Đức đụng Hy Lạp: Chiến lược đánh nhanh
Trong cuộc đấu với một hàng phòng ngự kín kẽ, tốc độ sẽ là chìa khóa để Đức tấn công.
HLV Joachim Loew nói “Hy Lạp không phải là Chelsea”, nhận định này không hề sai, cùng chơi phòng ngự nhưng cách đá của 2 đội có những nét khác hẳn và thậm chí, trong lối chơi này người Hy Lạp còn được đánh giá cao hơn một bậc bởi sự thuần thục. Chelsea chơi phòng ngự bởi hoàn cảnh đẩy họ vào thế phải như vậy trong khi Hy Lạp đã được xây dựng theo hướng đi này qua nhiều năm với thành công vang dội ở Euro 2004. Khác với cách đá của Chelsea, Hy Lạp luôn chủ động tạo dựng một thế trận khó chịu đến mức nhàm chán và buồn ngủ với người xem đến khi đối phương mất bình tĩnh, đội bóng đến từ xứ sở của các vị Thần sẽ tung ra đòn kết liễu, duy nhất và vô cùng hiệu quả.
Các chiến thắng 1-0 đã trở thành một đặc sản với người Hy Lạp, như cách họ đánh bại Nga để giành tấm vé vào tứ kết và khiến HLV Dick Advocaat phát cáu sau trận đấu. Những điểm mạnh nhất của Hy Lạp lại đang nằm trong số các vấn đề Đức phải đối mặt. Mannschaft đang gặp khá nhiều khó khăn khi đụng phải các đối thủ chủ động chơi phòng ngự số đông. Như ở 2 trận đấu ở vòng bảng gặp Bồ Đào Nha và Đan Mạch, mặc dù thắng nhưng đó đều là những chiến thắng khá vất vả cho “Cỗ xe tăng” khi đối phương tập trung quân số bên phần sân nhà để tranh chấp và bịt các khoảng trống.
Hy Lạp rất giỏi ra đòn kết liễu
Việc đụng phải những bức tường người khiến cho Ozil, Muller, Podolski, Gomez không có nhiều khoảng trống để chuyền bóng và dứt điểm. Trong trận gặp Đan Mạch, Đức có tới 227 đường chuyền tấn công, gấp ba lần đối thủ, nhưng chỉ tung ra được đúng bốn cú sút (rất may là Gomez luôn đạt hiệu quả cao trong các cú dứt điểm). Về mặt phòng ngự, Hy Lạp chắc chắn còn chặt chẽ hơn rất nhiều, đặc biệt khi bước vào vòng knock-out không có chỗ để sửa sai. Thêm vào đó, khả năng phản đòn của Karagounis và các đồng đội cũng rất đặc sắc, chỉ cần một cơ hội, một quả đá phạt, mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Đây tiếp tục là một mối nguy hiểm khác với Joachim Loew. Khi cầm bóng để tấn công nhưng gặp khó khăn, các hậu vệ biên dâng cao sẽ để lộ ra các khoảng trống phía sân nhà. Ngay cả HLV Loew cũng phải thừa nhận đội bóng của ông đã chơi thiếu tập trung trong các tình huống mất bóng để cho đối phương có khá nhiều cơ hội gây sóng gió trước khung thành Neuer. Bên cạnh đó, khả năng chống bóng bổng từ các tình huống cố định của ĐT Đức cũng chưa tốt. Ở trận gặp Bồ Đào Nha họ để lỏng Pepe và rất may cú đá của hậu vệ này đã đưa bóng trúng xà ngang, đến trận gặp Đan Mạch, Bendtner đã nhận bóng từ một cú đá phạt góc và chuyền cho Krohn-Delhi ghi bàn. Xin nhắc lại, đây là một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm của Hy Lạp.
Đức cần dứt điểm nhanh
Những luận điểm trên chỉ ra rằng, sẽ lại là một thế trận kín kẽ, khó thở đang chờ đợi ĐT Đức phía trước. Các nhược điểm có thể được khắc phục ngay lập tức hay không vẫn chưa rõ nhưng nhìn chung quyền kiểm soát sẽ nằm trong tay Mannschaft. Muốn phá vỡ được kết cấu phòng ngự của Hy Lạp, tốc độ sẽ đóng vai trò then chốt trong lối chơi của “Cỗ xe tăng”. Tốc độ ở đây nằm trên nhiều khía cạnh. Nhanh trong các pha chạm bóng, xử lý để tránh bị áp sát, vây hãm. Nhanh trong các đường chuyền, trong việc luân chuyển bóng để tiến đến khung thành của Hy Lạp. Và quan trọng nhất, phải thật nhanh trong việc tấn công ngay sau tiếng còi khai cuộc.
3 bàn thua cho đến lúc này của Hy Lạp đều xảy ra trong khoảng 20 phút đầu, trận gặp Ba Lan họ để Lewandowski đánh đầu tung lưới phút 17, trận gặp Czech, Jiracek và Pilar đã tung 2 nhát dao ngay phút 3 và phút 6. Khả năng bắt nhịp với trận đấu của đoàn quân dưới tay HLV Santos không thực sự cao và khi chưa tổ chức được thế trận, họ tỏ ra khá mong manh, dễ vỡ. Nếu không thể giải quyết dứt điểm, các cầu thủ Đức sẽ phải chơi tập trung trong suốt cả trận, bởi chỉ cần một phút sơ sảy, sẽ rất dễ bị trả giá. Nga chính là một bài học lớn cho thầy trò Joachim Loew.