Lấy người mình yêu hay người mẹ thích?

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Mỗi lần anh ấy đến, mẹ cháu vui và cười nhiều nên cháu cũng không gay gắt nữa

Bác sỹ Liêm kính mến!

Cháu vừa trải qua một chuyện buồn, rất buồn bác sỹ ạ. Người mẹ mà cháu yêu quý vừa ra đi mãi mãi. Với cháu thì đây là một cú sốc vì bố cháu cũng đã mất cách đây 10 năm rồi. Mẹ cháu bị ung thư giai đoạn cuối và mất sau 6 tháng phát hiện ra bệnh.

Trong quãng thời gian mẹ cháu nằm viện, bạn trai (người yêu) của cháu đi du học. Một người con trai khác biết rõ là cháu đã có người yêu nhưng vẫn cố tình theo đuổi. Cháu đã trả lời dứt khoát là không nhưng anh ấy cứ kiên trì theo đuổi. Anh ấy có ngoại hình bình thường, học trên cháu một khóa. Anh đã tuyên bố trước bạn bè cháu là anh ấy đã thích gì là quyết tâm thực hiện bằng được, anh đã thích cháu thì cháu sẽ phải là của anh. Anh ấy “tấn công” cháu không được thì xoay sang “tấn công” mẹ cháu.

Khoảng thời gian mẹ cháu nằm viện, anh túc trực như con cái trong gia đình. Lúc cháu phản ứng dữ dội vì nghĩ rằng động cơ anh đến thăm và chăm sóc mẹ cháu không phải là động cơ tốt. Nhưng thấy mẹ vui mỗi khi anh đến thì cháu không gay gắt nữa. Nhưng rõ ràng là cháu vẫn khó chịu ra mặt. Ấy thế mà nhiều lần cháu bận đi học, mẹ cháu còn tin tưởng đưa chìa khóa để anh về nhà lấy đồ giúp.

Người yêu cháu (bằng tuổi) mới sang Anh, bước đầu gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường sống nên ít khi gọi điện hay chat chít. Mẹ cháu thì bệnh nặng nên cháu cũng chẳng có đầu óc đâu để hỏi thăm người yêu. Mẹ cháu cũng đã biết người yêu cháu. Nhưng từ khi gặp anh thì mẹ nói mẹ ưng anh hơn người cháu đang yêu vì anh sẽ là người chồng tốt. Mẹ cháu còn dự báo rằng người yêu cháu sớm muộn cũng sẽ có người mới trong môi trường du học vì “xa mặt sẽ cách lòng” và người yêu cháu là công tử con nhà giàu nên sau này nếu cuộc sống gia đình gặp khó khăn thì khó có thể đương đầu.

Nhưng những gì mà mẹ cháu nói, cháu đều không nghe vì mẹ là mẹ, cháu là cháu. Cháu yêu người yêu của cháu vì những lý do làm sao mẹ cháu biết được. Chắc gì những nhận xét, dự đoán của mẹ cháu về người yêu cháu đã đúng? Chắc gì người đang “tấn công” cháu và mẹ cháu đã yêu thương cháu thật lòng, hay chỉ là sự hiếu thắng?

Cháu chưa kịp nói hết những gì cháu suy nghĩ với mẹ thì mẹ cháu đã mất. Trước lúc nhắm mắt mẹ chỉ yêu cầu cháu hứa với mẹ là chấp nhận làm vợ của anh để mẹ yên lòng. Lúc đó anh cũng có mặt và anh đã khóc. Cháu không hiểu anh ấy khóc vì lý do gì. Còn cháu thì chỉ biết gật đầu để mẹ vui lòng. Anh đã nhiệt tình và chu đáo giúp cháu lo việc cho mẹ cháu. Sau giỗ tuần đầu tiên, anh nói anh bận đi thực tập tốt nghiệp nên cháu phải tự lo cho bản thân và không phải bận tâm đến những gì đã hứa với mẹ lúc hấp hối nếu cháu thật sự không yêu anh. Cháu hỏi anh có nhận lời làm anh của cháu không thì anh lắc đầu.

Lấy người mình yêu hay người mẹ thích? - 1

Cháu không có một chút rung động nào với người đàn ông đến sau (Ảnh minh họa)

Rồi người yêu cháu về thăm khi biết mẹ cháu mất. Nhưng không hiểu sao cháu thấy người yêu mình cứ có vẻ xa cách. Rồi người yêu cháu phải trở lại Anh để tiếp tục việc học. Nhưng rõ ràng cháu vẫn cảm thấy không thể làm điều đã hứa với mẹ cháu được bác sỹ ạ. Thực sự là cháu không có rung động với người đàn ông đến sau.

