Chàng sinh viên “khùng” và hành trình chôn cất thai nhi
Bị nhiều người gọi là “tâm thần”, nhưng B., 19 tuổi đêm đêm âm thầm đi khắp con phố nơi tập trung nhiều phòng khám tư để tìm nhặt xác thai nhi xấu số về chôn cất.
Người ta gọi em là thằng khùng”
Tôi gặp chàng sinh viên Nguyễn Văn B. (Nam Định) vào một buổi chiều muộn tại quán cà phê nhỏ trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Chàng trai khuôn mặt sáng, có phần hơi xanh kể cậu vừa mang một số thai nhi nhặt được về tắm rửa, khâm liệm và chôn cất tại nghĩa trang.
B. bắt đầu câu chuyện bằng lời tâm sự: “Mấy hôm nay, sức khỏe em không được tốt, nên em chỉ đi nhặt được một lúc rồi về, chứ không đi suốt đêm được như thời gian trước”.
B. chia sẻ về lý do mình làm công việc này.
Với B. quyết định đi nhặt và chôn cất hài nhi bắt đầu từ việc cậu tình cờ chứng kiến cảnh tượng ám ảnh đến kinh hoàng từ một phòng khám tư nhân ở Nam Định, khi họ thản nhiên vứt một thai nhi vừa nạo hút vào bồn cầu nhà vệ sinh.
Những hình ảnh đó đã ám ảnh B. suốt đêm, B. nghĩ rằng nếu đã không được sống thì ít nhất những sinh linh ấy cũng nên có một chỗ an nghỉ đàng hoàng. Sáng hôm sau, B. cùng với một bác lớn tuổi đi đến các phòng khám xin đưa những thai nhi xấu số về chôn cất.
“Ban đầu, phòng khám còn nghi ngờ và nói họ không có tiền để điện thoại cho em, không có đồ để bảo quản những hài nhi đó. Em nói em sẽ trả tiền cho họ. Thời điểm ấy em cũng tích cóp được ít tiền, em dùng toàn bộ số tiền đó mua những hộp nhựa nhỏ, khăn trắng để sẵn ở phòng khám. Khi có thai nhi nào bị bỏ thì họ gọi điện cho em mang các bé về chôn cất”, B. chia sẻ.
Hành động của B. khiến nhiều người gọi cậu là thằng “khùng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Khi bố mẹ B. biết chuyện, họ cũng sốc trước hành động của con trai mình.
“Bố mẹ nói đó là việc làm tốt, nhưng hiện tại, họ muốn em tập trung vào việc học. Bên cạnh đó, do sức khỏe của em không tốt, nên bố mẹ cũng không yên tâm. Dù thế, em vẫn giấu bố mẹ để tiếp tục công việc. Khi lên Hà Nội học, em nghĩ ngay đến việc tìm các điểm phòng khám và xin mang xác thai nhi về chôn cất”, B. tâm sự.
Chàng sinh viên "khùng" miệt mài với công việc của mình.
Công việc nhặt xác thai nhi của B. đã duy trì được hơn 1 năm và hơn 2.000 xác thai nhi được cậu sinh viên trẻ gom nhặt. B. nói, để tìm được xác thai nhi không phải đơn giản, cậu mất rất nhiều thời gian theo dõi tại các phòng khám trên đường Đê La Thành (Hà Nội). B. gom nhặt những thi thể vô tội, không lành lặn rồi mang về phòng trọ tắm rửa sạch sẽ, liệm bằng tấm vải trắng rồi cho vào thùng nhựa nhỏ bảo quản trong tủ đông.
