Người đàn ông bị đột quỵ hiến tạng cứu 6 người
Sau khi đột quỵ, Mark Osbone vẫn nhớ nhắc vợ để mình hiến tạng cho những người khác. 6 người đã được cứu sống nhờ được cấy ghép tạng của anh.
Anh Mark Osbone, 49 tuổi đến từ Anh làm công tác giảng dạy tại Hàng Châu, Trung Quốc 6 năm qua sau khi kết hôn với vợ là Wong, một phụ nữ Trung Quốc.
Vào tháng 3, anh phải nhập viện khẩn cấp do bị đột quỵ cấp tính. Dù vượt qua cơn thập tử nhất sinh nhưng các bác sĩ cho biết, sức khỏe anh sẽ dần xấu đi bởi họ không thể can thiệp điều gì.
Anh Osbone đã hiến tạng cứu sống 6 người khác.
“Mạch máu não của anh ấy đã bị tổn thương. Chúng tôi không thể thực hiện bất cứ phẫu thuật y tế nào. Mọi diễn biến chỉ là vấn đề thời gian”, các bác sĩ cho biết.
Mặc những khó khăn về sức khỏe, họ vẫn tổ chức kỷ niệm 6 năm ngày cưới dù địa điểm chính là bệnh viện Hàng Châu.
Hành động của anh nhận được sự cảm kích của nhiều người.
Chị Wong cho biết, đây là cơ hội để Osbone nói lời tạm biệt với gia đình và bạn bè. “Các y tá đã xếp hạc giấy treo xung quanh giường anh ấy. Còn tôi mặc bộ sườn xám với màu Osbone thích. Kỷ niệm này tôi sẽ nhớ suốt đời”, Wong nhớ lại.
Như một món quà cuối cùng có thể thực hiện, anh quyết định tặng bộ phận cơ thể mình gồm: giác mạc, thận, tim gan đến 6 bệnh nhân có nhu cầu. Điều này khiến rất nhiều người bất ngờ bởi đến bây giờ, tỷ lệ người tự nguyện hiến tạng vẫn rất ít.
Hình ảnh hạnh phúc của vợ chồng Osbone.
“Cách đây 20 năm, mẹ anh ấy cũng được cấy ghép tim từ một người hiến tạng. Anh ấy nghĩ nên làm một việc gì đó để giúp ích cho mọi người”, Wong nghẹn ngào chia sẻ.
“Cha mẹ tôi đã phản đối ý muốn đó. Nhưng khi đến thăm Osbone, họ đã mềm lòng, cởi mở hơn và tỏ ra tôn trọng quyết định của anh ấy”.
Được chồng chuẩn bị tâm lý để đón chờ những sự việc xấu nhất, giờ đây, khi Osbone qua đời, Wong trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Tôi cảm giác anh ấy vẫn như còn quanh đây. Tim anh ấy vẫn tiếp tục đập”.
Mọi người tỏ ra ngưỡng mộ lòng tốt và sự hào phóng của anh.
Sau khi qua đời, câu chuyện của Osbone đã chạm vào trái tim của cư dân mạng. Mọi người tỏ ra ngưỡng mộ lòng tốt và sự hào phóng của anh.
Cho dù việc hiến tạng luôn được cơ quan y tế hay tổ chức Chữ thập đỏ khuyến khích để cứu sống những bệnh nhân, làm giảm nạn buôn bán nội tạng đang diễn biến phức tạp nhưng ở các nước phương Đông, mọi người vẫn e ngại việc bị “mổ xẻ” sau khi mất.
Việc làm của Osbone được kỳ vọng tạo nên tiếng vang giúp thay đổi quan điểm, thói quen, tăng tính hào sảng ở những người trẻ hiện đại để nhiều người được cứu sống hơn nhờ được thay thế tạng được hiến.