Công Vinh bị tẩy chay ngầm?
Với trình độ đã được khẳng định, ít ai ngờ Lê Công Vinh lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp ở độ tuổi 28. Phải chăng, đã có cuộc tẩy chay ngầm từ phía các CLB hướng vào CV9?
Cần lưu ý là lúc này các cầu thủ cỡ “đàn em” của Công Vinh như Thành Lương, Trọng Hoàng.., vẫn nhận được chào mời với những khoản tiền lót tay bạc tỷ. Vậy mà V.Ninh Bình lại “định giá” mượn Công Vinh 1 năm với số tiền 500 triệu đồng, kèm theo lời bỏ ngỏ như thể họ đang ban ân “cứu” CV9 khỏi thất nghiệp. Vô lý chưa?
Về vấn đề này, sáng 17.1, ông Lê Xuân Thông, Giám đốc điều hành CLB bóng đá Hà Nội đã chia sẻ với Dân Việt: “Nỗi khổ của chúng tôi là suốt thời gian qua, chỉ có V.Ninh Bình hỏi mượn Công Vinh mà thôi. Các cầu thủ khác khả năng kém hơn nhưng lại nhận được nhiều lời mời và CLB cũng dễ dàng giải quyết. Trên lý thuyết, cái giá 500 triệu đồng mà V.Ninh Bình đưa ra rất khó chấp nhận. Nhưng thực tế lại rất khó nói…”.
Công Vinh "cô đơn" trên hàng công của đội tuyển tại AFF Cup 2012. Ảnh: Đàm Duy
Theo ông Thông, nếu phía Hà Nội đòi hơn thì sẽ gây khó cho V.Ninh Bình và nhiều khả năng họ sẽ không mượn. Khi đó, CLB vừa không có 500 triệu đồng, lại vừa mất thêm tiền trả 70% lương tháng cho Vinh.
“Tôi đã trao đổi chuyện này với Vinh và cậu ta muốn có thêm thời gian suy nghĩ bởi vợ vừa mới sinh con nhỏ, cần có thời gian chăm sóc. Tới V.Ninh Bình, ngoài việc xa nhà, điều tôi nghĩ khiến Vinh băn khoăn là tiền lương.
Hiện tại, "ngồi chơi xơi nước" ở CLB bóng đá Hà Nội, Vinh cũng nhận được khoảng 50 triệu đồng/tháng. Còn tới V.Ninh Bình, cậu ấy phải tập luyện, phải thi đấu và phải đối diện với những nguy cơ chấn thương nhưng chỉ được hưởng lương khoảng 25 triệu đồng/tháng”, ông Thông nói thêm.
Về phía đội bóng cố đô Hoa Lư, rõ ràng họ chẳng quá "mặn mà" chiêu mộ Công Vinh. Nói một cách hình tượng V.Ninh Bình giống như người đi siêu thị thấy hàng đại hạ giá thì mua, chứ không hẳn là có nhu cầu.
“V.Ninh Bình đã trao đổi rõ với anh Lê Xuân Thông. Vấn đề còn lại của thương vụ này là sự thỏa thuận giữa Hà Nội và Công Vinh. Nếu đồng ý, chúng tôi nhận, còn không thì thôi. Vinh không phải là cầu thủ chúng tôi phải lấy về bằng mọi cách”, Chủ tịch CLB V.Ninh Bình, Phạm Văn Lệ cho biết.
Thắng thắn hơn, HLV Nguyễn Văn Sỹ bày tỏ: “Công Vinh là một cầu thủ tốt, nhưng V.Ninh Bình cũng đủ người ở vị trí của Vinh. Ngoài 2 ngoại binh Timothy, Moussa, tôi còn có Văn Quyến, Mai Tiến Thành có thể chơi tốt trên hàng công.
Tôi chưa nhận được thông tin gì từ lãnh đạo về việc mượn Công Vinh. Theo quan điểm của tôi, đội bóng không cần thêm tiền đạo”.
Xem ra, đây là lúc Công Vinh phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng nan giải. Nó khác hẳn thời điểm năm 2008 hay 2011, khi Vinh có quá nhiều lời mời đến độ phải "lật kèo" để chọn đội bóng ưng ý nhất.
Trở lại thời điểm AFF Cup 2008-giải đấu có ý nghĩa bước ngoặt trong sự nghiệp của Công Vinh, anh cũng từng phải đối diện với rất nhiều thử thách. Khi đó, Vinh cũng từng chịu cảnh “chạy xe không” và thi đấu rất mờ nhạt ở vòng bảng.
Chỉ tới khi tuyển Việt Nam lọt được vào bán kết và đừng trước thời cơ vô địch lịch sử, CV9 mới nhận được nhiều sự “hợp tác” hơn từ các vệ tinh xung quanh, và anh đã chớp được thời cơ để trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam.
Nguyên do của hiện tượng này có thể bắt nguồn từ việc Vinh chọn Hà Nội.T&T làm bến đỗ trước AFF Cup 2008. Ngày ấy, sau khi V.League 2008 khép lại, CV9 rời SLNA và đã “ghi nhớ” sẽ về với Thể Công ở V.League 2009.
Vậy mà vào phút chót, cầu thủ này lại quay ngoắt qua ký chính thức với Hà Nội T&T cùng số tiền lót tay trên 7 tỷ đồng. Phía hậu trường đồn đoán, chính cách hành xử ấy của Vinh đã khiến “cả làng” không ưa. Và đó là lý do anh gần như bị cô lập trên hàng công của đội tuyển tại vòng bảng AFF Cup 2008.
Và như một trò đùa của số phận, những gì Vinh mới trải qua ở AFF Cup 2012 như một “bản sao không hoàn chỉnh” của AFF Cup 2008. Sau khi V.League 2011 kết thúc, Vinh gần như đã nhận lời ở lại Hà Nội T&T.
Nhưng vào phút cuối, anh một lần nữa lại khiến tất cả ngỡ ngàng khi “lật kèo” bầu Hiển để về với bầu Kiên. Nghe đâu, số tiền lót tay của Vinh lên tới 13 tỷ đồng cùng mức lương “khủng” 70 triệu đồng/tháng ở Hà Nội.
Và “cuộn phim” lại được tua lại... Trong 2 trận được xuất phát trong đội hình chính gặp Myanmar, Philippines ở vòng bảng AFF Cup 2012, Vinh luôn “cô đơn" trên hàng công. Hình ảnh biết nói là ở trận ra quân gặp Myanmar, dù trước khi bước vào trận đấu trời đổ mưa rất to nhưng quần áo của Vinh gần như vẫn trắng tinh sau 70 phút có mặt trên sân (?!).
Điểm khác biệt giữa AFF Cup 2008 và AFF Cup 2012 là tại giải đấu cuối năm ngoái, tuyển Việt Nam đã quá đen đủi, thay vì gặp nhiều may mắn như 4 năm trước.
Công Vinh kết thúc AFF Cup 2008 với tư cách người hùng. Còn sau AFF Cup 2012, anh đã phải đối diện với rất nhiều sự chỉ trích vì phong độ sa sút!
Sau AFF Cup 2008, Vinh đàng hoàng bước vào V.League 2009 với tư cách ngôi sao số 1 bóng đá Việt Nam. Còn vào lúc này, khi V.League 2013 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là khởi tranh, anh đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp!
Sự "cô đơn" của Công Vinh ở AFF Cup 2012, sự "ế ẩm" của CLB bóng đá Hà Nội trong việc rao bán ngôi sao số 1 của đội, phải chăng bắt nguồn từ những cú "lật kèo" của CV9 trong quá khứ?
Bầu Đệ của Thanh Hóa "phũ mồm" khi thẳng thừng tuyên bố: "Công Vinh cho không tôi cũng không nhận". Lối nói của người đáng tuổi cha chú của Vinh như vậy là không nên.
Thế nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, nó cũng phản ánh phần nào suy nghĩ thiếu thiện cảm của ông Đệ về Vinh. Và người ta không chắc ở làng bóng Việt, chỉ có mỗi bầu Đệ nghĩ như vậy! Ở làng bóng này, nhiều ông bầu ngại "đao to búa lớn" trên diễn đàn nhưng khi hành động cũng nhiều "ngón đòn" quyết liệt vô cùng.
Mà ở cái thời cầu thủ thất nghiệp nhiều như lúc này, chẳng cần phải làm gì cứ không mua, không nhận thôi, cũng là "đau" lắm rồi!