnh, trong khi đó Nam Định phải thắng mới có được huy chương đồng.
Lần này khác, những cánh cổng bị xô đổ, khán đài sập cả hành lang bằng sắt vì sức ép quá lớn, các bức tường cao ngất vẫn bị khán giả chinh phục như “đặc công”. Thậm chí đã có người bị đè ngã, đổ máu đưa lên xe cấp cứu. Ấy vậy mà trận đấu vẫn được ban tổ chức cho phép diễn ra mới tài. Thậm chí, để biện bạch cho việc trận đấu không huỷ, ban tổ chức giải dùng cụm từ “suýt vỡ sân” chứ chưa vỡ sân.
Khán giả không còn chỗ ngồi trên sân Vinh sau khi vỡ cổng, lượng người tràn vào quá đông
Và đội Sài Gòn Xuân Thành đã cho rằng họ phải thua tức tưởi trong trận đấu ấy. Dưới sức ép của khán giả, trọng tài đã giúp cho Công Vinh có được bàn thắng từ chấm phạt đền do... tưởng tượng ra lỗi. Ông Trần Tiến Đại, huấn luyện viên đội Sài Gòn Xuân Thành, đã phản ứng kịch liệt nhưng gần như chắc chắn sẽ không đi đến đâu. Lý do là bởi hồi năm 2003, dưới trướng bầu Đức toàn “hổ, báo” như Dusit, Kiatisuk, Sỹ Hùng, Phi Hùng... cũng đành ngậm ngùi chịu thua 0 – 2 cho nó lành! Tương tự như vậy, trên sân Thanh Hoá, sau khi khán giả tràn vào sân năm 2007 khiến trọng tài Võ Minh Trí phải “bẻ còi” giúp Thanh Hoá thắng vẫn được cho qua.
Không đảm bảo được an ninh nhưng vẫn được cho qua, hết lần này đến lần khác, các ban tổ chức sân đang khiến cho khán đài thành một “võ khí” để gây sức ép lên đội bóng đối phương bất chấp an toàn của khán giả.
Chuyện trên khán đài đã vậy, chuyện dưới sân bóng cũng tệ không kém. Để phụ hoạ cho việc bầu Thuỵ đề nghị dừng giải để chấn chỉnh công tác trọng tài, huấn luyện Lê Huỳnh Đức cũng phản ứng dữ dội với việc trọng tài đã giúp đội chủ nhà Hải Phòng có được chiến thắng không tưởng. Bàn thắng của Đà Nẵng hợp lệ đã bị huỷ trắng trợn. Ông cho rằng trọng tài Quốc Hùng có vấn đề và chính trọng tài là “ngòi nổ” khiến cầu thủ hai đội lao vào nhau đòi ăn thua đủ trên sân.
Nội tình các đội bóng cũng lao xao chẳng kém. Bình Dương cuối cùng cũng chịu không thấu trước sự phản ứng của các cầu thủ. Dù nói mạnh miệng là sẽ kỷ luật cầu thủ và bảo vệ huấn luyện viên Cho nhưng đến trận thua thứ 5 liên tiếp, họ đã phải nói lời từ biệt với huấn luyện viên này. Người thay thế không ai khác chính là ông Lê Thuỵ Hải, một huấn luyện viên giỏi trị sao; bởi điều cần thiết của Bình Dương bây giờ chính là người có thể làm cho “cái chợ” của Bình Dương trật tự hơn.
Tương tự như vậy, Đồng Tháp cũng vừa thay huấn luyện viên Trần Công Minh. Lý do thật sự thay cho lá đơn từ chức bị ép của Trần Công Minh chính là vị huấn luyện viên này hiền lành quá. Cầu thủ bất phục dẫn đến nguy cơ đội bóng có khả năng không tranh chấp được suất thăng hạng. Người thay ông Minh không ai khác chính là ông Phạm Công Lộc, cũng là một huấn luyện viên quyết liệt hơn trong việc điều trị “sao”.
Đã kết thúc vòng 5 của giải chuyên nghiệp nhưng mọi thứ vẫn tiếp tục dở dang, ồn ào như cái chợ. Người ta chợt nhớ đến ban đạo đức của VPF. Họ đâu rồi nhỉ?