Tết Việt: Đàn ông ngày càng ích kỷ

Phía sau sự lý giải về tập quán vùng miền, phải chăng đàn ông Việt đang ngày càng ích kỉ?

Phong tục chúc Tết là truyền thống ý nghĩa trong đời sống văn hóa Việt nhưng rất nhiều nàng dâu sợ Tết quê chồng vì cảnh hết "chạy sô" đi chúc Tết họ hàng làng xóm lại lao vào bếp lo cỗ bàn trong khi chồng say sưa "chém gió", rượu chè...

Phía sau sự lý giải về tập quán vùng miền, phải chăng đàn ông Việt đang ngày càng ích kỉ?

Hãi cảnh đi Tết cả làng!

Nếu như ngày xưa, nhà nhà cả năm trông vào dịp Tết để được ăn ngon, mặc đẹp, có thời gian nghỉ ngơi thăm hỏi họ hàng, làng xóm nên sinh ra nhiều lễ nghi tục lệ thì ngày Tết bây giờ, nhiều địa phương vẫn giữ nguyên các thủ tục bếp núc, lễ lạt có phần cổ hủ khiến ngày Tết thực sự trở thành nỗi ám ảnh không của riêng ai đặc biệt là những nàng dâu với Tết quê chồng.

Một trong những câu chuyện "thật như bịa" là nhiều cặp vợ chồng gốc quê lập nghiệp trên phố từ trước Tết đã liệt kê danh sách những họ hàng cần đi chúc Tết theo tập tục quê mình lên đến 40-50 hộ gia đình.

Tết Việt: Đàn ông ngày càng ích kỷ - 1

Một phụ nữ bế con đợi xe về quê ăn Tết

Ở nhiều làng quê thuộc các tỉnh như Nam Định, Thái Bình... những phong tục như nhận họ hay đi Tết cả làng đã có từ lâu đời và không dễ gì thay đổi, nếu ai có "ý khác" hẳn sẽ nhận được những lời đe nẹt bị bà con họ mạc từ mặt và bố mẹ ở quê có "nhắm mắt xuôi tay" cũng chẳng được yên lòng.

Chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, chị Đào Thanh Ngọc - một công chức ngành kế toán tại Hà Nội kể về cái Tết "nặng gánh" quê chồng: "Quê chồng tôi là một làng quê có lịch sử lâu đời tại Thái Bình. Trước đây, ngày chúng tôi yêu nhau, chồng tôi từng tự hào kể về tình đoàn kết cộng đồng, truyền thống hiếu học và những phong tục có một không hai là đi Tết họ hàng "năm đời bảy kiếp" theo đúng nghĩa đen.

Ngày ấy chưa trải nghiệm, tôi đã hình dung theo một cách khác, toàn màu hồng, toàn tình nghĩa. Nhưng từ khi nên vợ nên chồng, Tết nào chúng tôi cũng sắm dăm chục lễ đủ kẹo bánh, chè thuốc, rượu bia... cắp con đi từng nhà chúc tụng, mừng tuổi, uống rượu đầu xuân. Hết ngày toàn thân rã rời, con nhỏ mệt mỏi khóc lóc, bố mẹ chồng cằn nhằn vì "chạy sô" không đạt "tiến độ" thì tôi thực sự nản".

Bỏ qua khoản quà cáp, lễ lạt tính sơ sơ đã "đứt" mấy tháng lương công chức thì thời gian, công sức mỗi gia đình bỏ ra đi chúc Tết cũng mệt mỏi, căng thẳng không kém. Từ việc tay xách nách mang ôm theo con nhỏ chen chúc trên "chuyến xe bão táp" về quê đến việc những người phụ nữ phải lao đầu vào bếp lo cỗ bàn, chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi chúc Tết khắp lượt. Trời tạnh còn đỡ, cứ lạnh giá, mưa phùn gió bấc sụt sùi thì vợ chồng con cái không "thân tàn ma dại", chành chọe nhiếc móc nhau mới là chuyện lạ!

Và sau tất cả, ai là người phải chịu thiệt thòi? Đương nhiên là những người phụ nữ. Lâu nay, không thiếu những cảnh nàng dâu về quê chồng phát hoảng, phát khóc vì phong tục ăn Tết như hành xác và hở ra sẽ bị chồng hoặc nhà chồng trách móc, điều tiếng.

Phải chăng đàn ông Việt đang ngày càng ích kỉ? Vì kể cả có những ràng buộc đặc trưng về phong tục, gia đình... họ vẫn là người cuối cùng có quyền đưa ra quyết định hoặc chủ động thay đổi những thói quen, tập tục cho phù hợp hoàn cảnh.

