Chúng tôi cô đơn
Muốn hỏi cha mẹ về chuyện thầm kín nam nữ chẳng khác nào chạm phải điều cấm kỵ.
Giáo dục giới tính là chuyện không mới, nhưng chưa thể là chuyện cũ khi vấn đề nạo phá thai tuổi vị thành niên và trẻ bị hiếp dâm vẫn đang thời sự.
Trường chúng tôi cũng có mời bác sĩ chuyên khoa sản đến nói chuyện nhưng bác sĩ cũng chỉ nói về các bệnh xã hội, HIV, đồng tính, còn về vấn đề phòng tránh thai thì không nói gì cả. Có bạn hỏi thì bác sĩ trả lời không nên quan hệ tình dục sớm vì như thế không tốt.
Năm nay tôi vừa bước vào lớp 12. Chuyện có người yêu ở độ tuổi chúng tôi là bình thường. Những nụ hôn, những lần hẹn hò làm sao tránh khỏi… Cả lớp, nam cũng như nữ, trừ tôi ra, ai cũng có người yêu, thậm chí có bạn đã trải qua vài mối tình. Luật bất thành văn, ai càng có nhiều mối tình thì càng có “đẳng cấp”, “số má” trong mắt bạn bè. Thỉnh thoảng con gái lớp tôi lại rủ nhau sang lớp khác… đánh ghen và ngược lại.
Năm lớp 11, L. – bạn gái thân của tôi, có người yêu là một sinh viên đẹp trai, học đại học ngân hàng năm 3, ở trọ gần nhà L... Thấy hai người khá thân thiết, tôi như linh tính điều gì đó. Đem nỗi băn khoăn nói với L., L. trấn an tôi: “Anh ấy đàng hoàng lắm. Tụi tao chỉ mới hôn thôi mà”.
Ngày hôm sau, giờ ra chơi, L. gọi tôi và lấy trong túi ra một que thử thai. Hai vạch hồng. Nó hỏi: “Làm sao đây?”. Ánh mắt nó nhìn tôi cầu cứu, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt và cổ, hai tay run rẩy. Tôi chết lặng. Cứu bạn ư, tôi biết gì đâu mà cứu bạn khỏi tai họa này? L. chỉ ôm mặt khóc.
Những phút ngồi chờ L. trong phòng khám của một bác sĩ sản khoa, tôi vừa thương L., vừa giận mẹ L.. Mẹ L. ly hôn với ba L. nhiều năm nay, ngoài giờ làm ở cơ quan, tối về bà rất bận với nhóm bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ của bà, với những cuộc điện thoại kéo dài vài ba giờ mỗi tối. L. là con gái duy nhất nhưng hầu như hai mẹ con không có thời gian nói chuyện với nhau. “Tối nay mẹ không về ăn cơm” là tin nhắn mà L. nhận được thường xuyên từ mẹ. Từ những buổi vắng nhà thường xuyên của mẹ, L. đã dại dột rủ bạn trai tới, lúc đầu chỉ là dạy kèm toán lý, sau là uống ly cam vắt. Chuyện gì đến cũng đã đến. Biết L. có thai, bạn trai của L. dọn phòng trọ biến mất, thay sim điện thoại. L. chới với tìm đến tôi. Chúng tôi chạy khắp các con đường, tìm đến một phòng khám tư nào có vẻ khuất nhất.
Thông hiểu và hành xử thực tế hơn với thế hệ chúng tôi (Ảnh minh họa)
Nhìn L., tôi cũng ngẫm đến tôi. 18 tuổi, ba mẹ là người tri thức. Thế nhưng ba mẹ và tôi luôn có khoảng cách quá xa. Tôi nghĩ gì, làm gì cũng không muốn nói cho ba mẹ biết vì sợ nghe hàng tá những nghiêm cấm răn dạy. Nếu làm một điều tra nho nhỏ trong lớp, hình như những người như ba mẹ tôi rất phổ biến. Các phụ huynh chỉ quan tâm chúng tôi học có được 9 hay 10 điểm không, có đậu được vào trường chuyên, trường chuẩn quốc gia không. Ngồi trước cha mẹ chúng tôi là những đứa trẻ còn bé nhỏ, không làm nên việc gì ra ngô ra khoai. Còn chuyện yêu đương nếu nói ra thì cha mẹ lại nhảy dựng lên: “Lo học đi, con nít biết gì”.
Cha mẹ quên rằng thời của những đứa “con nít” này chỉ một cái nhấp chuột là mở ra cả thế giới, tha hồ làm quen, nhắn tin, online rồi offline. Chuyện yêu đương, hẹn hò, quan hệ tình dục, tránh thai… nghe cư dân mạng nói tràn lan và bình thường như chuyện ăn uống, hít thở. Nhưng giữa bão lũ thông tin, chẳng biết thế nào là đúng, là sai. Cơ thể và bản năng thế hệ chúng tôi phát triển rất sớm nhưng thật ra chúng tôi vẫn là những đứa trẻ mà sự trải nghiệm cuộc sống là con số 0. Muốn hỏi cha mẹ về chuyện thầm kín nam nữ chẳng khác nào chạm phải điều cấm kỵ. Ngoài cái nhìn nghi ngờ, chúng tôi nhận được từ cha mẹ những câu trả lời quanh co, mơ hồ khiến chúng tôi càng hoang mang và khó hiểu.
Nhìn L. xanh rớt, bèo nhèo nằm trên giường sau ca nạo thai, tim tôi thắt lại. Tôi nắm bàn tay lạnh và đẫm mồ hôi của bạn, nhận rõ sự cô đơn của tuổi 18 chúng tôi, cô đơn trong sự sợ hãi và bất lực. Trong những tiết học về giáo dục giới tính ngắn ngủi, thầy cô thật ra cũng dạy chúng tôi về từng bộ phận trên cơ thể, làm thế nào một em bé được ra đời, con gái tuổi nào thì có thể có thai, con trai tuổi nào mọc râu và bể tiếng. Những tiết học giáo dục giới tính ấy chưa nói đến thế nào là an toàn tình dục, cũng không một dòng nào về cách sử dụng bao cao su và những viên thuốc tránh thai khẩn cấp.
Những nỗi đau, sự vấp ngã, đổ vỡ niềm tin đôi khi có thể tránh được nếu nhà trường, thầy cô, cha mẹ thông hiểu và hành xử thực tế hơn với thế hệ chúng tôi.