Ơn thầy
Cái lạnh se se của những ngày đầu đông làm lòng tôi bâng khuâng những nỗi nhớ.
Vậy là ngày 20/11 nữa lại về, đang nghĩ ngợi bâng quơ tôi chợt nghe bài hát “Người thầy”, lời bài hát như tiếng lòng của ai đó từ một nơi nào xa lắm vọng về. Tôi đã lắng nghe bài hát đó với một cảm xúc lạ, một nỗi niềm. Sau những giờ bươn trải với cuộc sống bộn bề lo toan, giai điệu bài hát và tâm hồn tôi như hòa làm một. Trong một phút nào đó tôi quên đi thực tại và trở về với những ngày xa xưa ấy. Cái ngày bên mái trường với thầy cô bạn bè. Kí ức như một cuộn phim quay ngược, kỉ niệm cũng giống như những phím đàn – khi chạm tay vào, âm thanh sẽ ngân lên, nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt vời, mà có cái hay cái dở, cái muốn nhớ, cái lại muốn xóa đi. Nhưng dù hay dù dở còn tùy thuộc vào cảm nghĩ của mỗi người.
Ngày ấy, thầy cô bảo tôi hiền, bạn bè bảo tôi ngố nhưng dù là gì thì tôi cũng vui với những cái tên, biệt danh mà bạn bè gắn cho. Với tư cách là phó học tập, tuy không gây bất mãn cho bạn bè nhưng cũng có vài tên cá biệt trong lớp không thích mỗi khi tôi ghi tên vào sổ theo dõi. Có lần mấy tên ấy canh lúc tôi thường đi vệ sinh đã gài một thùng nước với cánh cửa nhà vệ sinh. Nhưng không may hôm ấy, thầy chủ nhiệm gặp tôi bàn một số việc học tập của lớp, rồi thầy cùng tôi đi vệ sinh, tôi nhường thầy vào trước và cuối cùng cả thùng nước đã đổ lên người thầy. Tôi mắt chữ “o”, miệng chữ “a” nhìn cả người thầy ước nhem. Tội nghiệp thầy không biết làm sao mà lên văn phòng, thầy lại là giáo viên mới ra trường vừa nhận công tác chủ nhiệm lớp tôi vậy mà xảy ra chuyện thật khó xử. Nhìn mặt thầy mà tôi thấy thương và giận trò nghịch ấy của bạn bè. Tôi cứ nghĩ hôm sau sẽ có chuyện, còn đám bạn sau trò ấy tuy có sợ và thất vọng vì tôi không bị nạn nhưng thích thú vì người ấy là thầy chủ nhiệm. Buổi sinh hoạt lớp, mỗi người một tâm trạng vì hầu như cả lớp đều biết chuyện, nữ thì liếc đám bạn phá phách trách “vô ý thức”, nam thì có người thương thầy, có người bình thản, riêng nhóm phá phách kia lại tỏ ra như không có gì. Thầy vào, vẫn sinh hoạt bình thường và tiết sinh hoạt qua đi trong hồi hộp chờ đợi của mọi người nhưng tất cả không như mọi người nghĩ, thầy vẫn bình thường. Sau này tôi mới biết, tối đó thầy đã gặp riêng các bạn ấy nhưng tôi cũng không biết thầy đã nói gì mà trở về sau các bạn ấy đã giảm và hầu như không còn những trò nghịch phá với thầy cô và cả tôi nữa. Sau này, mỗi lần về thăm thầy tôi đều hỏi nhưng thầy chỉ cười cười và nhìn tấm ảnh tập thể lớp mà ánh mắt thầy ánh lên một niềm vui khó tả.
Có ai nhớ chăng bao kỉ niệm êm đềm thấm đượm tình thầy trò? (Ảnh minh họa)
Chẳng bù cho cuộc sống ngày nay, từ những chuyện bán mua cả tình cảm, trí tuệ thầy không ra thầy, trò không ra trò. Tôi chợt nhớ đến những người thầy của mình, những người nghiêm khắc nhưng đầy tình người đã hướng chúng tôi – những đứa học trò đến bến bờ tri thức. Không phải tự nhiên mà người ta có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Học trò là lứa tuổi hồn nhiên, trong sang nhất và có thể nói phá phách nhất. Ai đã từng đi qua tuổi học trò mà không “ghi dấu” vài trò nghịch với thầy cô, và muôn vàn những trò tinh quái khác mà chỉ có học trò mới nghĩ ra được. Những trò nghịch ngợm và tuổi học trò tươi đẹp sẽ là một kỉ niệm của mỗi người mang theo trong suốt cuộc đời.
Thế đấy các bạn ạ. Thầy cô chúng ta như những người đưa đò đưa chúng ta đến bến bờ của tri thức, đến đỉnh cao của sự thành đạt nhưng đâu phải ai cũng nhớ. Thầy cô vẫn thức trắng đêm để có được những trang giáo án, những kiến thức để truyền thụ cho chúng ta. Mái tóc thầy cô đã điểm bạc theo thời gian. Như một nghịch lí của đời người, tuổi đời của thầy cô ngắn lại theo từng viên phấn trắng để tri thức của học trò càng dày lên thêm.Thầy cô đã chấp cánh cho ước mơ của chúng ta bay cao. Thế mà, có ai lần về thăm lớp cũ trường xưa để thăm lại những người đã hy sinh tâm huyết giúp chúng ta thành người hữu ích? Có ai nhớ chăng bao kỉ niệm êm đềm thấm đượm tình thầy trò?
Mặc cho cuộc sống bôn ba, thầy cô vẫn một đời chèo đò đưa từng lớp học sinh qua bến bờ tri thức. Ngày lại ngày, người thầy vẫn cặm cụi nắm vững tay chèo, chỉ sợ học sinh của mình lạc lối trên đường đời có lắm bão táp, chông gai. Ánh nắng mặt trời cuối ngày rồi sẽ tắt, dòng sông đến con đò rồi cũng sẽ rẽ sang một hướng khác. Nhưng việc dạy người làm sau rẽ được, gắn bó đời người bằng một lối đi chung. Cao cả thay tấm lòng người thầy, lặn lội chở người qua bão táp phong ba cập bờ hạnh phúc. Đến nơi rồi một nụ cười đọng mãi rồi lặng lẽ quay về lái tiếp những chuyến đò sau. Câu chuyện năm xưa nhưng mãi đến bây giờ tôi mới hiểu, thầy ơi – người đưa đò vĩ đại. Con đến với cuộc đời từ sự hy sinh thầm lặng ấy trên chuyến đò của thầy chở nặng yêu thương.
Nguyễn Minh Tân Lớp KTHS D18S