Vẫn biết việc chúc tụng họ hàng, làng xóm được ví như sợi dây gắn kết tình cảm, là nguồn cội văn hóa nhưng nếu tất cả không diễn ra với tinh thần tự nguyện, với điều kiện phù hợp thì đôi khi chỉ là sự giao đãi, sợ sệt điều tiếng giữa những con người cả năm chẳng đụng mặt nhau.

Bố mẹ đẻ chạnh lòng

Trong ngày Tết, không ít nàng dâu phải "trực chiến" 100% tại nhà chồng và cái "cán cân sum vầy" của đôi bên gia đình vô tình bị lệch. Tư tưởng "Thuyền theo lái, gái theo chồng" tồn tại bao đời nay trong tâm thức người Việt khiến nhiều người mặc định Tết là Tết đằng nội nên việc chúc Tết bố mẹ đẻ của nhiều chị em phụ nữ thành ra khó ngang… lên trời.

Tết Việt: Đàn ông ngày càng ích kỷ - 2

Nhiều người khát khao sự sum vầy đúng nghĩa

Thế mới có điều tra xã hội trong 100 cặp vợ chồng, chỉ có 2 cặp chịu về quê vợ ăn Tết, chưa đến 1 người vợ cùng ngồi uống rượu xuân với chồng,11 người vợ từng nghĩ đến chuyện ly hôn khi mệt nhoài lo Tết và có đến 26 cặp đôi thường cãi vã vì Tết.

"Bố mẹ mình cũng đẻ, cũng nuôi mình hai mươi mấy năm, ai cũng muốn con cái ở nhà trong ngày Tết, ngày đoàn tụ gia đình. Mẹ chồng muốn con dâu ở nhà thì bố mẹ mình cũng mong con gái vậy" - Đó là tâm tư, trăn trở chung của nhiều phụ nữ khi không được ăn Tết nhà mình. Tuy nhiên, không phải nàng dâu nào cũng đủ "gan" để làm nên một cuộc "cách mạng" ăn Tết đôi bên nên hầu hết vì hòa khí gia đình mà âm thầm nín nhịn.

Một số chị em may mắn hơn được ăn Tết ở quê mình thì ít nhiều vẫn chứng kiến sự đối nghịch giữa Tết quê chồng-quê vợ. Đa phần đàn ông thường chỉ chu đáo với cái phong tục, tập quán quê mình và về Tết nhà vợ, đầy người ung dung như ông kễnh nhờ quan niệm "rể là khách" nên bỏ mặc vợ thui thủi vào bếp, dọn dẹp, nhỡ chồng có uống rượu say thì nghĩa vụ chăm sóc chồng được mặc định như lẽ đương nhiên phải thế! Dường như chẳng mấy khi trong dịp Tết người đàn ông làm được hai việc: Nấu ăn cùng vợ hoặc cảm ơn vợ đã vất vả lo cỗ bàn, phong tục quê mình.

Chị Thanh Ngọc cũng không là ngoại lệ. Chị kể, sau khi nhà chồng xong lễ lạt vào mùng 4 Tết thì cả nhà chị mới khăn gói lên đường trở về Hà Nội chúc Tết bố mẹ đẻ. Về đến nơi, ngày Tết thực sự đã kết thúc, anh em họ hàng cũng chẳng nỡ trách móc nếu gia đình không ghé qua thăm hỏi, chúc tụng. Thế là bố mẹ chị - những người ở tuổi "gần đất xa trời" lại phải lăn ra chăm con gái, con rể và đàn cháu đã mệt phờ vì Tết quê.

"Bố mẹ tôi vì xót con, thương cháu nên chưa bao giờ nói nửa lời trách mắng nhưng nhìn vào mắt các cụ tôi hiểu nhận thấy niềm lo lắng, tủi thân. Nhà có hai cô con gái đều gả chồng xa và may mắn lắm thì được về nhà lúc Tết còn rơi rớt hỏi sao không buồn cho được. Cũng có vài lần, lựa lúc chồng vui vẻ, tôi ngỏ ý mỗi năm ăn Tết một quê nhưng ngay lập tức ý nghĩ đã bị gạt phăng đi vì... đi ngược truyền thống! Tôi cũng hoang mang không biết mình còn phải theo truyền thống ấy cho đến bao giờ vì xét ra chẳng có lý gì vì Tết bên chồng mà tôi gần như phải "đoạn tuyệt" với ngày Tết ở nhà mình, ở nơi mình sinh ra lớn lên và gia đình nhỏ cũng đang sinh sống...", chị Ngọc tâm sự.

Tết truyền thống vốn mang ý nghĩa duy trì giữ gìn nét đẹp Việt nhưng trong đời sống hiện đại, nếu không được chắt lọc bớt những phiền hà, mệt mỏi sẽ không còn phù hợp và vô hình đó đang đi ngược với truyền thống, đạo lý bởi không khí hạnh phúc, êm ấm trong nhiều gia đình đang bị lung lay, sứt mẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Phương ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN