Góc nhìn: Phải có bằng chứng từ cảnh sát
Theo quan sát từ những vụ scandal tiêu cực bóng đá quốc tế bị phanh phui trong khoảng 10 năm gần đây đều có sự tham gia của Cơ quan điều tra (cảnh sát) và Tư pháp (tòa án) với những bằng chứng cụ thể.
Vụ Calciopoli của bóng đá Ý năm 2006 với hậu quả là Juventus bị tước chức vô địch Serie A, đánh rớt xuống hạng B, các CLB AC Milan, Lazio, Fiorentina bị trừ điểm và có trên 15 cầu thủ, 16 quan chức CLB và các trọng tài phải ra vành móng ngựa, bị kết án tù. Bằng chứng của vụ Calciopoli 2006 là đã cảnh sát Ý đã thu thập hàng trăm cuộc ghi âm điện thoại, các lời khai của cầu thủ, trọng tài, nhân chứng về chuyện móc ngoặc, dàn xếp kết quả.
Năm 2011, bóng đá Hàn Quốc xảy ra scandal lớn với 11 cầu thủ phạm tội bán độ, trong đó 10 cầu thủ bị treo giò vĩnh viễn. Bằng chứng mà cảnh sát Hàn Quốc công bố là một cầu thủ đã nhận 110.000 USD từ tay một môi giới rồi chia cho các đồng đội với mục đích “buông” khiến Deajeon Citizen thua Pohang Steelers ở giải K-League.
Năm 2011, bóng đá Trung Quốc chấn động với việc các lãnh đạo của LĐBĐ Trung Quốc kết tội nhận hối lộ. Trưởng BTC giải Chinese Super League là Zang Jianqiang bị phát hiện nhận 260.000 bảng Anh tiền hối lộ. Trọng tài FIFA Huang Junjie nhận 160.000 bảng để làm sai lệch kết quả các trận đấu ở giải VĐQG và cả các trận quốc tế. 20 quan chức cao cấp khác của LĐBĐ Trung Quốc, các CLB và 1 trọng tài khác cũng “xộ khám” vì tiêu cực.
Bóng đá ý nổi tiếng với những vụ bán độ
Giữa năm 2012, bóng đá Ý lại sốt với vụ bán độ Scomessopoli khi cảnh sát triệu tập Stefano Mauri (đội trưởng Lazio), Antonio Conte (HLV trưởng Juventus), hậu vệ tuyển Ý Domenico Crsicito để thẩm vấn về các nghi ngờ tiêu cực liên quan đến đường dây của trùm cờ bạc người Singapore Tan Sheet Eng, người bị bắt vào cuối năm 2011. Với các bằng chứng mà cảnh sát có được, HLV Conte và cầu thủ Stefano Mauri bị cấm hành nghề 6 tháng.
Gần đây nhất, tháng 7/2013, cảnh sát Tây Ban Nha ban đầu công bố đã có sbằng chứng 3 trận đấu ở La Liga và 6 trận đấu ở hạng Nhất TBN ở mùa giải bị bán độ. Cuộc điều tra đang tiếp tục.
Những ví dụ trên cho thấy, việc kết án hay kỷ luật tập thể, cá nhân cần phải có bằng chứng cụ thể để tránh hậu quả về pháp lý (bị kiện ngược) và xử lý đúng người, đúng tội chứ không để tội của người này vạ lây cho người khác. Ngay cả BĐVN thì vụ tiêu cực của tuyển U.23 ở SEA Games 23 (2005) và tiêu cực của các trọng tài được khui ra vào đầu năm 2006 đều cần đến nghiệp vụ điều tra của cảnh sát để thu thập chứng cứ cụ thể. Do vậy, đưa ra một phán quyết kỷ luật chỉ dựa trên “biểu hiện” là hành động có thể nói là khá mạo hiểm.