“Người mẹ nhí” 13 tuổi

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Quyền trở thành trụ cột gia đình, phải lo việc nhà, cơm nước, dạy dỗ em trong chật vật thiếu thốn.

Ba mẹ lần lượt qua đời, Nguyễn Thị Quyền (lớp 5 trường tiểu học thị trấn Tân Hưng, Long An) “đóng vai” cả cha lẫn mẹ để chăm sóc cho em trai Nguyễn Văn Linh (học lớp 3 cùng trường). Tuy gặp rất nhiều khó khăn, chi tiêu dựa vào số tiền làm thợ hồ ít ỏi của người anh trai ở xa gửi về, học lực của hai chị em vẫn không tuột dốc.

Tránh mưa dưới bàn thờ cha mẹ

Tôi tìm đến nhà của hai chị em tại khu phố Gò Thuyên, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào một buổi trưa nắng. Căn nhà cũ nát, bốn phía làm bằng cót ép đã mục dần, mái che là vài tấm tôn thủng lỗ chỗ, nhìn thấu cả trời. Trước mắt tôi là một em gái nhỏ bé, nước da đen sạm và một cậu bé gầy rạc, với đôi bàn tay lấm đất bụi, khuôn mặt cả hai nhễ nhại mồ hôi.

Cuộc sống cơ cực quá nhưng chưa bao giờ em muốn buông xuôi. Nghĩ đến cha mẹ đã mất, anh trai đi làm xa vất vả và đứa em còn nhỏ, em tự nhủ mình không được gục ngã. Chỉ có sống mới thực hiện được ước mơ”, đó là tâm sự rất chân thành của một cô bé mới 13 tuổi. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được hồn nhiên ăn học thì vai em lại oằn nặng dưới gánh gia đình.

Ba mẹ Quyền quanh năm chỉ biết bám ruộng để chăm lo cho các con. Tuy khó khăn, nhưng gia đình luôn ấm êm. Thế rồi bất hạnh ập xuống: mẹ qua đời đột ngột khi Linh mới một tuổi, hai năm sau ba đi theo mẹ. Quyền phải ở nhà chăm sóc em trai hết một năm, nên em đi học trễ hơn các bạn cùng trang lứa.

Tuy còn nhỏ nhưng Quyền và Linh đã cảm nhận được nỗi đau mồ côi nên suốt một thời gian dài hai em không nói, không cười. Quyền rất thương em, nhiều khi phải nén lòng để an ủi em, an ủi một hồi rồi hai chị em ôm nhau khóc. Mỗi khi trời mưa thì hai chị em lại chui xuống bàn thờ của cha mẹ chịu trận và Quyền kể chuyện cho em bớt sợ, kể cho đến khi Linh mệt quá, ngủ thiếp đi.

“Người mẹ nhí” 13 tuổi - 1

Linh phụ chị việc nhà.

Hai ước mơ không phải cho mình

Từ ngày anh Hai Tâm đi làm xa để hàng tháng ky cóp gửi về nhà 200.000 đồng, Quyền trở thành trụ cột gia đình, phải lo việc nhà, cơm nước, dạy dỗ em trong chật vật thiếu thốn. Do mỗi ngày hai chị em đều học hai buổi nên sáng sớm Quyền phải thức dậy nấu cơm, hôm nào không đủ cơm cho hai chị em thì Quyền nhường Linh, lúc không còn gì để ăn thì hai chị em uống vài ngụm nước lã rồi tới trường. “Anh Hai đi làm vất vả, tiền kiếm được hàng tháng không nhiều nên em phải tính toán cẩn thận cho việc học, việc ăn. Mỗi ngày, em chỉ dám xài 20.000 đồng tiền chợ. Món ăn quen thuộc của hai chị em là cá khô. Em rất muốn mua thịt cho Linh ăn nhưng không đủ tiền”, Quyền tâm sự.

Thấy tình cảnh hai chị em như vậy, cô Nguyễn Thị Triết – giáo viên chủ nhiệm của Quyền thỉnh thoảng lại kêu hai chị em ở lại ăn cùng cô. Cô còn vận động nhà trường hỗ trợ học phí và xin sách vở tặng hai em. Cô Triết kể: “Hai đứa có hôm ngất đi vì đói, nên có dịp là cô lại kêu hai đứa ở lại ăn cùng không cho về, sợ tụi nó ngất giữa đường”.

Nhà nghèo, nhưng bù lại chị em thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Linh hay phụ giúp chị nấu cơm, rửa chén… còn Quyền thì dạy em học, cùng em chơi ô ăn quan trước cửa nhà. “Cho dù nhà có xảy ra nhiều biến cố nhưng em vẫn muốn em trai được vui vẻ, nó còn nhỏ mà”, nghe Quyền nói mà tôi xúc động.

Cuộc sống của hai chị em Quyền luôn trong tình trạng bữa đói bữa no. Chị em Quyền chưa một lần biết đến học thêm, cũng chưa năm nào có một bộ quần áo mới, một bộ sách giáo khoa đầy đủ, chủ yếu là đi xin các anh chị học trước hay được cô giáo tặng lại từ quyên góp. Thế nhưng, cô bé Quyền đầy nghị lực đã năm năm liền là học sinh giỏi. Những tấm giấy khen ấy được cẩn thận cất vào một tấm vách nhỏ, cạnh bàn thờ.

Quyền có hai ước mơ: trở thành cô giáo dạy các em nghèo, và nuôi em trai học hành nên người. Cả hai ước mơ đều đáng trân trọng, và đều quá tầm tay một cô bé 13 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Nhi (SGTT)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN