Thanh niên nhận tin nhiễm HIV ngay ngưỡng cửa đại học
Không chỉ chìm trong bia rượu, thuốc lá, Trung còn đánh mất cả niềm tin vào bản thân mình.
Qua Phương, tôi còn biết được rất nhiều trường hợp bị HIV khi chưa bước qua tuổi 20. Nhìn khuôn mặt chưa lấm bụi trần ai của các em, tôi không giấu nổi sự xót xa. Liệu các em sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, tuyệt vọng thế nào đây?
Liệu các em sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, tuyệt vọng thế nào đây? (Ảnh minh họa)
Nhiễm căn bệnh thế kỷ từ người yêu
Phan Thành Trung (Cà Mau) là trường hợp khá đặc biệt, bởi em vừa mới chào đón sinh nhật lần thứ 19 của mình cách đây 3 ngày. Nhìn dáng người cao ráo, khuôn mặt phóng khoáng của em, ít ai biết được rằng, em đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV.
Trung kể: “Em sinh ra trong một gia đình giàu có, là cháu đích tôn của dòng họ. Năm em lên 2 tuổi, cha của em đã mất vì căn bệnh ung thư, khi đó, mẹ em vừa bước sang tuổi 21. Cũng bởi, ông bà chỉ có duy nhất cha em là con trai nên ai cũng đau xót. Từ ngày đó, em trở thành niềm hy vọng của cả gia đình”.
Kể đến đây, giọng Trung chùng xuống, chàng trai trẻ đưa mắt nhìn xa xăm, hồi tưởng về quá khứ đã qua. “Từ ngày ba em mất, ông bà nội em bảo mẹ cứ đi lấy chồng, còn để em cho ông bà nuôi. Nhưng vì thương em, nên mẹ từ chối hết tất cả những người đàn ông yêu mẹ. Mẹ muốn ở lại chăm sóc cho ông bà và nuôi em khôn lớn nên người”, Trung kể.
Không phụ lòng ba mẹ, suốt 12 năm học, Trung đều là học sinh giỏi. Nhưng rồi bi kịch bắt đầu xảy ra khi Trung phát hiện mình bị nhiễm HIV trong lần đi hiến máu cho một người bạn. Trung kể: “Khi nhận tin nhiễm bệnh cũng là lúc em vừa có tin đậu đại học, cả nhà vừa ăn mừng xong. Ông bà nội em còn hứa sẽ cho em đi du lịch nước ngoài, còn lên kế hoạch mua ô tô cho em. Tất cả đang rất đẹp đẽ...”.
Ban đầu, Trung rất sốc và hoang mang không hiểu vì sao mình lại mắc phải căn bệnh này. Nhưng rồi, Trung nhớ lại câu chuyện tình yêu thuở đầu đời với Thương - bạn gái của mình và không khỏi xót xa.
Trung buồn bã: “Thực ra em không bao giờ nghĩ mình lại dính vào căn bệnh thế kỷ này. Em luôn nghĩ, những ai ăn chơi hư hỏng, hút chích mới bị, nhưng rồi em chợt nhớ em và bạn gái có quan hệ tình dục mấy lần. Dù biết bạn gái em cũng ngoan nhưng em vẫn nói bạn ấy đi xét nghiệm. Và thật bất ngờ khi cô ấy thú nhận đã từng yêu sâu nặng một người khác trước đây nên có thể mắc bệnh từ anh ta”.
Từ hôm đó, Trung suy sụp hoàn toàn. Để quên đi buồn đau, Trung vùi đầu vào nhậu nhẹt và chơi bời thâu đêm suốt sáng. Cả nhà không hiểu sao Trung từ người ngoan hiền bây giờ lại đổ đốn. Gia đình gặng hỏi nhưng Trung vẫn không nói...
Không chỉ có những chàng trai mới nhiễm căn bệnh thế kỷ khi còn trẻ, có nhiều cô gái cũng bị nhiễm khi mới bước vào tuổi đôi mươi. Câu chuyện của Võ Thị Thu (20 tuổi, Sóc Trăng) khiến tôi không khỏi ngậm ngùi.
Thu làm thợ uốn tóc. Cô gái xinh đẹp với nước da trắng ngần ấy khiến ai mới nhìn cũng có cảm tình. Thu có đứa con trai 3 tuổi. Thế nhưng, quãng đời còn lại của bé lại chìm trong đau đớn khi bé đã nhiễm HIV từ mẹ. Thu nói, Thu lên TP.HCM từ khi mới 15 tuổi.
Với khuôn mặt xinh xắn, phổng phao nên khi lên thành phố, Thu xin làm nhân viên cho một quán cà phê. Làm việc tại đây được 2 năm Thu gặp được người đàn ông “lý tưởng” mà cô hằng mơ ước. Thu nhớ lại: “Lúc còn bán cà phê, em cũng có ngoại hình ưa nhìn nên nhiều người để ý. Nhưng em chỉ thích mỗi người đàn ông tên là Khanh, lớn tuổi hơn em và tỏ ra rất chững chạc. Khanh cho em cảm giác anh ấy có thể quan tâm, chăm sóc, là nơi em có thể nương tựa”.
Khi đồng ý yêu Khanh, Thu được bạn trai đầu tư cho đi học làm tóc. Trong thời gian đi học nghề, Khanh đưa Thu về nhà mình ở như vợ chồng. Sau đó, Thu mang thai và cả hai làm đám cưới. Ngày lên xe hoa, gia đình Khanh tổ chức rất long trọng, chính điều đó, khiến Thu nghĩ mình là người phụ nữ may mắn nhất. Tuy nhiên, sau khi về chung sống, Thu phát hiện ra sự thật phũ phàng...
Thu nhớ lại: “Trông bề ngoài anh ấy rất thư sinh. Khanh luôn ăn nói nhẹ nhàng, không bao giờ to tiếng với em. Nhưng mãi sau này em mới biết anh ấy là dân xã hội đen. Biết vậy nhưng anh ấy yêu vợ con lắm nên em bỏ qua tất cả. Sự việc không chỉ có thế, em như chết đứng lúc phát hiện anh ấy nghiện và nhiễm HIV. Khi em biết anh ấy nhiễm thì đã muộn”.
Theo lời Thu, chính Khanh cũng không biết mình mắc căn bệnh thế kỷ. Chỉ khi Thu đi sinh, phải thử máu, bác sĩ thông báo, Khanh mới đi thử và biết mình bị nhiễm từ lâu. Lúc nghe tin, Khanh đã ngất xỉu vì quá sốc. Khi đứa bé bất hạnh vừa được 2 tuổi, Khanh ra đi.
Hố sâu và hy vọng
Bị nhiễm HIV khi tuổi đời còn quá trẻ, Thu không khỏi tuyệt vọng. Chưa kể, hàng xóm láng giềng còn xì xào, bàn tán, thậm chí họ tránh xa mỗi lần Thu đi qua.
Thu nghẹn ngào: “Thời gian đó, em tuyệt vọng lắm, có lúc, em chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng nhìn con trai em lại không đành lòng. Em chợt nghĩ, nếu không đứng dậy thì con mình sẽ như thế nào? Nghĩ vậy nên em vực dậy tinh thần. Em đi chữa bệnh rồi bán nhà cũ, mua cái nhà nhỏ, còn ít vốn mở tiệm làm ăn nuôi con”.
Nỗi trăn trở lớn nhất lúc này của Thu chính là việc tái hòa nhâp cộng đồng. “Sự kỳ thị dành cho người nhiễm HIV dù được cải thiện nhưng vẫn còn khá nặng nề. Nếu bố mẹ bị nhiễm, con không bị nhiễm, họ cũng sợ con cái chơi với con mình, đằng này con mình cũng bị nhiễm nên em rất lo lắng, dằn vặt. Em đang để con ở nhà với mình, thuê người giúp việc. Sau này em tính làm sao đưa con đi học như bao đứa trẻ mà không bị xa lánh”, Thu trăn trở.
Cùng nhiễm HIV khi tuổi đời còn trẻ, nhưng Trung lại không mạnh mẽ vượt qua được như Thu, chàng trai này trượt dài trong những ngày đen tối. Không chỉ chìm trong bia rượu, thuốc lá, Trung còn đánh mất cả niềm tin vào bản thân mình.
Trung nhớ lại: “Đợt đó, em tiều tụy, hốc hác chỉ có da bọc xương. Mỗi lần nhìn thấy em, mẹ đều ôm mặt khóc nức nở. Còn ông bà thì ôm lấy em, động viên em cố gắng chữa bệnh, làm lại cuộc đời”
Bây giờ Trung vẫn đi học. Sau những tháng ngày chịu đựng bệnh tật, nỗi đau tinh thần, hiện tại Trung cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Trung lên cân lại. Khi được hỏi về mối quan hệ với người yêu, Trung cười buồn nói: “Cô ấy cũng suy sụp và hối hận. Cô ấy thấy có lỗi với em nên chủ động chia tay. Nhưng em không giận. Đó là số phận rồi. Bây giờ bọn em vẫn là bạn, cùng nhau vượt qua khó khăn. Cô ấy cùng đi lấy thuốc với em. Em đến đó cũng gặp nhiều người còn rất trẻ, có câu lạc bộ dành riêng cho những người bị HIV nên em cũng được an ủi phần nào”.
Chia sẻ với phóng viên, Thương (người yêu của Trung) tâm sự, bây giờ cô không theo học đại học nữa. Thương xin đi bán tạp hóa cho một người quen. Công việc phần nào giúp cô vơi đi nỗi đau tinh thần từ căn bệnh thế kỷ.
Thương nói: “Em vừa điều trị bệnh vừa đi làm. Ba mẹ luôn bên cạnh, động viên em. Dù vậy, không có gì có thể lấp đầy nỗi đau đớn tuyệt vọng và ân hận cùng cực trong em. Giá như em biết lo xa thì đâu có lúc phải đắng cay, khổ tâm và dằn vặt thế này. Nhưng dẫu sao em cũng sẽ cố gắng sống tốt phần đời còn lại...”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Bắc, trung tâm Tư vấn hôn nhân gia đình TP.HCM cho biết: “Có rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV trẻ tìm đến tôi với tâm trạng hoảng loạn, vì họ nói họ không phải người hư hỏng. Họ cũng còn quá trẻ, đa số là từ 18 đến 30 tuổi. Họ không ngờ mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ đó. Bởi, họ chỉ có quan hệ tình dục với người yêu, chồng hoặc vợ… Không phải tất cả các bệnh nhân HIV đều là người hư hỏng. Gia đình phải là điểm tựa vững chắc cho họ, phải động viên tinh thần để họ vượt qua. Bởi, thực ra nếu bệnh nhân HIV có tinh thần lạc quan, họ vẫn sống rất lâu. Tinh thần sẽ quyết định được hành trình chiến đấu với bệnh tật của họ”.
Dấn thân vào công việc nhơ nhớp, những gã trai bao cũng phải trả nhiều cái giá rất đắt.
Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn |