Tại sao người ta thích nịnh?

Khi tôi hiểu ra "tại sao người ta thích nịnh" thì mọi chuyện đã kết thúc rồi.


Ngày tôi còn làm nhân viên, tối chúa ghét mấy kẻ xu nịnh. Nói ghét là còn nhẹ, đúng ra là tôi rất khinh thường những kẻ không đi lên bằng năng lực của mình mà lại sử dụng hạ sách luồn cúi cấp trên. Trong mắt tôi, những kẻ bất tài vô dụng ấy không đáng giá một xu!

Thế rồi thời cuộc đẩy đưa, tôi được lên quan, lên chức, làm lãnh đạo một đơn vị cổ phần mà nhà nước sở hữu 51% vốn điều lệ. Thời gian đầu, tôi tránh xa những kẻ có "tiền sử" xu nịnh. Tôi đi đâu, làm gì cũng không bao giờ cho gọi những kẻ ấy theo.

Ở công ty, tôi cũng tránh xa, không bao giờ tạo cơ hội cho những kẻ ấy tiếp cận. Thậm chí, ngay cả khi công ty có dịp liên hoan, tiệc tùng, tôi cũng không thèm cụng ly với những kẻ ấy.

Tại sao người ta thích nịnh? - 1

Ai cũng hứa dù tôi làm gì, ở đâu, là ai thì họ vẫn ở bên cạnh, vẫn có mặt bất cứ khi nào tôi cần (Ảnh minh họa)

 

Tôi giữ mình như vậy được 1 năm. Cho đến một ngày nọ, do làm việc quá sức, cộng với chứng bệnh cũ tái phát, tôi ngất xỉu trong phòng làm việc. Mọi người đưa tôi vô bệnh viện. Khi tỉnh dậy, tôi thấy trước mặt mình là Hưng, kẻ mà tôi ghét nhất trong số những kẻ hay a dua, nịnh hót trong công ty.

Thế nhưng, ngoài anh ta ra thì lúc ấy không có ai ở đó, trong khi tôi lại có nhu cầu đi vệ sinh. Vậy là tôi đành phải nhờ Hưng dìu tôi vào phòng vệ sinh. Sau đó, anh ta pha sữa cho tôi uống, kể cho tôi nghe tình hình bệnh tật của tôi và các chẩn đoán của bác sĩ mà anh ta "hóng" được. Rồi Hưng nói rằng mình biết một phương thuốc bí truyền chữa dứt căn bệnh của tôi. Nếu tôi đồng ý, vài hôm nữa anh ta sẽ xin nghỉ phép, về quê tìm thuốc cho tôi.

Thật tình là tôi không tin nhưng có bệnh thì vái tứ phương. Tôi ậm ừ, bảo Hưng cứ đi tìm về thử xem sao. Phước chủ may thầy, tôi uống hết 40 thang thuốc thì khỏi hẳn bệnh, đi tái khám, bác sĩ từng trị bệnh cho tôi phải giật mình. Sau khi nghe tôi kể, vị bác sĩ quả quyết tôi đã gặp may.

Chẳng biết từ khi nào, tôi không còn ghét Hưng nữa. Chẳng biết từ lúc nào, có chuyện gì tôi cũng hay gọi Hưng. Mà nói một câu cho công bằng, Hưng làm việc gì tôi cũng vừa ý. Tôi đi công tác, Hưng đặt phòng khách sạn đúng y ở thích của tôi. Đi ăn cơm khách, địa điểm nhà hàng, món ăn Hưng gọi thì hết ý. Tôi nhậu say, có Hưng đưa về.

Không biết từ lúc nào, tôi và Hưng dính nhau như hình với bóng. Có người nói ra, nói vào nhưng tôi vẫn nhất quyết bổ nhiệm Hưng vào vị trí quan trọng trong công ty. Công bằng mà nói, anh ta cũng được việc đó chứ. Và được việc nhất là anh ta rất hiểu ý sếp. Có được một nhân viên như vậy, không tốt hay sao?

Ngoài Hưng ra, tôi có thêm vài nhân viên khác cũng "biết ý sếp" nhưng thua Hưng một bậc. Những người này tạo thành một nhóm "cổ động viên trung thành" của tôi trong giải quyết nhiều vấn đề ở công ty.

Giả dụ tại hội nghị người lao động, nhân viên đòi tăng lương, tăng phúc lợi, lập tức các "cổ động viên trung thành" của tôi sẽ có ý kiến sắc bén để phản bác.

Khi tôi cần lấy ý kiến về một vấn đề gì đó mà quy định bắt buộc phải thực hiện; lập tức, nhóm người của tôi sẽ làm công việc vận động, lôi kéo hoặc dùng các thủ thuật khác để tôi có số đông ủng hộ.

Tôi thật sự rất tâm đắc về điều đó và thấy mình đã sáng suốt, may mắn nhìn nhận ra vấn đề. Nếu cứ định kiến như trước thì chắc chắn trong suốt thời gian tại vị, tôi sẽ không có những thuộc cấp cúc cung tận tụy, không thể đạt được những thành tựu cá nhân đáng khích lệ như vậy.

Tiếc là tôi chỉ làm một nhiệm kỳ 5 năm thì có người khác về thay vì tôi không đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ. Hôm chia tay, anh em cụng ly đến say mèm. Ai cũng hứa dù tôi làm gì, ở đâu, là ai thì họ vẫn ở bên cạnh, vẫn có mặt bất cứ khi nào tôi cần... 

 Thế nhưng mọi chuyện không như mình nghĩ. Sau khi rời khỏi công ty, tôi về nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Có những lúc tôi rất buồn, thèm được có bạn để chuyện trò, tán gẫu; thèm được uống một tách trà ngon, loại trà san tuyết Suối Giàng mà ngày trước anh em hay mua biếu nhiều đến nỗi tôi uống không kịp phải mang cho bớt. Vậy nhưng khi tôi gọi điện thoại thì ai cũng bận, nhờ người mua trà san tuyết thì họ bảo không có đi công tác ngoài kia...

Giờ tôi mới biết "lời nói gió bay" là như thế nào. 3 năm rồi, rất hãn hữu mới có người ở công ty ghé qua nhà. Đó là những dịp lễ Tết, kỷ niệm ngày thành lập công ty, nhân viên hành chính mang đến chai rượu, hộp bánh, gói trà. Riêng nhóm "cổ động viên" của tôi chắc giờ bận đi cổ động cho người mới nên chẳng có thời gian tới lui thăm sếp cũ.

Cứ nghĩ đến đó, tôi lại thở dài. Khi tôi hiểu ra "tại sao người ta thích nịnh" thì mọi chuyện đã kết thúc rồi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyên ([Tên nguồn])
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN