Con chúng ta biết yêu từ bao giờ?

Bố ơi, con không sợ bố ngáy thật mà, mẹ bảo bố phải dậy sớm đi làm không được làm bố thức giấc, bố cứ ngủ đi

Anh là công chức Nhà nước, con trai năm nay mười bốn tuổi.

Bao nhiêu năm trôi qua mà anh vẫn nhớ như in câu chuyện năm xưa.

Tối hôm ấy, vợ anh đi công tác, anh ôm con trai ngủ. Con trai vừa tròn sáu tuổi, nó thường ngủ với mẹ, đây là lần đầu tiên ngủ với bố.

Anh không quen lắm, con trai cũng không quen lắm, nó cứ xoay đi xoay lại trong lòng anh, trằn trọc mãi chưa ngủ được. Con trai chưa ngủ thì anh không dám ngủ, vì khi ngủ anh hay ngáy ngại làm con sợ.

Anh ôm con kể chuyện cho con nghe, do không thuộc nhiều chuyện nên anh cứ lặp đi lặp lại một vài truyện cho đến lúc buồn ngủ rũ rượi, tiếng nói anh nhỏ dần và đầu anh gật gà gật gù.

Bỗng anh có cảm giác con trai kéo tay mình, anh mở mắt nghe thấy tiếng con trai: “Bố ơi, bố cứ ngủ đi, con không sợ bố ngáy đâu”.

Anh ngạc nhiên nhìn con trai sáu tuổi, nó nhìn anh với vẻ nghiêm túc, hai bàn tay nhỏ xíu để bên tai. Anh xoay đầu nhỏ bé của con lại, nhìn thấy trong lỗ tai nhỏ bé của con có hai cục bông nhỏ và mềm tơi.

Con trai đắc chí nói: “Bố ơi, con không sợ bố ngáy thật mà, mẹ bảo bố phải dậy sớm đi làm không được làm bố thức giấc, bố cứ ngủ đi”.

Anh ôm con vào lòng, hai mắt đỏ hoe.

Khi anh kể lại chuyện này trước mặt nhiều người, con trai bé bỏng hồi đó nay đã là học sinh trung học phổ thông đang làm bài cau cau mày xấu hổ nói: “Bố, chuyện này bố kể hàng trăm lần rồi, bố nói mãi không thấy chán sao? Có bao nhiêu chuyện sao bố chỉ nhớ mỗi chuyện đó?”.

Anh chỉ nhìn con cười hề hề: “Tại sao bố chỉ nhớ mỗi chuyện này, khi nào lớn lên con sẽ hiểu”.

Anh là giáo sư, con trai là học sinh phổ thông.

Bao nhiêu năm trôi qua mà anh vẫn nhớ như in chuyện hôm ấy.

Hồi đó anh và vợ còn rất trẻ, chưa biết nhường nhịn nhau. Vợ tính hướng nội, tức giận điều gì chỉ im lặng và dỗi không nấu cơm, anh đưa con gái ra ngoài phố ăn phở.

Anh hết chịu nổi sự trầm mặc của vợ, tuy rất sốt ruột nhưng do lòng tự trọng quá cao mà không chịu làm lành trước. Hôm ấy, anh buồn, ngồi nhà uống rượu một mình. Khi vợ dắt con gái về anh đã làm hết nửa chai, trên bàn chỉ có đĩa dưa muối.

Vợ không nhìn anh, kéo tay con gái vào phòng ngủ. Anh tức điên lên, cơn tức không nói ra được, anh với chai rượu trên bàn lên tu ừng ực.

Khi anh ngửa cổ tu rượu, một bàn tay nhỏ xíu giữ lấy cổ tay anh. Bàn tay nhỏ bé ấy ra sức kéo tay anh xuống.

Con chúng ta biết yêu từ bao giờ? - 1

Con gái có khuôn mặt tròn, tóc nó xoăn như tóc anh, mắt to và đen láy như mẹ (Ảnh minh họa)

Là con gái bảy tuổi, nó mím môi kéo tay anh xuống, nó nhìn anh với ánh mắt van nài. Nó nói rất nhỏ: “Mẹ bảo, bố không được uống nhiều rượu”.

Tay anh dừng trên không, mắt anh nhìn con gái non nớt đáng yêu trước mặt. Mặt nó tròn, tóc nó xoăn như tóc anh, mắt to và đen láy như mẹ. Lúc anh thẫn thờ nhìn con gái, nó gỡ chai rượu trong tay anh đem vào trong bếp. Khi quay ra, nó bưng cốc nước chanh đưa tận tay anh nói: “Mẹ bảo, để bố uống cho giã rượu”.

Anh cầm cốc nước đưa lên miệng uống một hơi hết sạch, cảm giác mát rượi từ miệng lan xuống tận bụng, mắt anh ướt sũng.

Trong khoảnh khắc ấy, anh ý thức được rằng vợ anh qua việc pha nước chanh dậy bảo con gái phải biết yêu thương bố. Anh xúc động tự hứa với mình, từ nay phải kiềm chế tính nóng nẩy để giữ gìn sự yên ấm gia đình.

Bây giờ anh đã gần sáu mươi, mỗi bữa cơm tối anh đều uống một chén rượu thuốc. Con gái đã xây dựng gia đình, mỗi khi về thăm bố mẹ, thấy anh uống hai ba chén rượu là cất chai rượu của anh đi.

Anh chế diễu con gái: “Từ bé con đã cất chai rượu của bố, con chưa thấy chán ư?” Con gái cười: “Sao bố nhớ dai thế!”.

Bao nhiêu năm trôi qua mà anh vẫn nhớ như in cái cảm giác lay động trái tim của tình yêu con gái qua sự dậy bảo khôn ngoan của người vợ yêu dấu.

Chị là Vụ trưởng, con trai năm nay ba mươi tuổi, là bác sỹ.

Bao nhiêu năm trôi qua mà chị vẫn nhớ như in câu chuyện hôm ấy.

Hồi đó vợ chồng chị làm việc ở hai nơi, mẹ chồng sức khỏe yếu chị phải vay tiền để đưa mẹ chồng đi khám bác sĩ. Hai vợ chồng chị lương thấp, đời sống thật là chật vật. Hằng ngày tan tầm chị nấn ná một lúc mới ra chợ. Chợ chiều bẩn thỉu hoang tàn, rau ngon người ta đã chọn hết chỉ còn lại rau không tươi và xấu mã, nhưng rất rẻ.

Chị hay mặc bộ đồ mầu tối, tính lại hay cau có nên suốt ngày không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt đen sạm của chị. Khi chị mặc cả với hàng rau, giọng chị rời rạc và đầy vẻ mệt mỏi.

Hôm ấy chị nhìn thấy hàng thịt còn ít sườn bán rẻ. Chị nghĩ cả nhà mấy ngày chưa được ăn thịt nhưng chần chừ một lát chị mới mua chỗ sườn ấy.

Về đến nhà, chị đặt nồi lên bếp ninh sườn. Mùi thơm khiến con trai chín tuổi cứ luẩn quẩn ở cửa bếp không chịu rời đi. Chị thấy xót xa trong lòng. Khi nồi sườn ninh nhừ, chị múc ít nước canh húp, còn sườn cho vào bát con trai. Trẻ con chín tuổi đang lúc cần chất dinh dưỡng.

Con trai ăn ngấu nghiến, nhoáng cái đã hết bát cơm, nó đưa chị xới bát khác. Chị xới cơm đưa cho con, thấy con che miệng cười, đôi mắt to chớp chớp. Chị hỏi con cười gì? Nó liếm môi nói: “Mẹ ơi, sườn ngon quá”. Chị xoa xoa mái tóc mềm như tơ của con. Hai mẹ con tiếp tục ăn cơm.

Chị và cơm thì thấy trong bát có gì vướng víu. Hóa ra là một miếng sườn, không to nhưng rất nhiều thịt.

Chị nhìn con trai, nó cúi đầu ăn, vừa ăn vừa cười.

Chị bỏ miếng sườn vào mồm nhai chậm rãi, nước mắt lăn xuống hai má.

Con trai nói: “Mẹ làm sao thế? Bố đi làm xa, bố gọi điện bảo con ở nhà phải giúp đỡ mẹ, săn sóc mẹ như một người đàn ông thực thụ”.

Chị lấy bàn tay chùi nước mắt, tươi cười nói: “Mẹ vui quá, mẹ thấy con trai mẹ giỏi quá”.

Từ đó, vẻ mặt chị rạng rỡ nụ cười, người chị mặc áo màu sáng, trông chị tươi tắn và xinh đẹp hẳn lên.

Nhiều năm trôi qua, con trai đã làm bố nhưng vẫn thích ăn món cơm sườn chị làm. Mỗi lần nhắc đến miếng sườn con trai lén bỏ vào bát chị, chị lại xúc động nói với chồng: “Con trưởng thành vì con biết yêu thương bố mẹ”.

Họ là khách mời của chương trình truyền hình với chủ đề “Con chúng ta biết yêu từ bao giờ”.

Trước khi kết thúc chương trình, MC nói: “Cứ bảo con thơ lớn lên mới biết đền đáp bố mẹ, thực ra tình yêu của con thơ có từ rất sớm, từ lúc chúng còn rất nhỏ. Cái chính yếu, là bố mẹ biết dạy bảo con thơ để chúng cảm thấy ấm lòng và an toàn. Ngược lại tình yêu của con thơ lại khiến cha mẹ can đảm và mạnh mẽ hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Quyên dịch (Hạnh phúc gia đình)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN