Cử nhân cũng bán hàng rong
Những ngày này, nhiều sinh viên, cử nhân tranh thủ ra chợ đêm làng đại học Thủ Đức bán hàng rong dịp cận Tết. Có bạn chia sẻ bán lời gấp đôi ngày thường.
16h, khu chợ đêm Thủ Đức (TP.HCM) bắt đầu đông đúc. Kẻ bán, người mua tấp nập xem hàng, mặc cả với nhau. Người bán ở đây gần một nửa là sinh viên.
Lời gấp đôi ngày thường
Gian hàng giày dép nữ của Trần Khánh Vân (sinh viên năm 3, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Nông lâm TP.HCM) không ngớt khách đến xem hàng. Hàng dọn chưa kịp ra hết nhưng người mua thì đã ngồi quanh tấm bạt của Vân xem giày dép. Vân cho biết: “Sản phẩm mình bán rẻ hơn trên phố nhiều, hơn nữa bạn nào cũng có tâm lý mua đồ mới mặc Tết. Vì thế dịp này mình bán chạy”. Sự “chạy” của Vân là lời gấp đôi ngày thường. Trước kia nhiều nhất mỗi tối cũng chỉ bán được 20 đôi, ngày cận Tết thì bán được trung bình 40 đôi.
Cạnh đó, sạp hàng giày dép của bạn Trần Văn Lê (sinh viên năm 2, ĐH TDTT TP.HCM) cũng nhộn nhịp. Vừa thi xong, bao nhiêu thời gian Lê tập trung cho buôn bán. Ngày lấy hàng, tối bán đến khuya. “Bình thường khoảng 9h30 tối mình dọn hàng nhưng giờ thì phải đến 10h30. Thời gian này, mình bán lời gấp đôi bình thường nên cố bán lấy tiền xài Tết”, Lê nói. Cậu dự định bán đến 23 Tết sẽ về quê ở Quảng Ngãi.
Một số sinh viên thì tự làm sản phẩm bán. Như gian hàng dream catcher của Phạm Hùng Vương (năm 2, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM). Vương tự làm và bán nguyên liệu đồ handmade. Mỗi chiếc Vương bán từ 30.000– 300.000 đồng.
Trần Văn Lê xếp hàng bày bán ở khu chợ đêm làng đại học Thủ Đức.
Cử nhân cũng bán hàng rong
Sau khi tốt nghiệp, dù được nhận vào cơ quan nhà nước ở quê nhưng Trần Tuấn Minh (24 tuổi, tốt nghiệp khoa Vật lý, ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM) lại chọn bán đi hàng rong. Từ thời sinh viên, Minh đã tập buôn bán nên cậu quyết định gắn với công việc này. Minh chọn bán mặt hàng ốp lưng điện thoại. Ngày giáp Tết, việc buôn bán mặt hàng này có giảm nên Minh dự định vài ngày nữa sẽ về quê.
Mỗi ngày Minh cũng lời được khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng. Chia sẻ lý do bán hàng lề đường, Minh nói: “Nhiều bạn thích an phận, làm công việc ổn định nhưng mình thì không. Mình muốn làm chủ nên bắt đầu từ những kinh doanh nhỏ lề đường thế này. Ở quê có việc thì không làm, ba mẹ cũng trách nhưng sau đó thấy mình làm được nên lại thôi”. Dự định sắp tới của Minh là về quê mở tiệm và thử bán mặt hàng khác.
Một số cử nhân khác thì ra trường, chưa xin được việc cũng xuống chợ bán hàng rong. “Không xin được việc như ý, đi làm trái ngành thì mình không hợp nên theo bạn góp vốn bán hàng”, Nguyễn Thu Thảo giải thích. Học về kinh tế, ra trường Thảo cầm tấm bằng về Đà Nẵng xin việc. Xin mãi chưa được, cô lại vào TP.HCM làm phục vụ nhà hàng, lễ tân… Vừa qua, Thảo nghỉ việc, góp vốn với bạn đi bán dép. “Cũng may, mình có duyên bán hàng nên lời kha khá, đủ để về quê và phụ giúp cha mẹ đón Tết”, Thảo tâm sự.
Không đắt hàng như Thảo, sạp bán kính của bạn Hoàng Văn Dũng (25 tuổi, quê Thanh Hóa) chỉ lèo tèo vài khách mua. Tốt nghiệp khoa lịch sử, ĐH KHXH& NV TP.HCM cả năm nay, nhưng Dũng chưa xin được việc, dù đã rải hồ sơ nhiều nơi. Vốn đi bán rong từ thời sinh viên năm 3 giờ Dũng đi bán tiếp.
Cậu than thở: “Quê mình ở xa, về thì tốn kém lắm nên giờ mình cũng chưa biết có về hay không. Nếu bán được thì về còn không thì ở lại. Hơn nữa về giờ, người ta hỏi công việc chẳng lẽ nói là đi bán hàng lề đường”.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Cử nhân bỏ lương ngàn đô đi bán bánh mì dạo
Khi cử nhân chạy xe ôm, cắt tóc