Bóng đá Việt Nam: Mua nhanh, bỏ dễ…
Hơn 30 con người của đội bóng NaviBank SG bây giờ cứ ở chế độ chờ. Không ai liên lạc được với người có trách nhiệm giải quyết chính là ông Chủ tịch CLB Nguyễn Vĩnh Thọ. Mọi người chỉ biết ông qua công văn thảo vội, câu cú lủng củng và sai cả nơi nhận rồi chuyển vội cho LĐBĐ TP.HCM, còn người thật việc thật thì vẫn bặt vô âm tín.
Có lẽ cần phải nhắc đến ngày NaviBank Sài Gòn đổ tiền mua đội bóng rất nhanh và rất hào phóng. Đó là thời điểm Quân khu 4 mới đang xoay sở với cơ chế chuyên nghiệp trước mùa 2010, thời điểm mà đội bóng trực thuộc Quân khu và nhiều cầu thủ còn là lính đá bóng.
Mua nhanh sau những “chiêu trò”
Thời điểm đấy, bóng đá TP.HCM với nỗi lo không sáng đèn và đang được những nhà làm bóng đá địa phương ra tay cứu với nhiều hứa hẹn.
Lúc đấy, Tập đoàn Tân Tạo là đơn vị đã được ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Lê Hùng Dũng “dạm ngõ” và nhắm là nhà đầu tư cho bóng đá TP.HCM. Lộ trình lúc đấy đưa ra là cải cách CLB TP.HCM biến đội này thành một “Dream Team” với hàng loạt kế hoạch nóng như kêu gọi người Sài Gòn về chung tay khôi phục truyền thống của bóng đá Sài Gòn.
Việc ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM “nhổ” HLV Đặng Trần Chỉnh rời Bình Dương về với TMN.CSG và kéo thêm ê-kíp Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Phúc Nguyên Chương… gia nhập. Để thu hút nhân tài, ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM liền công bố ngay nhà tài trợ trả lương cao để giữ chân ê-kíp ban huấn luyện là người của Cảng Sài Gòn và đấy được xem là bước khởi đầu hoàn hảo. Thế nhưng khi có thầy, có lính và bắt tay vào thực hiện việc ổn định và sắp xếp lại đội bóng thì “đụng hàng”. Nói như nhiều người hồi đó là chuyện “chiêu trò” của người lớn với nhau. Phía TMN.CSG chăm chăm vào việc đổi sang tên CLB TP.HCM để “nâng cấp thương hiệu” hòng tính đến hàng loạt chuyện làm ăn sau cái tên nhập nhằng là đội bóng của TP.HCM.
CLB NaviBank SG đang rất giống với ngôi nhà có chủ nhưng chủ hộ lại trốn biền biệt
TP.HCM lại muốn tài sản 25% của CSG và 75% của Tổng công ty Thép Việt Nam và các cổ đông phải là “của” TP.HCM hay người của TP.HCM. Phần chuyển sở hữa hoặc chia cổ phần lại không thành nhưng cái tên CLB TP.HCM thì đã được sinh.
Bao nhiêu tức tối với “chiêu trò” đấy, ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM tìm gấp một đội bóng khác làm “tài sản” cho bóng đá TP.HCM thời ông đương nhiệm. Thế là đứa con của tập đoàn Tân Tạo ra đời với cái tên NaviBank SG.
Vì tự ái và vì phải có đội bóng đại diện cho TP.HCM bằng mọi giá thế là NaviBank SG ra đời trong hoàn cảnh đó. Đứng về mặt quan tâm ủng hộ thì NaviBank SG dù mua của Quân khu 4 toàn phần nhưng lại được xem là “con đẻ” của LĐBĐ TP.HCM thời bấy giờ thông qua những mối quan hệ và cả làm ăn với nhau. Trong khi đó đội CLB TP.HCM từ sau khi đổi tên và không hợp tác với LĐBĐ TP.HCM đã bị xem là đội “con ghẻ”.
NaviBank SG hiện tại: Nhà không chủ
Phóng sự ngắn của các nhà đài đã cho thấy hình ảnh heo hắt cùng sự im lặng đáng sợ của những người có trách nhiệm với CLB NaviBank SG. Ông Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ cả hai tháng nay không ai liên lạc được trong khi một số người rành về bóng đá trở về từ Mỹ sau chuyến du lịch thì khẳng định vô tình thấy ông cùng gia đình đang đi dạo ở Cali, Mỹ.
Hơn 30 con người của đội bóng bây giờ đều ở chế độ chờ và không biết bám víu vào ai, hoặc “nắm tóc” ai để đòi lại các khoản nợ lương, nợ thưởng và nợ những khoản lót tay trong “giao dịch bí mật”.
Cái cách mà nhân viên bảo vệ NaviBank SG trả lời với nhà đài đã nói lên tất cả: “Đi hết rồi, ông chủ cũng đi luôn rồi, có vào cũng không có ai giải quyết đâu. Tôi cũng không biết chừng nào ông ấy về. Cả tháng nay cũng nhiều người đến tìm rồi lại về không…”.
Rất nhiều cầu thủ ngao ngán vì cứ dở dang với chế độ chờ trong khi mùa giải mới đã bắt đầu khởi động mà không gặp ông chủ thì không thể thanh lý hợp đồng để đi đội khác và để thanh toán các khoản nợ khó đòi. Thực chất thì “tội” đổ hết lên đầu ông Nguyễn Vĩnh Thọ cũng oan cho ông này bởi xét cho cùng thì ông Thọ cũng chỉ là “thiên lôi”, là người trong tập đoàn được cử ra để quản lý đội bóng. Thậm chí là có ý kiến nói rằng kể từ nửa cuối lượt về V-League 2012, chữ ký của ông Thọ đã không còn đủ trọng lượng để rút tiền ra như cái cách mà trước đây ở đội bóng vẫn chi ào ạt và lên hàng đại gia với thống kê: gần 3 mùa tiêu hơn 300 tỉ đồng.
Việc mua nhanh, bỏ dễ bây giờ có thể sẽ là hiệu ứng domino của nhiều đội bóng chứ không của riêng đội NaviBank SG bởi tình hình kinh tế khó khăn và việc siết chặt tiền tệ với các hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo đội NaviBank SG đã tính chuyện bán nhanh CLB này nhưng tìm mãi vẫn không ra đối tác chịu mua khiến họ cuối cùng phải làm động tác giao cho LĐBĐ TP.HCM mà bản thân Liên đoàn địa phương này cũng không có lối ra.
Với hai phương án đề xuất UBND TP.HCM (giao cho một đơn vị có tiềm lực quản lý, hoặc Ủy ban hỗ trợ 7 tỉ, còn lại 20 tỉ kêu gọi các đơn vị ở TP.HCM chung tay) mà LĐBĐ TP.HCM trình lên thực chất cũng không có lối ra khi phần gốc bây giờ vẫn thuộc những ông chủ đang trốn tránh dư luận và trốn cả những người là thành viên của đội bóng đang cầu cứu có người giải quyết.
Câu chuyện của NaviBank SG bây giờ rất giống với ngôi nhà có chủ, nhưng chủ hộ thì đang trốn biền biệt để lại biết bao thành viên trong ngôi nhà đấy khốn đốn và long đong lo cho số phận của mình trong khi các chủ nợ thì cứ đến tìm chủ nhân, nhưng vô vọng. Chính VFF cũng không biết đường giải quyết như thế nào và kế hoạch hoãn binh chưa vội bốc thăm, chưa đụng vào nhân sự mùa giải mới vì có một ngôi nhà vắng chủ.
Cái cách mua nhanh, bỏ dễ cũng là tình hình hiện tại của bóng đá Việt Nam sau 12 năm làm chuyên nghiệp. 12 năm đi chưa thành đường, nhưng có những đội lại đang đi vào “đường chết”.