Từ chối thăng tiến vì sợ "vượt mặt" ân nhân
Tôi sợ người ta cho rằng mình là người hữu thủy, vô chung; là kẻ đạp lên nghĩa nhân mà sống
Tôi là chị cả trong một gia đình nheo nhóc. Dưới tôi còn 4 đứa em. Năm 17 tuổi, tôi phải bỏ học, xa nhà làm thuê, làm mướn để phụ ba mẹ nuôi bầy em. Mãi đến năm 26 tuổi, tôi mới đi học bổ túc trở lại theo lời khuyên của một người.
Những ngày đầu vào lớp, tôi vừa mắc cỡ, vừa ngại bài vỡ. Bỏ lâu quá, giờ học lại, khó vô cùng. Ấy vậy mà tôi cũng vượt qua. Cuối cùng tôi cũng lấy được cái bằng tốt nghiệp cấp 3.
Nghĩ đến nỗi thất vọng của người mà mình nặng ơn nghĩa, tôi lại không đành lòng (Ảnh minh họa)
Với tôi, vậy là đủ nhưng người quản lý của tôi không chịu. Anh bảo: "Em học được thì ráng học lên, mai mốt mới có tương lai. Anh thấy em nên đi học ngoại ngữ để giao tiếp với các chuyên gia và cán bộ quản lý". Anh nói mãi, cuối cùng tôi cũng xiêu lòng.
Tôi đi học Tiếng Nhật ban đêm. Hình như là tôi có năng khiếu nên chỉ sau 1 năm, tôi đã đọc thông, viết thạo, giao tiếp tốt. Đúng lúc ấy, tôi được chuyển lên làm việc ở phòng nhân sự. Người quản lý của tôi cũng được chuyển lên đảm nhận vị trí phó phòng.
Tôi không ngờ mình lại yêu thích công việc này đến vậy. Thế là tôi quyết định đăng ký học các khóa đào tạo về quản lý nhân sự. Nhờ đó, các vấn đề ở công ty được tôi xử lý rất tốt. Có lần đích thân tổng giám đốc người Nhật đã khen ngợi vì tôi tham mưu cho ban giám đốc giải quyết tốt các kiến nghị của công nhân, ngăn chận kịp thời một vụ tranh chấp tập thể.
Cứ vậy, càng ngày tôi càng được tin tưởng, giao thêm nhiều công việc quan trọng. Phó phòng của tôi cũng vui lây vì đối với anh, tôi là một người học trò giỏi; người được anh dìu dắt, đào tạo từ khi chưa biết gì cho đến lúc thành thạo công việc. Trò giỏi thì thầy cũng được thơm lây.
Cho đến cách đây 1 tháng, trưởng phòng nhân sự đột ngột nghỉ việc vì lý do sức khỏe, ban giám đốc phân vân giữa hai chọn lựa: Tôi hoặc người quản lý cũ của tôi, tức phó phòng, sẽ thay thế vị trí trưởng phòng nhân sự. Các ý kiến có phần nghiêng về tôi vì tôi trẻ hơn, xông xáo hơn, xử lý công việc nhanh nhạy hơn.
Thế nhưng thâm tâm tôi không muốn như vậy. Trong lòng tôi có một lấn cấn: Tôi không muốn trở thành cấp trên của người đã từng dìu dắt, nâng đỡ mình. Nếu không có anh thì tôi không có ngày hôm nay. Vì vậy, tôi không thể tranh giành với anh vị trí quản lý mà tôi nghĩ anh cũng sẽ làm rất tốt và quan trọng hơn là anh rất muốn đảm đương vị trí ấy.
Tổng giám đốc nói ông sẽ rất thất vọng nếu tôi từ chối. Còn tôi lại không muốn ân nhân của mình thất vọng. Tôi rất bối rối trong lòng. Trưởng phòng nhân sự ở một công ty lớn như công ty của tôi là một vị trí rất quan trọng, đi kèm rất nhiều quyền lợi. Nếu đảm nhận cương vị ấy, tôi sẽ được tăng lương, tăng phụ cấp, có điều kiện phụ giúp gia đình nhiều hơn.
Thế nhưng cứ nghĩ đến nỗi thất vọng của người mà mình nặng ơn nghĩa, tôi lại không đành lòng. Cuối cùng tôi quyết định từ chối. Tổng giám đốc có vẻ bực bội và cho rằng lý do của tôi không chính đáng, không thuyết phục. Với ông, hiệu quả công việc mới là điều quan trọng nhất. Ông cho tôi thêm một tuần để suy nghĩ lại.
Có lẽ hết một tuần, câu trả lời của tôi vẫn như cũ bởi tôi thật sự không có đủ lý lẽ để thuyết phục mình phải chấp nhận công việc mà lãnh đạo tin tưởng, giao phó. Tôi sợ người ta cho rằng mình là người hữu thủy, vô chung; là kẻ đạp lên nghĩa nhân mà sống...