Gã "đồng nát" yêu lối sống từ thời "ông bà anh"
Là chủ một quán cà phê được coi là “dị” nhất Hà Nội khi có tới 99% vật dụng là đồ tái chế và rác thải, Nguyễn Văn Thơ theo đuổi lối sống xanh và liên tục cổ súy mọi người “không vứt đi cái gì”.
Ông chủ quán tái chế (bên trái)
Quán cà phê làm từ... rác
Quán cà phê tái chế của Thơ nằm khuất trong một con hẻm nhỏ ở phố Hàng Tre, bên ngoài chỉ có một cái biển bằng tiếng Anh không lấy gì làm nổi bật. Vào lúc dịch Covid chưa hoành hành, chỗ này lúc nào cũng nườm nượp khách nước ngoài.
Không gian do chính Thơ thiết kế, đón được rất nhiều ánh sáng và gió trời. Nhờ tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này, một tháng quán cà phê 3 tầng (diện tích sử dụng 300 mét vuông) chỉ mất tám trăm ngàn tiền điện, tháng cao điểm nhất mới mất một triệu rưỡi, mà là giá điện kinh doanh.
Câu chuyện làm ra cái quán này kể cũng lắm kì khu. Trước khi bắt đầu, Thơ đã có quyết định sẽ dùng lại toàn đồ bỏ đi. Và thế là hàng ngày, chàng trai quê Bắc Ninh một mình một xe máy đi dọc quốc lộ từ Hà Nội, Bắc Ninh, đến Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Ðến chỗ nào thấy một “món rác” ưng ý thì đứng lại chụp ảnh, đánh dấu. Rác nhiều đến mức đáng kinh ngạc, Thơ kể, gần như mỗi mét vuông đất đều phải chứa “vật thể lạ”. Rất nhiều thứ còn đẹp đẽ, mới mẻ, hay ho. Sau đó, anh thuê một cái xe tải nhỏ theo “bản đồ rác” đã khảo sát đi gom nhặt từng thứ một: mấy cục composit dưới mương nước, cái chân bàn máy khâu, thủy tinh, chai lọ, gạch ốp tường v.v... Mang về đến đâu tự chế đến đó.
Nói thêm về quá trình chế biến này, Thơ bảo, anh sinh ra ở làng nên được đào tạo theo kiểu “cái gì cũng biết làm” để vừa vặn với cuộc sống tự túc tự cấp. Trai làng có thể làm mộc, sửa xe, hàn xì, xây dựng, lẫn vẽ hoa vẽ lá, sơn sửa đồ gia dụng.
Thông thường, trong quy trình xây dựng một quán cà phê thì lắp đặt nội thất dường như là nhanh nhất, bởi chỉ cần ấn số lượng, đặt hàng là hôm sau đã có bàn ghế ly cốc đồng bộ mới coong mang đến. Ngược đời, Thơ hoàn thiện nội thất cho quán mất đúng 4 tháng. Mình anh tỉ mẩn biến từng cục composit thành bàn, bánh xe máy thành ghế, lốp ô tô thành bể cá, vỏ chai rượu thành bình hoa, vỏ chai Seven up thành trần trang trí... Ðồ đạc gom nhặt tận dụng, không cái nào giống cái nào, phải gọt đẽo, sắp xếp để khớp với nhau, hợp thành một tổng thể bắt mắt.
Rác vào tay Thơ không còn là rác, chúng biến thành một nguồn tài nguyên. Quán cà phê của Thơ, chính vì thế ở phần đầu tư nội thất được tính là 0 đồng.
Cú hích... kinh dị
Nghề chính của Thơ là hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành của Úc. Nhiều năm “làm cho Tây” đã khiến Thơ được ảnh hưởng ngược từ những khách hàng của mình trong ý thức bảo vệ môi trường.
“Tôi sinh ra lớn lên ở Bắc Ninh, làng tôi ngay cạnh làng đúc nhôm đồng, làng giấy nên ô nhiễm rất nặng. Trước đó tôi cũng bàng quan lắm, thấy rác xung quanh thì kệ, vì quen mắt rồi. Ðối với khách Úc, sống chung với rác thải là một cái gì rất kinh khủng. Có lần chúng tôi đưa khách đến Lăng Cô, đang tắm biển mà có cái túi nilon trôi dính vào người, bà khách ấy lên bờ ngay, họ cho rằng như thế là rất bẩn”. Thơ kể.
Khi ý thức được đánh động, Thơ giật mình vì lượng rác thải tăng nhanh như vậy. Mười lăm năm trước, ở Bắc Ninh, lứa thanh niên 8X vẫn còn có thể dùng lá cây múc nước sông uống, thế nhưng chỉ sau một thập kỷ, nước sông thậm chí không thể tắm được nữa. Lại nhìn sang họ hàng, người quen: bác mình, chú, anh mình đều mất vì ung thư. Nỗi ám ảnh về rác của Thơ bắt đầu.
Nhớ lại vào ngày bốc mộ cho bà, chính Thơ được bố sai lấy tấm ván thôi của bà về ngâm ở mương nước trước khi dùng làm cửa chuồng bò. Anh kể: “Khi làm việc ấy tôi không sợ gì cả. Vì cả làng đều làm thế. Gỗ quan tài giờ đều là gỗ tốt, bỏ đi thì phí. Nếu tôi không lấy thể nào cũng có người làng đến xin. Lúc đó tôi nghĩ, đến tấm ván thôi người ta còn có thể dùng lại, thì cái gì mà chả có thể tái sử dụng".
Sau cú hích ấy, Thơ quyết định nghỉ việc hướng dẫn viên, ở nhà nhặt rác làm đồ tái chế. Ý tưởng về quán cà phê đến rất nhanh. “Một cái quán tái chế nó chả giảm thiểu được bao nhiêu rác thải. Nhưng tôi muốn qua mô hình của mình, đánh động đến ý thức xả rác của mọi người, nhất là người trẻ. Rác không phải là rác, vấn đề do nhận thức mà thôi. Túi nilon chưa phải là rác nếu dùng một lần. Ống hút, cốc nhựa cũng thế... Mọi người vứt thành thói quen vì nó quá rẻ và quá tiện, thay vì việc tái sử dụng, tái chế”.
Quyết định này của Thơ bị nhiều người cho là rồ dại. Cả nhà anh nghĩ thế!
Một bọn “âm lịch”
Nhờ quán cà phê tái chế, Thơ xây dựng được cả một cộng đồng sống xanh “cùng chí hướng và lý tưởng”: hạn chế việc vứt, bỏ đồ đạc.
Theo đó, khách đến Hidden Gem nếu mang theo rác tái sinh sẽ được chiết khấu 10-20% tiền đồ uống. Một góc nhỏ ở cầu thang được Thơ tận dụng làm nơi gom rác. Ở đây, anh là một “ngân hàng rác” cho Ralava – đơn vị chuyên dùng nhựa tái sinh (bao bì nilon, nhựa dùng một lần) để làm ra gạch xây nhà, gạch lát nền, ngói... Tôi hỏi, tiền chiết khấu này là Ralava hỗ trợ? Thơ cười bảo không: tự quán bỏ ra, việc ấy chúng tôi có thể cố gắng được!
Ngay sảnh tầng một, Thơ cũng dành một góc nhỏ cho một thương hiệu đồ jeans tái chế. Vì người chủ sạp hàng này ở tận Bắc Giang, nên nhân viên của Thơ, nghiễm nhiên sẽ kiêm luôn vụ bán hàng, thu tiền và chuyển khoản, thậm chí nhận đồ jeans khách mang đến ủng hộ. Việc này, dĩ nhiên cũng miễn phí.
Quán tái chế đầu tiên ở Hà Nội được hai năm, vừa qua, Thơ đã được mời xây dựng mô hình thứ hai trong Sài Gòn. Nhưng dự định lớn hơn của chàng trai 36 tuổi chính là thành lập một khách sạn zero waste ở Sa Pa. Khách ở đó, theo như dự kiến của Thơ sẽ không được phép mang theo túi nilon. Và mô hình 30 phòng chỉ được phép thải ra nửa cân rác mỗi ngày. Rác hữu cơ sẽ được gom ủ xanh để trồng cây, trồng rau cung cấp cho khách sạn.
“Chúng tôi đã tính đến việc sẽ tái chế cả nước thải. Hiện tại tôi đã tìm được đơn vị hỗ trợ việc này, tính ra chi phí không đắt, chỉ hơn 20 triệu cho một hệ thống xử lý khoảng 60 khối nước thải một ngày”. Anh hào hứng khoe.
Con người muốn sống hài hòa với tự nhiên, không thích phá hủy hiện đã tối giản đến gần như khắc kỷ. “Tôi có hai đôi giầy, vài ba bộ quần áo cho cả năm, toàn bộ tài sản chỉ có một vali. Thay vì vơ vào thì giờ tôi thích bỏ đi, bỏ đi nhẹ nhưng lại khó hơn vơ vào”.
Hiện Thơ có một dự án sân chơi phiêu lưu miễn phí cho trẻ em ở bãi giữa sông Hồng. Đồ chơi hoàn toàn làm từ vật liệu tái chế. Ở đây còn có tủ sách, đài quan sát... để phục vụ thượng đế nhí. Xây dựng những tủ sách cho trẻ em ở miền núi cũng là một dự án dài hơi khác của Thơ. Thơ làm đồ tái chế |
Nguồn: [Link nguồn]
Cặp vợ chồng U50 nhanh chóng "nổi như cồn" trên mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi nhờ điệu nhảy ấn...