Động lực nào khiến VFF ‘đứng hình’ trước cú đạp hủy diệt
Vụ Omar của FLC Thanh Hóa có ngay án phạt chỉ sau một ngày tiền đạo này thể hiện sự phản cảm trên sân Nha Trang.
Vụ Thế Nhật cũng bị áp án ngay sau trận Cúp Quốc gia giữa SL Nghệ An và Đắk Lắk. Thế mà vụ Hoàng Vũ Samson có hành vi rất bạo lực thì Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài và các bên liên quan như bị “đứng hình”.
Vụ việc của Samson để lại nhiều dấu hỏi
Có quá nhiều clip quay những góc độ khác nhau cũng như hình ảnh về hành vi rất nguy hiểm của Samson. Thế mà các bộ phận có trách nhiệm của VFF cứ “ngượng ngùng” và thậm chí là còn gồng lên cãi rằng đó chưa phải là pha bóng phạm luật (!?). Tệ hại hơn và nguy hiểm hơn, các bên có chức năng xem xét đưa ra án phạt lại “sáng tác” ra thuật ngữ “vào bóng liều lĩnh”.
Tuy thuật ngữ này không có trong 17 điều luật của FIFA nhưng cũng nói lên mức độ liều lĩnh của những nhà điều hành từ Ban Trọng tài đến Ban Kỷ luật và lây lan sang cả Ban Tổ chức giải lẫn VPF… Họ cố tình dùng từ ngữ để che đậy hành vi của Samson. Điều mà chính những thành viên trọng tài của AFC, của FIFA giàu kinh nghiệm khi xem băng hình trên (do báo chí cung cấp) đều khẳng định đấy là hành vi quá bạo lực và dứt khoát phải là thẻ đỏ cùng nhiều hình thức kỷ luật khác nữa.
Hôm qua (8-2) lại có clip mới ở một góc quay khác mà cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ trên Facebook của mình. Điều đáng chú ý là đoạn clip đấy lại lấy từ VPF, tức bộ phận tổ chức giải đấu và cho thấy đó là một cú đạp mạnh vào phần bắp vế, gần chỗ nhạy cảm của Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai).
Câu hỏi rất lớn đặt ra là vì sao, ai là thế lực đứng đằng sau Samson để các bên phải “đứng hình” không dám đưa ra án phạt? Tìm hiểu kỹ điều đấy thì sẽ hiểu vì sao bóng đá Việt Nam mất niềm tin với người hâm mộ khi bị chính những nhà điều hành đổi trắng thay đen.
Sau án phạt của Samson cũng cần phải tìm ra căn nguyên để tiếp theo là những án phạt gắt gao đối với những người, những bộ máy điều hành bóng đá nhưng cố tình làm lệch.