Bình luận: Mua chuộc tình cảm
Có 2 cách để khiến các cầu thủ ra sân chơi hết mình.
Thứ nhất, dùng thật nhiều tiền để các cầu thủ hiểu trách nhiệm của mình làm sao xứng đáng với đồng tiền ấy, cũng như nỗ lực để đạt được số tiền “kếch xù” mà lãnh đạo “treo thưởng”. Thứ hai, dùng tình cảm để động viên tinh thần. Một trong những cách làm để “mua chuộc” tình cảm kể trên đều có thể mang lại hiệu quả ở bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không khéo léo thì rất dễ dẫn đến những hiệu ứng ngược.
Đã có một thời các đội bóng chạy đua về số tiền thưởng cho mỗi trận đấu, điều ấy đã mang lại những hiệu quả nhất thời khi các cầu thủ ra sân “máu” hơn. Nhưng cũng chính vì việc quá coi trọng vào những khoản tiền thưởng mà các CLB tự “bắn vào chân mình”, bởi khi không có tiền y như rằng các cầu thủ “xìu”. Bầu Trường là minh chứng xác thực nhất của “mặt trái đồng tiền” này. Ông Trường luôn là ông bầu đứng đầu trong khoản thưởng cho cầu thủ Ninh Bình trước đây, nhưng đội bóng của ông lại thường xuyên thi đấu khá phập phù, đến khi những khoản tiền không được rót xuống, các cầu thủ không muốn đá và tìm mọi cách để móc hầu bao của ông bầu này. Những đồng tiền của ông Trường bỏ ra vì thế không thể mua chuộc tình cảm của các cầu thủ, hay nói cách khác thì việc làm của ông đã phản tác dụng như ý muốn của ông.
V-League bước vào giai đoạn cuối
Tại sao ĐT.LA dưới thời HLV Ngô Quang Sang lại chơi hay như thế dù cho đội bóng này không hề mạnh về tiền? Lý giải về vấn đề này, chưa bao giờ ông Sang nói đến vấn đề chuyên môn, mà quả thực nếu chỉ nói chuyên môn thì với lực lượng như thế ĐT.LA cũng chẳng “ăn” được ai ở V.League. Nếu nói về chuyên môn, thì ông Sang không thể so với 2 HLV ngoại trước đó là Vital và Marcelo. Điều quan trọng nhất, chính là cách ông Sang dùng tình cảm của một người anh để đối xử với các cầu thủ, và cầu thủ ĐT.LA ra sân chơi hết mình vì tình cảm ấy chứ không đơn thuần vì những khoản tiền thưởng vốn ít ỏi của CLB.
Cũng như thế, chẳng ai bảo SLNA là CLB giàu, thậm chí phải nói là đội bóng nghèo của V.League, nhưng sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ, cái uy kèm theo ân tình của HLV Hữu Thắng giúp đội bóng này đến nay vẫn duy trì cơ hội lên ngôi vô địch.
Tất nhiên, để “mua chuộc” tình cảm không thể chỉ biểu hiện qua những lời nói. Tức là tình cảm ấy phải thật sự chân thật và hơn hết cầu thủ là những người cảm nhận được điều ấy. Thế nên, không lạ khi BLĐ K.Kiên Giang hết lần này đến lần khác đưa ra những hứa hẹn, nhưng cứ mỗi lần hứa hẹn là thêm một lần khiến cầu thủ bức xúc. Những lời hứa ấy một khi không đi kèm với hành động và sự quan tâm lúc cần thiết nhất thì cũng bằng thừa. Hôm qua, chỉ một lời nói cũng kèm theo lời hứa như “gió thoảng qua” của ông Giám đốc Sở VH,TT&DL Kiên Giang thôi còn mang giá trị hơn cả vạn lời hứa trước đó của BLĐ đội bóng này.
Sẽ thật tuyệt, nếu như những nhà quản lý bóng đá có trong tay cả “tình” lẫn “tiền” để khiến các cầu thủ nghe theo mình. Nhưng nếu không có đủ 2 yếu tố ấy, thì bằng sự chân thành và khéo léo họ vẫn có thể thực hiện được ý định một cách hiệu quả.