“Làm ơn bớt lúa dùm đi!...”

Thật ra, cái chuyện “lúa má” chỉ là nguyên cớ khi một người đã muốn rời xa một người.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nhìn kỹ cái bàn chân của mình như vậy. Bây giờ mỗi khi tắm táp, tôi chỉ cần lấy bàn chải chà nhẹ thì mấy cái móng chân 8 đời làm ruộng đã sạch bóng chứ không cần phải lấy chanh hay khế hoặc xơ dừa chà cật lực như trước.

Tôi may mắn được học làm ruộng, nuôi cá trong trường đại học; may mắn được làm công việc liên quan đến đồng áng trong một công ty chế biến thực phẩm lớn ở TPHCM nhưng đó không phải là lý do để tôi phải làm cho mình khác đi; phải xấu hổ đến nỗi chối bỏ cái gốc gác nông dân của mình.

Thế nhưng vị hôn thê của tôi lại không nghĩ như thế. Em hay càm ràm tôi yêu mà không biết ga-lăng, sống ở Sài Gòn mà vẫn lòi cái đuôi hai lúa… Đành rằng là vậy nhưng tình cảm của tôi dành cho em rất thật. Chính vì vậy mà bây giờ tôi thấy đau. Nỗi đau của một gã hai lúa không thể đánh mất mình cho tình yêu…

… Hôm đó anh bạn thân rủ đi dự khai trương nhà hàng của một người đồng hương trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tôi hơi do dự vì không thích tới những nơi ồn ào, sang trọng. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng bị thuyết phục với lý lẽ “có nhiều món đặc sản Cà Mau giữa Sài Gòn”.

Đến nơi, tôi mới biết mình bị gạt vì đó là một nhà hàng có cái tên rất chi là quý tộc, thức ăn cũng toàn những thứ của ông hoàng, bà chúa ngày xưa. Đặc biệt, chẳng có tiệc khai trương gì cả mà đơn giản là bạn tôi muốn thử món vịt quay Bắc Kinh ở đó xem có ngon bằng nhà hàng của hắn hay không.

Thật lòng, tôi chẳng phải người sành ăn mấy món như vầy. Hỏi tôi mắm rô, mắm sặc, mắm linh hay khô cá lóc, cá khoai, cá kèo… thì tôi còn có hứng thú chớ mấy cái món ngập mỡ dầu này thì cho tôi ăn uổng tiền.

Với tâm trạng ấy, tôi đang cố gắng nhai và nuốt cái món da vịt cuốn bánh tráng thì bỗng tôi thấy bạn tôi há hốc. Tôi nhìn theo hướng mắt hắn và suýt chút nữa thì nghẹn ngang cổ họng. Ở đó có hai người khách vừa bước vào. Dù mấy em phục vụ đã chờ sẵn nhưng người đàn ông vẫn lịch sự kéo ghế cho cô gái và chờ cô ta ngồi xong mới quay về ghế của mình.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu cô gái ấy không phải là Cúm Núm của tôi. Vậy là tôi biết lý do vì sao trưa nay khi tôi gọi điện rủ đi dự tiệc thì em đã từ chối và bảo tối nay lớp Anh văn kiểm tra, em không thể vắng mặt!

Cúm Núm là cái tên tôi đặt cho em ngày mới chân ướt, chân ráo từ Cà Mau lên thành phố cách đây 5 năm. Hồi đó, khi thằng bạn thân dẫn cô em út đến gởi cho tôi, chẳng hiểu sao, nhìn em lúc ấy tôi lại liên tưởng đến loài chim cúm núm ở quê mình. Khi nghe tôi nói như vậy, em đã cười lỏn lẻn và bảo là em rất thích.

Thế mà chưa bao lâu, em đã trả nó lại cho tôi và bắt tôi phải gọi đúng cái tên Thiên Hương của mình. Em bảo đó là khởi đầu cuộc cách mạng để tẩy rửa mấy cái móng chân vàng khè vì phèn của tôi. Và câu nói cửa miệng của em mỗi khi có điều không hài lòng là “anh làm ơn bớt lúa dùm đi”.

“Làm ơn bớt lúa dùm đi!...” - 1

Mà tôi phải thừa nhận em thích ứng rất nhanh (Ảnh minh họa)

“Bớt lúa” theo em là phải biết uống rượu Tây, ăn thức ăn nhanh, thắt cra-vát, nói chuyện thì phải chêm tiếng nước ngoài, phải biết “OK” hoặc “I don’t care” và tuyệt đối đừng có nhắc mắm, nhắc khô trước mặt em bởi đó là những thứ “ăn 3 ngày vẫn còn hôi rình, gớm chết đi được!”…

Về phần mình, em tự hào khoe đã “hết phèn” ngay từ năm thứ hai ở Sài Gòn. Mà tôi phải thừa nhận em thích ứng rất nhanh. Mới học năm hai em đã đi làm thêm, tiền bạc rủng rỉnh; năm thứ ba thì đã có công ty nhận vào làm bán thời gian và khi tốt nghiệp đại học thì cùng lúc có mấy công ty mời gọi.

Em quyết định đầu quân vào một công ty nước ngoài. Từ đó, tôi lại biết thêm một khái niệm: Tiền lương của em được tính bằng “đô”! Cũng từ đó, cái gốc gác “phèn và lúa” của tôi luôn là chủ đề nóng mỗi khi tôi phải đi cùng em đến một nơi nào đó. Đi ăn với nhau, tôi đừng hòng được chọn quán, cũng không có cơ hội được gọi món… Những thứ nào thuộc loại “quê mùa sàng dã” thì không bao giờ có trong thực đơn của em.

Thậm chí, có lần đi ăn tiệc cưới, thấy người ta chỉ dọn đĩa mà không có chén, tôi thắc mắc thì mặt em sa sầm. Sau đó, trên đường về, em ca cẩm: “Không biết thì nhìn người ta làm sao mình làm vậy; mắc mớ gì phải hỏi cho lòi cái đuôi hai lúa?”. Tôi bực quá nên độp lại: “Hai lúa thì đã sao? Em tưởng làm vậy là hay lắm à?”. Vừa nghe tôi nói vậy, em đã đập vào vai tôi: “Anh ngừng xe lại”. Tôi ngừng xe, em nhảy xuống và gọi taxi…

Cứ vậy mà cái khoảng cách giữa tôi và em cứ xa dần dù cha mẹ hai bên đã tới lui, định ngày cưới hỏi.

… “Về hay ở?”- thấy tôi vẫn chưa hết thất thần, anh bạn khẽ hỏi. Tôi bảo: “Về!”. Tôi đi vòng đường khác để không làm em khó xử.

Đêm đó, mãi tôi vẫn không ngủ được, nửa muốn gọi cho em để hỏi về những điều trông thấy tối nay; nửa lại muốn để xem em còn đưa đẩy tôi đi đến đâu.

Hai hôm sau là sinh nhật em. Tôi đặt tiệc và gọi cho em. Không ngờ, vừa nghe tôi nói, em đã gạt đi: “Tối nay mấy đứa bạn ở công ty tổ chức sinh nhật cho em ở vũ trường Thiên Hồng. Em biết chỗ đó không thích hợp với anh nên không rủ anh…”. Tôi đột ngột trở chứng: “Không sao, hôm nay là sinh nhật em nên anh cũng muốn đi. Mấy giờ?”. Vừa nghe tôi nói, em đã giẫy nẩy: “Không được đâu, ở đó mắc lắm, tới mấy trăm đô một suất, hai lúa như anh vô đó uổng tiền…”.

Vậy là tôi hiểu rồi. Thật ra, cái chuyện “lúa má” chỉ là nguyên cớ khi một người đã muốn rời xa một người. Điều khiến tôi cứ trằn trọc không ngủ được là tôi không biết mình nên “ra tay trước” để khỏi mang tiếng là “bị bồ đá” hay là chờ Thiên Hương “đá” mình để khỏi mang tiếng là kẻ phụ tình?

Anh bạn thân khuyên tôi nên áp dụng phương châm “tiên hạ thủ vi cường”, nhưng trong chuyện này, tôi chẳng muốn ăn thua với em mà chỉ tự vấn: Không biết sau này tôi có nên làm theo lời em là "làm ơn bớt lúa dùm đi" hay không…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Thanh (Người lao động)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN