Bóng “công”, bóng “tư”
Nhiều người vẫn xem bộ máy quản lý của VFF là “công”, còn hoạt động của các doanh nghiệp, các lò đào tạo là “tư”.
Vậy thì chuyện CÔNG và TƯ đấy có gì khác nhau?
Ở bóng đá “công” chẳng ai bỏ vào cái gì mà đa phần là mượn chức vụ và quyền để hưởng lợi từ bóng đá. Rõ nhất là thời gian gần đây, một quan chức ở liên đoàn khi biết mình sắp chia tay ở nhiệm kỳ tới đã tranh thủ thực hiện rất nhiều “quyết định bổ nhiệm” cho “người nhà” vào những cơ quan, những bộ phận do liên đoàn quản lý. Trong khi đó, nhiều quan chức sống lâu bám rễ ở bộ máy VFF đang chạy suất để trụ lại ở nhiệm kỳ tới bởi cửa “công” có rất nhiều khe và nhiều khoản mà dân làm bóng đá hiểu điều này hơn ai hết.
Ngay như Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VFF cũng thế. Một cơ ngơi hoành tráng được xây bằng tiền của FIFA nhưng mục đích sử dụng thì lại để “gây quỹ” qua việc cho thuê mặt bằng và làm dịch vụ. Trong khi đó, phần chính là đào đạo trẻ thì lại tê liệt cho đến khi Nhà nước rót kinh phí đào tạo VĐV chuẩn bị cho lộ trình ASIAD 2019 mà Việt Nam đăng cai thì mới rục rịch về phương án làm và cách làm…
Bóng “tư” đã nhanh hơn bóng “công” ở chỗ rót tiền vào để làm cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: QUANG THẮNG
Đông Triều và Công Phượng ngày nào còn là hai chú bé đá chân đất giờ đã lớn dần trong màu áo U-19 Việt Nam. Ảnh: CÔNG TUẤN
Phần bóng đá “tư” thì toàn là tiền doanh nghiệp đổ vào. Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng hết lòng và hết mình với bóng đá bởi có doanh nghiệp “nhiều tiền quá” và xác định bóng đá là nơi để “giải quyết” những con số.
Cũng có doanh nghiệp xác định làm bóng đá cũng là nhà đầu tư mà rõ nhất là bầu Đức khi nhận đội Gia Lai đã rất quyết liệt với ủy ban tỉnh. Ông khẳng định mình là nhà đầu tư và nhận đội bóng chứ không chịu làm nhà tài trợ đổ tiền để cho… “công” ăn.
Còn với đội U-19 Việt Nam trong đó có 12 cầu thủ của Học viện HA Gia Lai thì tuy không phải là người quản lý toàn bộ nhưng việc bầu Đức quyết nhanh và bỏ tiền lo cho toàn đội khiến mọi việc thuận lợi.
Giữa bóng “công” có rất nhiều ban bệ và nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều chuyên gia đi học nước ngoài nhưng cách làm và cách điều hành lại cho thấy họ đi rất chậm sau bóng “tư”.
Và điều khác biệt lớn nhất của bóng “tư” là bỏ tiền cho bóng đá, còn bóng “công” thì ngược lại.
Vì thế mà cũng cần phải xem lại việc hình thành bộ máy điều hành theo hướng quyền lợi của bóng đá Việt Nam thay cho quyền lợi nhóm.