Cháu phải làm sao bây giờ?

Cháu cảm ơn bác sỹ.

M.N.L (HN)

Xung đột lòng trung thành

M.N.L thân!

Năm câu chót trong thư cháu viết tóm tắt đầy đủ diễn biến tâm lý của cháu. Đây là một tranh chấp tâm lý giữa nguyện vọng (tin chắc) của cháu về tình yêu và lời hứa với mẹ trong một hoàn cảnh nhất định do anh bạn đến sau “công phá” trái tim cháu và mẹ cháu. Vấn đề này trong tâm lý gọi là “xung đột lòng trung thành” (conflit de fidélité).

Lòng trung thành là gì? Là suy nghĩ và hành động phù hợp với một số nguyên tắc căn bản của cuộc sống. Thông thường, những nguyên tắc ấy xuất phát từ một số kinh nghiệm sống (trong đó có việc tiếp nhận kinh nghiệm từ gia đình, ba mẹ) hay từ hiểu biết mà mình cho là nguyên tắc hiện đại của con người độc lập tâm lý là “tôi làm những gì do tôi quyết định”. Tức là lòng trung thành với chính mình, trung thành với một số quyết định sống (trong đó có nguyên tắc đạo đức), và trung thành với những người dạy mình trung thành.

Nhưng khi “tôi làm những gì tôi đã quyết định” thì tất nhiên, trung thành không phải là lệ thuộc, là nô lệ, là phục tùng. Trung thành là sáng suốt đồng ý với những gì tôi trưng bày cho tôi và cho bên ngoài. Nói cách khác, lòng trung thành là điều kiện và nguyên tắc suy luận có tự do. Như thế, việc “cháu không rung động với người đàn ông đến sau” là cháu trung kiên với chính bản thân cháu, với người cháu yêu. Hơn nữa, người yêu cháu đã về “thăm cháu khi biết mẹ cháu mất”. Đương nhiên, mỗi người một tánh và mình cũng có thể so sánh trong vô thức giữa hai người đàn ông vì lời hứa với mẹ mình tác động vào. Tức là lòng trung thành luôn luôn có ảnh hưởng do bên ngoài chứ không phải ngoan cố mà trung thành.

Thế thì lời hứa là gì? Mình hứa trên một sự thật mà mình phỏng đoán trước cho tương lai, ví dụ “tôi hứa yêu” là hôm nay tôi yêu và ngày mai tôi vẫn còn yêu.

Anh bạn “đến sau” tự hứa với anh ta là “tôi muốn thì tôi sẽ làm được”. Dù cháu nói không yêu hay nói gì đi nữa thì anh ta vẫn quyết tâm thực hiện lời hứa của anh ta. Điều này không có nghĩa là anh ta thích thành công để thành công hay anh ta yêu cháu thực sự. Nhưng nếu anh ta yêu cháu thực sự thì anh ta phải tôn trọng ý kiến dứt khoát của cháu. Đằng này anh ta có “chiến lược” là tấn công cháu qua một cửa ngang: Hoàn cảnh bệnh tật của mẹ cháu. Cũng có thể là anh ấy có lòng tốt thật sự nên cháu cũng chưa thể coi anh ta là kẻ lợi dụng tình hình được.

Cụ thể là trong những ngày cuối đời của mẹ cháu, bà có thiện cảm về cậu bạn này. Bà có lòng tin là nếu người yêu thì cháu sẽ không bơ vơ khi bà qua đời. Nói cách khác, bà “buộc” cháu phải hạnh phúc. Như thế cháu hứa với mẹ là cháu sẽ tìm hạnh phúc, còn người mà cho cháu cái đó là do cháu quyết định.

Sinh viên đi du học thường trải qua những khó khăn không thể tưởng tượng được, nhưng không phải thế mà mình không cảnh giác vì đúng thật là có hiện tượng “xa mặt – có thể – sẽ cách lòng”. Điểm làm tình yêu vững chắc nhất là cùng một lý tưởng sống thật: Vấn đề giàu sang (cũng chỉ tương đối) phải được xem như là một phương tiện để sống có đạo đức chứ không phải là tiềm lực để con người hư hỏng.

Bác sỹ Liêm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sinh viên Việt Nam
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN