Hấp dẫn đâu phải là sứ mệnh!
Vì sao đàn ông lại bỏ chạy trước một người đàn bà quyến rũ sắp được tự do?
Mỗi ngày ít nhất có hơn một lần phụ nữ tự hỏi: “Mình có đủ hấp dẫn?”.
Chúng ta luôn lo lắng trước một lời đề nghị có thể bị từ chối, một yêu cầu không được đáp ứng, một lời khen không nhận được thái độ hồ hởi tương xứng, một cử chỉ hồng bị làm ngơ, một lời có cánh bị rơi vào im lặng…
Bạn không dám hỏi kể cả cô bạn gái thân nhất “Tớ có đủ hấp dẫn?” vì bạn biết đây là một câu hỏi khó, mặc dù thường ngày họ vẫn ríu rít khen bạn thông minh, quyến rũ.
Phái nữ không chỉ trăn trở về lực hấp dẫn trước người khác giới, họ cần giá trị đó ở bản thân trước mọi-đối-tượng-xung-quanh. Đàn ông phương Tây đã đúng khi phát hiện những phụ nữ được thú cưng và trẻ con yêu mê mệt cầm chắc là người hấp dẫn. Còn nữa, một phụ nữ được nhiều phụ nữ khác hâm mộ, hẳn đàn ông cũng không thể thờ ơ với cô ấy. Khi cô ấy có sức hút đặc biệt với một đối tượng nào đó, cô ấy đã là một thỏi nam châm đáng chú ý rồi.
Nhu cầu “hấp dẫn” trở thành nỗi ám ảnh, bởi chúng ta luôn nghi ngờ bản thân, và không rõ lắm về định luật “lực hút”. Lực hấp dẫn sẽ rơi rụng khi ta cứ cố gắng hết sức để hấp dẫn toàn diện. Khi tỏ ra hấp dẫn, bạn đang gây áp lực cho chính mình để đạt mục tiêu chinh phục hầu hết mọi người, mọi hướng – phần lực hút đáng phải dồn cho một người đặc biệt không còn lại là bao. Giờ thì đã có câu trả lời cho việc bạn không thể lôi kéo sự chú ý của người bạn muốn về hẳn phía bạn.
Có những phụ nữ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải hấp dẫn từng đối tượng mà cô ấy gặp, như một sứ mệnh. Cô ấy nắm rõ thế mạnh của mình xinh đẹp, thông minh, duyên dáng, có tham vọng, từng được nhiều người thích mà không cần nỗ lực. Đó là những điểm mạnh, nhưng cũng lại là liều thuốc gây nghiện “trạng thái chinh phục”. Khi cứ phải điên cuồng hấp dẫn một ai đó cô ấy có thể trở nên lố bịch và thua thiệt.
Biểu đồ cảm xúc của phụ nữ di chuyển trong 3 điểm của tam giác: gia đình, công sở, xã hội – là ba môi trường để họ kiểm chứng lực hấp dẫn của mình.
Có người đủ năng lượng để lia thỏi nam châm của mình ra cả ba môi trường. Có người bỏ qua gia đình, mang thỏi nam châm đến trấn ngự ở cơ quan. Có người thì chú trọng vừa cơ quan, vừa xã hội.
Đàn bà được chồng yêu khi ngoại tình chưa chắc đã được đàn ông bên ngoài mê mệt (Ảnh minh họa)
Mô-tuýp thứ nhất: Hấp dẫn toàn diện
Một phụ nữ đa năng, đảm đang việc nhà, chăm sóc chồng con chu đáo, ở cơ quan cô có vị trị, nhanh nhẹn được việc nên đa số sếp trên quân dưới đều quí, ở xã hội cô ngoại giao cửa nào cũng lọt, bạn bè họ hàng tin tưởng ngưỡng mộ. Mọi chuyện tưởng như hoàn hảo thì lại có một chút rủi ro khá quen thuộc. Chồng cô ấy rất chỉn chu, nể phục vợ, nhưng hóa ra lại có bồ.
Khi biết chuyện, cô ấy không thể lý giải được vì sao chồng mình lại thích một con bé văn thư gầy gò, nhút nhát? Cuối cùng cô được nghe một lời giải thích: Với cô ấy anh là người quan trọng nhất, còn với em anh chỉ là một trong 50 người quan trọng thôi.
Mô-tuýp thứ hai: Công sở là sân khấu, gia đình là sau cánh gà
Công sở là môi trường lý tưởng để phụ nữ hiện đại thể hiện bản thân, chứng tỏ cái “tôi”, nhiều người coi gia đình chỉ là “sau cánh gà”, hình ảnh lôi thôi thế nào cũng được, công sở mới là sân khấu để khoe những gì long lanh nhất.
Có nhiều chị em yêu cơ quan, công việc đến nỗi, đêm ngủ chỉ mong trời sáng nhanh để được đi làm, ngày lễ Tết cứ nóng ruột kết thúc để hội ngộ công việc. Các nàng đầu tư làm đẹp thời trang chỉ để cạnh tranh với các nàng khác trong cơ quan, thu phục, quyến rũ sếp nhỏ sếp lớn là mục tiêu hàng đầu. Phụ nữ đo độ hấp dẫn bằng chỉ số cảm tình từ các sếp, có người về đến nhà vào mâm cơm là thao thao kể chuyện sếp. Họ luôn ngầm so sánh chồng với sếp, hiển nhiên chồng hầu như phải lép vế. Sự tôn trọng chồng giảm đi, khi tình cảm với sếp tăng lên. Nàng tham vọng sẵn sàng chứng minh độ hấp dẫn của mình tới cùng. Hạ gục mục tiêu, nàng chuyển sang yêu thật lòng và kỳ vọng xây dựng mối tình nghiêm túc, lúc này một ông sếp cho dù ta cảm nhất cũng thấy ngại ngùng.
Trở lại người chồng tội nghiệp. Trước đó anh ta là người yêu vợ đến mức sùng bái, dần dần cảm thấy bị bỏ rơi, trong cơn mặc cảm anh ta bỗng gặp một đối tượng đẹp đôi với mình và thế là “ông ăn chả bà ăn nem”. Người vợ phớt lờ, cho rằng chồng chỉ là anh công nhân bưng bê trong cánh gà nên chẳng cần đánh ghen, cô ấy chỉ tập trung tỏa sáng ở sân khấu nơi có người số 1 của đời mình.
Sếp của cô cũng như mọi đàn ông khác trên đời có một trực giác tuyệt vời về lực hấp dẫn. Khi cảm thấy anh chồng không hề yêu cô ta nữa, lại đề nghị li dị thì ông sếp lập tức thấy hào quang quanh cô tắt lịm. Ông thấy tình yêu cũng như cô là một gánh nặng. Thái độ ông nhạt nhẽo dần, cô điên đảo kiểm tra lại lực hút của mình, không thể hiểu vì sao đàn ông lại bỏ chạy trước một người đàn bà quyến rũ sắp được tự do?
Phụ nữ hấp dẫn khi cô ấy được ai đó thương yêu. Và cô ấy không còn lực hút nữa khi làm tổn thương một ai đó.
Trong câu chuyện trái ngược khác, một phụ nữ yêu thương gia đình và chồng con cũng yêu quí, bện hơi cô ấy. Ở cơ quan, sếp dành cho cô một tình cảm đặc biệt nhưng cô luôn giữ một khoảng cách. Trong nhiều năm, người đàn ông cấp trên lặng lẽ theo dõi cuộc đời cô, ngưỡng mộ pha chút ghen tỵ với gia đình hạnh phúc của cô. Trong con mắt ông, cô chưa bao giờ giảm hấp dẫn bởi vì cô luôn đang yêu và được yêu.
Hấp dẫn không phải là khoe những gì tuyệt nhất cho đối tượng cần được hấp dẫn. Đối tượng có thể tự đổ gục khi quan sát bạn hấp dẫn hoặc bị hấp dẫn bởi một ai đó hay một điều gì đó, cho dù bé nhỏ và tự nhiên. Ở trạng thái ấy có thể bạn sẽ tuyệt vời hơn ở tư thế tấn công. Những phụ nữ thất bại sau ngoại tình đã ngộ ra, đàn bà được chồng yêu khi ngoại tình chưa chắc đã được đàn ông bên ngoài mê mệt, nhưng chắc một điều đàn bà bị chồng coi thường, bỏ rơi rất khó cầm chân người tình. Anh ta không thích sở hữu một báu vật bị thờ ơ. Nói cách khác nếu muốn quyến rũ “quân địch” trước tiên cô ấy phải hấp dẫn được “quân ta”. Lần này không có chuyện đặc cách.