Ôi, tình thoái trào!

Dù thế nào, chóng cảm thấy nhàm chán là đặc tính chung của loài người.

Bất kỳ ai tham gia vào công việc kinh doanh đều biết đến khái niệm “The product life cycle” (Vòng đời của sản phẩm). Đó là một triết lý kinh doanh, một khái niệm bất di bất dịch trong marketing cũng như logic cuộc sống đã được đúc kết từ tổ tiên “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Không gì tự nhiên mà tồn tại mãi. Triết lý này giống như một đồ thị hình sin, hoặc dễ hiểu hơn giống như một quả đồi, trong đó “Vòng đời của sản phẩm” được chia làm 6 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “To be launched” (Sản phẩm được ra mắt), thứ hai là “To be developed” (Phát triển), “Go through a period of growth” (Đi vào giai đoạn trưởng thành), “Enter maturity” (Chín muồi). “Decline” (Thoái trào), “Die” (Chết hẳn).

Tung chiêu quá muộn

Trong đồ thị, giai đoạn ra mắt sản phẩm đứng ngay dưới chân đồi, “trưởng thành” trên đỉnh đồi. Còn “chết hẳn” thì chắc ai nấy đều hình dung được nó nằm ở đâu. Vì thế, các nhà sản xuất từ dầu gội, mỹ phẩm, đến xe hơi hay điện thoại di động phải liên tục tung ra những sảm phẩm mới rồi quảng cáo khắp toàn cầu, dù cho những sản phẩm “mới toanh” này chỉ thay đổi tí chút về mẫu mã, thêm bớt chút chức năng. Kiểu như dầu gội chiết xuất từ dâu tây giờ thêm ít sữa chua vào cho tăng phần thanh xuân vĩnh viễn của tóc nhưng phần nhiều chỉ là thêm ở… vỏ, còn ruột về cơ bản thì vẫn nguyên si thế.

Hoặc như nhiều ban nhạc, nhà soạn nhạc, nhà văn, đến tuổi nào đó thì ngừng, không biểu diễn hoặc sáng tác nữa. Cái sự cần phải ngừng này thường là do công chúng báo hiệu giùm, vì khi lượng đĩa hát mới sụt giảm, lượng sách mới bán ra vẫn còn nguyên số lượng như lúc vừa xuất kho (tôi nhấn mạnh chữ “mới” vì sản phẩm nghệ thuật không giống sản phẩm hàng hóa, những gì đã thành công sẽ mãi trường tồn, chỉ thoái trào ở những sản phẩm được sáng tác không phải ở giai đoạn đỉnh cao). Nhưng cũng nhiều người tự nhận biết, ngừng ngay ở lúc còn đỉnh cao để tên tuổi trở thành bất tử và là nỗi tiếc nuối khôn nguôi trong lòng công chúng, như ban nhạc ABBA là một ví dụ.

Tình yêu và hôn nhân, cũng hệt như tất tật các phạm trù khác trong cuộc sống, cũng có “vòng đời” của nó. Nhưng bạn đừng nhầm tưởng “to be launched” được đặt ngay trong ngày cưới. Không phải thế. Giai đoạn “ra mắt sản phẩm” trong một mối quan hệ chính là lúc họ thiết lập mối quan hệ đó, cho đến giai đoạn “trưởng thành” được đánh dấu bằng một đám cưới. Nghĩa là đám cưới thường được tiến hành trong quá trình đỉnh cao của tình yêu và sự si mê, nồng nhiệt. Sau đó “chín muồi” sẽ kéo dài thêm một giai đoạn nữa rồi mới “thoái trào”. Điều này cũng khá linh hoạt. Giờ nhiều cặp vợ chồng mới cưới đã rơi vào “thoái trào” ngay từ trước ngày cưới, ấy là bởi giai đoạn tìm hiểu và phát triển của họ lâu quá (có thể kéo dài 5 – 8 năm), đâm ra đến lúc thành nhàm, đôi bên ì ra không muốn cưới, vì thấy thế này cũng tốt, cưới xong cũng… chỉ đến thế… Thậm chí, có cô trước ngày cưới còn nói nửa đùa nửa thật rằng: “Lắm lúc em cứ nghĩ em chẳng thích cái ông chồng này, em thấy chả muốn cưới tí nào”, dù họ chịu khó mua vé máy bay và mang hoa cưới sang tận nước ngoài chụp ảnh cưới. Có đôi vợ chồng quen nhau ba tháng đã cưới, sau khi đốt cháy giai đoạn thì tất quá trình “chín muồi” của họ sẽ kéo dài hơn sau ngày cưới.

Ôi, tình thoái trào! - 1

Dù thế nào, chóng cảm thấy nhàm chán là đặc tính chung của loài người (Ảnh minh họa)

Nhưng tóm lại, dù bạn có chứng minh thế nào thì tất cả mọi phạm trù của cuộc sống vẫn phải tuân theo quy luật của nó dù sớm hay muộn, mà đôi khi quy luật này còn được minh họa bằng một câu rất sến: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Biết được quy luật, không có nghĩa nên dừng lại ở lúc còn… đỉnh cao để tình yêu trở thành bất tử (nếu thế thì trẻ con làm sao ra đời được!). Mà biết được quy luật cũng như những nhà kinh doanh nắm vững “The product life cycle” để không chờ đến khi sản phẩm chết hẳn rồi mới xuất chiêu ra một sản phẩm mới. Nếu hãng Ford Edge chết hẳn, không ai thèm mua rồi mới quyết định tung ra Ford Escape thì lúc đó người tiêu dùng đã tìm đến Mercedes hoặc Toyota từ lâu rồi. Nhà kinh doanh thường đầu tư liên tục cho hạng mục Nghiên cứu và phát triển thị trường để tìm ra một sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ngay từ khi sản phẩm đang có mặt trên thị trường còn ở giai đoạn đáng phát triển, để đến lúc nó chớm “thoái trào” thì tung chiêu là vừa.

Toàn bị xui dại

Tuy nhiên, phần lớn chị em hay chờ cho “vòng đời” của mình đi vào giai đoạn chết hẳn rồi mới nô nức xuất chiêu bằng xúng xính quần áo, xủng xoẻng đồ trang sức, xum xuê các loại thời trang tóc, se sua những mỹ phẩm cùng kem dưỡng da, và xúm xít ở những trung tâm thẩm mỹ nhằm đánh tan mỡ bụng. Cũng giống như người có bệnh rồi mới lo đi tập thể dục, thấy quá nhiều nếp nhăn rồi mới dùng kem chống nhăn. Cuối cùng, chỉ béo nhất cho các tờ báo lá cải dành cho phụ nữ, mà vài thập kỷ nay không khi nào ngớt đưa ra những lời xui dại như: 5 bí quyết để chinh phục lại chàng, 7 phương pháp giữ chồng, 9 điều cần thiết để quyến rũ người ấy, bí ẩn đàn ông và ghen thế nào là hợp lý… Trong khi đó, những tờ báo dành cho đàn ông với những “7 điều nàng thích”, “9 thứ mày râu nên tránh”… thì chẳng mấy khi bán được báo. Thậm chí, một cậu bạn nhà báo có lần nhìn thấy tôi rước một lô tờ đàn ông vào quán trà của cậu (là tôi cũng được bản báo tặng) thì ngỡ ngàng “Sao lại có tờ này nhỉ? Nhưng đàn ông có bao giờ đọc báo đàn ông đâu?”. Cuối cùng, báo đàn ông thành ra toàn các bà, các cô đọc để xem “họ” nghĩ gì về chúng ta.

Để nói về vụ báo chí “xui dại” thì từ thuở mới biết đọc báo, tôi đã thấy họ xui phụ nữ những điều nói mãi không biết chán, ấy là đàn ông yêu bằng mắt, nên phụ nữ lúc nào cũng phải đẹp. Tình yêu của đàn ông đi qua cái dạ dày cho nên phụ nữ nấu ăn ngon là một lợi thế. Đàn ông thích “lạt mềm buộc chặt” nên dù có thế nào cũng nên tha thứ và nói năng tỉ tê ngọt nhạt, đừng đá thúng đụng nia, đừng “cấm vận”… trăm phần trăm, anh ta sẽ “quay đầu là bờ”.

Báo chí hiện đại dành cho phụ nữ hiện đại vào đầu thế kỷ 21 thì “xui” cụ tỉ hơn, ấy là dạy cách làm thế nào để gợi tình (hoặc ăn mặc gợi tình vào buổi tối), để chuyện giường chiếu luôn mới…

Tóm lại là 1000 chiêu dạy cái điều kỳ diệu mà không một triết lý kinh doanh nào làm nổi: Vực dậy một sản phẩm đã chết hẳn. Chưa kể có điều xui dại rõ ràng khiến tình thế còn thêm bí bét, ấy là chồng bạn thích những gì ở ngoài ngôi nhà thì hãy giữ anh ta lại bằng điều ấy. Giả dụ anh ta thích ăn nhậu đàn đúm bạn bè, vậy bạn hãy thường xuyên tổ chức những bữa tiệc tại gia, đảm bảo anh ta sẽ chỉ thích ở nhà. Không biết bao nhiêu độc giả nghe theo lời xui của nàng/ chàng phóng viên vô danh này. Tất nhiên, anh ta sẽ thích ở nhà những lúc được nhậu, để rồi nữ độc giả của chúng ta sẽ phải mướt mồ hôi trán mà chợ búa, bếp núc, dọn dẹp cho đến khi người kiệt sức như một con rô bốt khô dầu, và phong cách của rô bốt chính là tác nhân nguy hiểm nhất đẩy nhanh giai đoạn thoái trào sang giai đoạn chết hẳn.

Đàn ông không có nhu cầu học “xây tổ”?

Lâu rồi tôi không dám đọc những bài tư vấn trên những tờ báo dành cho phụ nữ nữa. Bởi lẽ tôi biết rõ gia thế của nhiều nhân vật chịu trách nhiệm cho các chuyêm mục gỡ rối tơ lòng. Có một điều rất rõ, không mấy tờ báo dạy cho đàn ông cách “giữ vợ” hay “quyến rũ vợ”, cứ như thể việc giữ khư khư này là nhiệm vụ tối thượng của phụ nữ. “Cung” dựa trên “cầu”. Rõ ràng, còn rất nhiều phụ nữ có nhu cầu được đọc những bài viết tư vấn kiểu ấy nên báo vẫn còn bán chạy và bài vẫn còn được viết. Có điều quan trọng nhất mà các “nhà tư vấn” nghiệp dư không đưa ra, ấy là tại sao đàn ông không mấy khi có nhu cầu học cách “xây tổ”, mà phụ nữ lại có. Đàn ông không có nhu cầu ấy, nghĩa rằng họ rất tự tin. Thấy họ có điều hay thì chúng ta nên học, họ có bí quyết gì để trở nên tự tin như thế?

Dù thế nào, chóng cảm thấy nhàm chán là đặc tính chung của loài người. Điều đó dẫn đến quy luật “Vòng đời của sản phẩm” kia. Nhưng tại sao những người đàn ông không/ chậm trở nên nhàm chán hơn trước mắt phụ nữ? Nếu trả lời được câu hỏi này thì đó là tất cả những gì bạn cần biết. Và nếu đã biết được điều đó, hãy vận dụng ngay vào giai đoạn “To be launched” thay vì chờ cho tình yêu nhàm chán đến mức gục hẳn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Di Li ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN