Những đứa trẻ “chật vật lớn lên” vì không được giáo dục giới tính
Nhiều đứa trẻ phải vật lộn với những thay đổi từ cơ thể đến tâm lý trong quá trình dậy thì và không thể bảo vệ bản thân.
Giáo dục giới tính cho trẻ vẫn chưa thực sự được quan tâm ở một số gia đình (ảnh minh hoạ)
Giáo dục giới tính có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Đó là còn việc làm có ý nghĩa thiết thực để trẻ tự biết bảo vệ bản thân trước những nguy cơ có thể gặp phải bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà một số bậc cha mẹ “ngó lơ” giáo dục giới tính cho con cái. Có những người vì bận rộn mưu sinh mà phó mặc mọi sự giáo dục, dạy dỗ con trẻ cho nhà trường. Cũng có những bậc phụ huynh, dù biết cần giáo dục giới tính cho con cái nhưng lại e ngại, ngượng ngùng khi nhắc đến vấn đề này.
Bởi sự lãng quên hay ngượng ngùng đó mà có những đứa trẻ phải “chật vật” lớn lên. Chúng phải vật lộn với những thay đổi từ cơ thể đến tâm lý trong quá trình dậy thì và không thể bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm rình rập.
“Người dạy mình cách đóng băng vệ sinh là bà chủ cửa hàng tạp hoá”
Đối với lứa tuổi 8X-9X, giáo dục giới tính là một điều xa lạ. Không phải đứa trẻ nào cũng được bố mẹ chia sẻ về cấu tạo cơ thể, sự khác biệt về giới tính, những biểu hiện của dậy thì, ham muốn tình dục, cách phòng tránh thai… cũng như cách bảo vệ bản thân trước những ham muốn giới tính. Hầu hết, mỗi đứa trẻ đều tự tìm hiểu thông qua sách báo, internet và cả những câu chuyện truyền tai giữa bạn bè.
Phương Linh (27 tuổi) kể, vào thời điểm cô sinh ra, bố mẹ cô mới 19, 20 tuổi – độ tuổi quá trẻ để làm bố, mẹ nên việc nuôi dạy con cái hoàn toàn bị động. Từ nhỏ, Linh sống cùng bà ngoại, không ai nói với cô những “quy tắc đồ lót”, “quy tắc 5 ngón tay”. Thế nhưng, với cô, thời điểm khó khăn nhất là lúc dậy thì.
“Mình dậy thì từ năm lớp 6- sớm nhất trong đám bạn gái cùng lớp. Lúc đó, mình vẫn chưa biết kinh nguyệt là gì, bỗng một ngày thấy quần lót có màu đỏ thẫm, mình hoảng loạn. Bố mẹ đi làm ăn xa, mình chỉ có thể ngại ngùng hỏi bà ngoại. Bà ngoại cũng chỉ nói mình tới kỳ kinh, bảo mình ra cửa hàng tạp hoá mua băng vệ sinh về đóng. Mình nhớ mãi, người đầu tiên dạy mình cách đóng băng vệ sinh là bà chủ của cửa hàng tạp hoá”, Linh kể lại.
Năm lớp 10, Linh được ở gần bố mẹ. Lúc đó, cô đã vượt qua quãng thời gian bối rối nhất của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, những kiến thức về tình dục, ham muốn giới tính vẫn rất xa lạ với cô. Việc tự loay hoay tìm hiểu qua sách báo và internet khiến Linh rối loạn. Cô vẫn có những nhầm lẫn tai hại như “chỉ cần hôn thôi cũng có thể có em bé”.
“Sau khi trải qua một tuổi thơ thiếu thốn và tự lớn lên đúng nghĩa đen, mình thấy việc đồng hành cùng con rất quan trọng, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính. Ở thời đại mà chỉ cần một cái click chuột thì có hàng nghìn thông tin hiện ra, cả con gái lẫn con trai đều rất dễ tò mò về bạn khác giới. Nếu không được giáo dục kỹ càng, chúng có thể nảy sinh những sai lệch về nhận thức, về nhân sinh quan lẫn thế giới quan của con", Linh chia sẻ.
Thuộc thế hệ gen Z, Dương Hà (23 tuổi) được bố mẹ chia sẻ cởi mở hơn về vấn đề giới tính. Tuy nhiên, những gì cô được chỉ dạy, giáo dục vẫn không thể thoả mãn sự tò mò về cơ thể mình và những vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục.
Hà nhớ, mẹ chỉ nói với cô con gái đến tuổi dậy thì sẽ có những biểu hiện như phát triển vòng 1, có kinh nguyệt… Còn những vấn đề như sự khác biệt cơ thể giữa nam và nữ khi dậy thì, quan hệ tình dục, phương pháp tránh thai… cô đều phải tự tìm hiểu trên mạng. Nhà trường có những tiết học về chủ đề này nhưng không kỹ càng.
Những đứa trẻ không được giáo dục giới tính đầy đủ phải tự lớn lên trong "chật vật" (ảnh minh hoạ)
Hà thừa nhận, ở lứa tuổi dậy thì, cô rất tò mò về giới tính. Tự tìm đọc trên mạng, Hà biết biết em bé được tạo ra bằng cách nào, biết đến các biện pháp tránh thai nhưng không biết cụ thể cách dùng. Cho đến khi lên đại học, trở thành tình nguyện viên của một dự án giáo dục giới tính cho trẻ, cô mới lần đầu nhìn thấy chiếc bao cao su và biết cách sử dụng chúng.
“Thực ra, mình khá ngoan, bố mẹ cấm yêu đương thì không dám yêu, chỉ lo học hành nên không gặp trở ngại gì. Nhưng những bạn khác ở độ tuổi của mình, yêu đương sớm, không được giáo dục giới tính đầy đủ thì rất dễ lầm lỡ. Mình biết một vài bạn bằng tuổi mình, phải bỏ ngang việc học lấy chồng vì lỡ có bầu. Làm bố, làm mẹ trong sự bị động như vậy rất thiệt thòi”, Hà chia sẻ.
Thoải mái chia sẻ với bạn bè nhưng “đóng cửa” với bố mẹ
Ngay cả với lứa tuổi 10X, việc được bố mẹ đồng hành trong quá trình lớn lên vẫn là điều xa xỉ. Bùi Phương (16 tuổi) kể, toàn bộ kiến thức giới tính cô bé có được đều thông qua việc tự tìm hiểu trên mạng hoặc lén lút trao đổi với bạn bè. Những thông tin lượm lặt không đầy đủ khiến cô bé hoang mang và có thời điểm rơi vào stress.
“Em dậy thì năm lớp 6, ở quê nên có được bố mẹ giáo dục giới tính gì đâu. Một ngày, thấy mình chảy máu, nhớ lại mẹ thường mua băng vệ sinh dùng vào những ngày này, thế là chạy sang cửa hàng tạp hoá bên cạnh mua nợ một gói về dùng. Sau bác ấy về mách mẹ, mẹ mới biết em dậy thì. Xấu hổ vô cùng”, Phương kể lại.
Khoảng thời gian sau đó, Phương “chật vật” với việc kinh nguyệt ra quá nhiều, thi thoảng lại bị rối loạn. Có những lúc cô bé lo lắng không yên khi đã 40 ngày mà “bà dâu” chưa đến. Cô rất muốn hỏi mẹ nhưng lại không biết mở lời thế nào.
Hiện tại, Phương đã “xoay sở” được với tuổi dậy thì của mình. Những vấn đề khác, cô thường cùng bạn bè tìm hiểu. Trong những buổi trưa ở lại trường, Phương và các bạn xúm nhau lại cùng xem rồi cùng bàn luận những vấn đề “nhạy cảm”. Tuy vậy, biết là một chuyện nhưng áp dụng vào thực tế lại phát sinh nhiều vấn đề khác và đó là hạn chế khi không được người lớn chỉ dạy cẩn thận.
Hành trình lớn lên của Quang Huy (18 tuổi) cũng chẳng hề dễ dàng. Bố Huy không quan tâm nhiều đến con cái, mẹ Huy lại rất ngượng ngùng khi nói với con trai vấn đề giới tính. Mọi chuyện, cậu đều tự tìm hiểu với bạn bè trong lớp.
“Lúc dậy thì, mình rất bất ngờ về sự thay đổi của cơ thể, từ giọng nói cho đến những thay đổi ở vùng kín. Mẹ mình không tinh tế cho lắm. Có lần, trước mặt chú dì, mẹ mình bô bô nói: “Huy vạch quần ra mẹ xem ch* to thế nào rồi? Lâu lắm mẹ chưa xem”. Mình ngượng chín mặt chạy đi. Từ đó, mình không bao giờ chia sẻ với mẹ hay bất kỳ ai trong nhà chuyện dậy thì”, Huy kể lại.
Huy kể, từ khi lên lớp 9, cậu đã được bạn bè rủ xem phim “nóng”. Câu chuyện về giới tính trở thành chủ đề bình thường giữa đám con trai trong lớp. Chỉ riêng với bố mẹ là cậu “đóng cửa” hoàn toàn. Dẫu vậy, việc phải “tự lớn lên” cũng rất khó khăn với Huy vì có quá nhiều thắc mắc không được giải đáp.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu hụt kiến thức về giới tính rất dễ lầm lỡ hoặc gặp nguy hiểm. Bởi vậy, giáo dục giới tính cho trẻ là vấn đề cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm toàn diện.
Quy tắc đồ lót: Tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh NSPCC đã xây dựng một bộ quy tắc được gọi là “Talking PANTS” (Quy tắc Đồ Lót) để hướng dẫn các phụ huynh giáo dục con tự bảo vệ mình trước yêu râu xanh. PANTS (đồ lót) là cái tên viết tắt của 5 điều luật dạy con sau: - P – Privates are Private: (Chỗ kín là riêng tư): Không một ai được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ bác sĩ, y tá và bố mẹ. Tuy nhiên, những người đó phải giải thích được tại sao họ cần chạm vào vùng kín của con trước khi thực hiện. - A – Always remember your body belong to you (Hãy nhớ cơ thể của con là của riêng con): Cơ thể con thuộc về chính con, không ai có quyền làm bất kỳ điều gì với cơ thể của con mà khiến con thấy khó chịu. - N – No means No (Không là không): Con có quyền nói không với những động chạm con không thích từ bất kỳ ai, kể cả các thành viên trong gia đình. - T – Talk about secrets that upset you (Kể về những bí mật làm con khó chịu): Con cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa những bí mật tốt và những bí mật xấu. Bí mật tốt là tất cả những thứ khiến con vui như một món quà bí mật, một bữa tiệc bí mật… Bí mật xấu là những thứ khiến con lo sợ và buồn bã. Con hãy tâm sự với người lớn khi có những bí mật xấu. S – Speak up, someone can help (Hãy lên tiếng, sẽ có người có thể giúp đỡ): Hãy nói ra những điều làm con lo lắng và sợ hãi. Khi con cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hãy tâm sự với người con tin tưởng như bố mẹ, bạn bè, thầy cô… Quy tắc 5 ngón tay Bàn tay của bé có 5 ngón và được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Bố mẹ có thể dạy con xác định 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục. - Ngón cái: Gần mình nhất – tượng trưng cho người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong gia đình ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự vệ sinh cá nhân mà không cần sự trợ giúp. - Ngón trỏ: Tượng trung cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng trong gia đình. Những người ngày có thể nắm tay nhưng chỉ dừng lại ở đó. - Ngón giữa: Tượng trưng cho người quen. Bé có thể bắt tay, cười, chào hỏi khi gặp. - Ngón áp út: Tượng trưng cho nhóm người quen của gia đình nhưng bé mới gặp lần đầu. Với những người này, bé chỉ cần vẫy chào. Ngón út – ngón tay xa bé nhất: Tượng trưng cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người khiến bé thấy lo sợ và bất an. Với những người này, bé có thể bỏ chạy hoặc hét to thông báo với những người xung quanh nếu họ đến gần và có những cử chỉ thân mật. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý của con gái sẽ có nhiều thay đổi. Cảm xúc, hành động và suy nghĩ sẽ dễ mất thăng bằng và khó làm chủ bản thân. Vậy nên bố mẹ cần...