“Cứ chờ đủ số lượng em lại thuê xe khách đưa các em về quê, cùng một số bạn nữa tiến hành chôn cất. Em chỉ đi về trong ngày thôi vì sợ bố mẹ phát hiện ra sẽ lo lắng. Cũng may, em nhận được sự giúp đỡ của một số bạn trẻ và một bác ở quê, chứ nếu mình em thì không thể làm được. Có đêm em gom được 18 thai nhi liền. Đêm hôm đó em thức trắng để rửa và khâm liệm cho các bé”, B. kể.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Dù bị gọi là tâm thần nhưng B. vẫn âm thầm làm công việc của mình. Thấy việc làm ý nghĩa của B., những bác lao công trên đường Đê La Thành đã tình nguyện liên lạc với B. mỗi khi họ thấy xác hài nhi trong túi bóng đen. Vì thế, số lượng xác thai nhi B. nhặt được mỗi lúc một nhiều.
Không thể mang về quê chôn cất hết được, B. cùng một vài người bạn của mình chủ động liên lạc với nghĩa trang hài nhi tại Sóc Sơn để trong đêm tối B. sẽ mang luôn lên đó. Đêm nào, B. và mọi người cũng rơi lệ khi chứng kiến những hình ảnh thai nhi xấu số bị tước mất quyền sống.
B. bùi ngùi nhớ lại: “Có những hôm, nhặt xong các hài nhi bị bỏ rơi em đi thẳng lên Sóc Sơn. Khi về đến nhà cũng phải gần 1h sáng ngày hôm sau. Dù trời mưa em cũng phải đi để kịp khâm liệm cho các bé. Hôm sau người mệt lả nhưng nghĩ, nếu mình không đi những hài nhi bị vứt bỏ trong những thùng rác kia sẽ thế nào, vậy là em lại tiếp tục công việc của mình. Ngày trước, xóm trọ em ở một số người cũng phản ứng về công việc của em. Nhưng rồi mãi họ cũng quen, có một số người còn giúp sức cho em nữa”.
Mỗi lần đi nhặt xác hài nhi xấu số về, B. đều ghi cẩn thận vào một quyển sổ. Ban đầu, số lượng ghi vào quyển sổ dày đặc, nhưng bây giờ đã vơi bớt đi, có nghĩa là có nhiều người cũng đang làm việc thiện như B..
B. ghi chép cẩn thận sau mỗi đêm tìm được xác thai nhi xấu số.
“Em chỉ mong mình thất nghiệp, đi cả đêm mà không khâm liệm thai nhi nào để lòng không còn nặng như bây giờ nữa. Cách đây không lâu, em nhặt được một em bé trong thùng rác, em bé vẫn còn sống. Em vội vàng đưa em bé vào bệnh viện Bạch Mai nhưng cuối cùng bé chỉ sống được một tuần vì sức khỏe yếu, bị nhiễm khuẩn. Có lần, em thấy người ta bỏ rơi con mình, em nhận nuôi và nhờ một nhà anh chị nuôi hộ.
Em biết kinh tế mình còn khó khăn nhưng em sẽ cố gắng hết sức. Hiện giờ thầy cô, bạn bè cũng biết công việc của em và rất ủng hộ việc làm đó. Chỉ có điều, bố mẹ em mấy hôm trước có gọi điện hỏi, có phải em là chàng sinh viên xuất hiện trong clip đi nhặt thai nhi không? Em vẫn phải nói dối bố mẹ. Em chỉ là cầu nối giúp mọi người thôi. Em biết, em mới 19 tuổi, còn phải lo nhiều cho công việc học tập nhưng em chỉ nghĩ rằng mình phải làm để biết đâu có cơ hội cứu các bé”, B. chia sẻ.
Dù đã hơn 1 năm đi tìm những hài nhi xấu số và quyển sổ ghi chép của B. dày đặc. Nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo để đi nhận hài nhi B. vẫn nhói lòng. Với cậu sinh viên 19 tuổi này có lẽ chặng đường phía trước còn rất dài nhưng B. vẫn sẽ làm công việc của mình để giúp những hài nhi xấu số có một chỗ yên nghỉ.
Tính chất công việc của nữ pháp y 28 tuổi khiến cô khó thời gian để tìm hiểu yêu đương.
Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn |