Tiếng chửi đồng thanh trên sân Lạch Tray
Nhiều người đã phải tắt tivi hoặc chuyển kênh khi nghe tiếng chửi đồng thanh trên sân Lạch Tray rõ mồn một vì không muốn con em mình bị ảnh hưởng thứ “văn hóa chửi” trên sân bóng.
Năm 1995, trận chung kết Cúp Quốc gia được tổ chức trên sân Hàng Đẫy trong hệ thống Đại hội TDTT toàn quốc giữa Hà Nội và Hải Phòng, một lãnh đạo cấp cao đến dự khán đã phải bỏ về giữa trận vì không chịu nổi tiếng chửi đồng thanh từ hai phía khán đài A (CĐV Hà Nội) và khán đài B (CĐV Hải Phòng).
Từ quả 11 m này cho Hà Nội được hưởng, nhiều CĐV Hải Phòng đã làm loa đồng thanh văng tục chửi trọng tài
Trận chung kết đấy cũng có nhiều người nước ngoài dự khán với tư cách những người đến và tìm hiểu về bóng đá Việt Nam để đầu tư và ai cũng thắc mắc với kiểu cổ vũ có đầy đủ “hoa - củ - quả” mà hỏi ra không ai dám phiên dịch đúng nghĩa.
Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam khi ấy là ông Đoàn Xê và Tổng Thư ký Trần Bảy đã hổ thẹn về thứ văn hóa cổ vũ đấy và điều hai ông này đau nhất là từ hàng ghế VIP, một lãnh đạo cấp cao đã bỏ về cùng đoàn tùy tùng của mình. Trong khi đó, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khi ấy là ông Lê Bửu thì “đứng hình” ở khán đài A với lời tâm sự buồn: “Tôi đi xem bóng đá mà hứng đủ tất cả từ ngữ tục tĩu trên sân được CĐV hai đội đồng thanh thay nhau “văng” ra!”.
Đấy là câu chuyện từ thời bóng đá nghiệp dư và các CĐV hai bên đầy hiềm khích với nhau theo kiểu vùng miền.
Và những tưởng chuyện của 22 năm trước sẽ là một giai thoại buồn ở quá khứ trên sân bóng thủ đô giữa hai nhóm CĐV thì mới đây, trên sân Lạch Tray đã “diễn lại” thứ “văn hóa chửi” mà lần này là CĐV chủ nhà trút vào tổ trọng tài vì một quả 11 m phạt Hải Phòng.
Trận đấu trên được phát trên nhiều kênh và cả YouTube cho nhiều người hâm mộ trong và ngoài nước theo dõi. Và chắc hẳn là những tiếng chửi đồng thanh đấy luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người lỡ yêu bóng đá nhà và theo dõi V-League.
Ngay khi trận đấu chưa kết thúc và tiếng chửi đồng thanh cứ rõ mồn một trên sóng các nhà đài thì anh bạn tôi làm giáo viên thể thao đã gọi điện thoại chia sẻ: “Tôi xem bóng đá qua tivi cùng các học trò và thú thật là phải xin lỗi các học trò mình mà chuyển kênh xem bóng đá quốc tế vì cảm thấy xấu hổ và mất mặt với những học trò mình đã phải hứng chịu những tiếng chửi tục đồng thanh thật chói tai đấy…”.
Chưa hết, nhóm CĐV đấy còn tìm cách mở cửa sổ phòng họp báo rồi tiếp tục đồng thanh chửi trọng tài nghe thật chói tai, đến độ HLV trưởng của đội Hải Phòng là ông Trương Việt Hoàng phải bỏ giữa chừng buổi họp báo.
Người Hải Phòng lâu nay hay được khen là hết mình và thực sự là cầu thủ thứ 12 của đội bóng. Sân Lạch Tray là sân bóng hiếm hoi còn giữ được hai chữ “chảo lửa” bởi sự cuồng nhiệt của khán giả nhà. Tuy nhiên, giữa sự cuồng nhiệt và quá khích lại là hai phạm trù khác nhau. Một bên là động lực để bóng đá phát triển; còn một bên là hủy hoại bóng đá, đẩy người hâm mộ chân chính đến sân.
Sau sự cố sân Lạch Tray, những nhà điều hành bóng đá đã cảm thấy lo lắng thực sự. Sự lo lắng về công tác trọng tài thì vốn có từ vòng đấu đầu đến nay nhưng lớn hơn lại chính là những mầm mống gieo thứ văn hóa xấu xí vào sân bóng và ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ và những phụ huynh muốn cho con em theo bóng đá.
Chuyện đúng sai trong một tiếng còi là chuyện muôn thủa và đã có “tòa án” bóng đá. Nhưng dựa vào đấy để quậy phá dẫn đến những nguy cơ vỡ sân và thậm chí là dựa vào hiệu ứng đám đông để thực hiện những ý đồ khác thì thật đáng báo động.
Một thách thức với những nhà tổ chức và với cái sân Lạch Tray đang đứng trước những bản án.