Cay đắng vì chồng bạc tình
Đến nước này thì bố mẹ Hoài cũng đành để cô ly dị chồng.
Vợ có bệnh, chồng chạy làng
“Cái ngữ đàn ông mắt trắng môi thâm ấy bạc bẽo lắm, con lấy nó thì khổ cả đời”, mẹ Hoài khuyên như vậy sau lần chị đưa Bảo, người yêu, về ra mắt. Bạn bè chị cũng can, không chỉ vì cái tướng mắt trắng môi thâm của anh mà vì những biểu hiện đáng ngại mà họ nhìn thấy được. Nhưng ý Hoài đã quyết. Chị nghĩ, mình đã 27 tuổi, không nhan sắc, có người thương yêu đã là tốt lắm rồi, nhất là một người trông khá bảnh trai, khéo léo như anh.
Lấy Hoài, Bảo không những có người vợ tận tâm mà còn nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phía nhà vợ, vốn khá giàu có. Anh được cho tiền mua nhà để chuyển cả bố mẹ và các em ở quê lên Hà Nội, được nhạc gia giúp vốn và bày cho đường đi nước bước để kinh doanh, rồi trở nên khá giả. Bố mẹ anh, hai đứa em anh đều được Hoài chăm sóc, quan tâm từng li từng tí, từ miếng ăn nước uống hằng ngày đến tấm áo, manh quần. Hoài còn giới thiệu công ăn việc làm tốt cho hai đứa em chồng. Ai cũng nói, cả gia đình Bảo đổi đời từ cuộc hôn nhân với Hoài.
Sau cái lần mẹ chồng Hoài bị đột quỵ, Hoài thức đêm thức hôm hầu hạ không một lời thở than cho đến khi bà hoàn toàn bình phục, còn tận tụy hơn cả con ruột, mẹ chồng cầm tay Hoài rưng rưng bảo, bà biết ơn cô, suốt đời này coi cô như con gái. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, khi con dâu bị chẩn đoán mắc một dạng ung thư máu mà việc chữa trị sẽ tiêu tốn cả đống tiền để duy trì sự sống trong có mấy năm, chính bà đã ráo hoảnh bảo: “Cô không thể ở đây làm con tôi lụn bại được. Chuyện này ông bà thông gia phải chịu trách nhiệm”. Rồi bà giục giã con trai trả Hoài “về nơi sản xuất”, như một món hàng lỗi.
Điều đáng nói là Bảo cũng có suy nghĩ y như mẹ. Anh thấy cay đắng, hậm hực vì mình đen đủi lấy phải cô vợ ốm đau. Thật không công bằng nếu anh phải dốc cả núi tiền ra chữa trị cho người vợ chỉ ở với anh vài năm nữa. Anh nhăn nhó, gắt gỏng với vợ. Rồi nhân một khi vợ chồng cãi nhau, vợ tủi thân khóc lóc, Bảo khuyên Hoài hãy về nhà ngoại ít lâu cho khuây khỏa, dù sao mẹ đẻ chăm sóc cũng sẽ tốt cho tinh thần của chị hơn.
Hoài về nhà mẹ đẻ. Việc chăm nom, chữa trị từ đó cũng đều do bố mẹ cô lo liệu. Bảo lấy cớ bận công tác, bận lo cho gia đình nên chẳng mấy khi qua thăm. Anh cũng chẳng bao giờ đả động đến chuyện đón vợ về nhà. Một thời gian sau, thiên hạ đồn ầm lên là anh có bồ, thậm chí sắp có con. Anh công khai chở cô bồ bụng to lù lù đi ngoài phố. Hoài và bố mẹ cô đều hiểu, anh cố tình thể hiện ý muốn lấy người khác, chẳng qua không muốn là người chủ động đưa đơn ly dị, sợ mang tiếng bạc mà thôi.
Khi nhạc gia gọi Bảo sang nhà nói chuyện, bố vợ mới nhẹ nhàng hỏi vài câu, Bảo đã gắt: “Sao mọi người lại làm như con là tội đồ vậy? Con có tội khi cô ấy mắc bệnh không chữa được sao? Chẳng lẽ con phải suốt ngày ngồi khóc, đòi chết theo cô ấy sao? Con mới hơn 30 tuổi, cũng phải có người nối dõi chứ?”. Đến nước này thì bố mẹ Hoài cũng đành để cô ly dị chồng. Bảo mừng như bắt được vàng, làm thủ tục luôn, chẳng nhắc nhở gì đến chuyện chia cho vợ một nửa ngôi nhà đang ở và tài sản chung khác. Có lẽ anh cho rằng, với người sắp chết thì đó là việc không cần thiết.
Đến nước này thì bố mẹ Hoài cũng đành để cô ly dị chồng (Ảnh minh họa)
Cay đắng vì “bạc tình lang”
Khi một người chồng mắc bệnh nan y, không thể làm việc và phải gắn với bệnh viện đến hết đời, người ta cho rằng một người vợ hiểu đạo lý phải tận tâm chăm sóc cho đến ngày anh nhắm mắt xuôi tay (dù ngày đó có thể chỉ đến sau vài chục năm nữa). Cô ấy nên bán hết những gì có thể bán, kể cả thân xác mình, hy sinh toàn bộ tuổi thanh xuân cho người đàn ông “một ngày cũng nên nghĩa” ấy. Thế nhưng khi kẻ vì bệnh tật mà trở nên phụ thuộc là vợ, rất nhiều ông chồng lại nghĩ rằng họ không có nghĩa vụ phải hết lòng với bạn đời.
“Khi biết tôi có khối u trong não, dù là u lành nhưng nó chèn ép các tuyến nội tiết khiến tôi vô sinh, đau yếu, hình hài biến dạng, và có thể chết bất cứ lúc nào khi u lớn lên, chồng tôi vô cùng giận dữ. Anh ấy nói kiểu như anh bị mắc lừa, như là bố mẹ tôi cố tình gả cho anh đứa con gái bệnh tật, dù anh đã phải nhọc công mới cưa được tôi”, Lý Hà, một phụ nữ 31 tuổi, người đã trải qua mấy lần phẫu thuật để giành giật sự sống mà không nhận được một chút quan tâm nào từ chồng và gia đình anh ta, kể.
“Tôi luôn phải đi khám một mình. Những lần ốm rũ rượi, anh ta cũng chẳng hỏi đến một câu, vẫn vô tư nhậu nhẹt với bạn bè. Nếu tôi có ý trách, anh ấy bóng gió rằng anh mất công, mất tiền cưới vợ mà sắp mất vợ, rằng việc phải nửa đường đứt gánh vì tôi đã là thiệt thòi cho anh ta lắm rồi, đừng có đòi hỏi gì thêm nữa, ai có phận nấy, không ai sống thay cho ai được. Bố mẹ tôi xót con, đón về nuôi dưỡng. Bệnh tôi ngày càng nặng, chồng tôi chẳng thèm thăm nom”.
Lý Hà gạt nước mắt, bảo cô cay đắng vô cùng khi nghĩ đến người chồng chỉ biết hưởng thụ những trái ngọt mà vợ mang lại, đến khi vợ gặp nạn thì phủi tay như kẻ chẳng liên quan. Chị hận vì đã dâng hiến những năm tuổi xuân đẹp nhất cho chồng, để rồi khi ốm đau bệnh tật, vẫn chỉ có bố mẹ chị, hai con người lưng còng đầu bạc đã gần đất xa trời, là ở bên cạnh, chăm sóc chị như thuở bé thơ, cứ như chị chưa từng được gả chồng, chưa từng được người đàn ông nào thề hứa sẽ ở bên chị suốt đời, lúc vui sướng cũng như khi hoạn nạn.
Còn chị Mai Hương, 39 tuổi, cũng đang một mình bên người cha già yếu, cùng với căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối. Hương về đây sau khi chồng chị đưa cô bồ về nhà sống cùng. Nếu bị ai phê bình vì thói bạc bẽo với vợ, anh ta thản nhiên bảo tại chị bỏ đi chứ anh đâu có đuổi, rằng chị đã chẳng giúp gì được cho gia đình nữa mà còn ghen tuông vớ vẩn.
“Cả chồng và bố mẹ chồng tôi hình như quên sạch chuyện hồi chưa có bệnh, tôi là trụ cột kinh tế của cả nhà. Lương tôi cao gấp 7 lần lương anh ấy, nên công to việc nhỏ gì của nhà chồng cũng đến tay tôi. Phụng dưỡng bố mẹ chồng đã đành, ngay chuyện nuôi mấy đứa em chồng ăn học, cưới xin cho chúng thì nghĩa vụ chi tiền cũng đương nhiên là tôi. Ấy vậy mà tôi chỉ cần thỉnh thoảng biếu bố đẻ một vài triệu hay mua cho cụ chút quà là bố mẹ chồng lại nổi giận, bảo làm gì có cái thứ gái đã lấy chồng mà còn đưa của về nhà đẻ”.
“Họ cho rằng, dù là tiền tôi làm ra, tôi cũng không được phép báo hiếu bố mẹ đẻ vì từ giờ tôi là người nhà họ, chỉ được cống hiến cho nhà họ mà thôi. Thế nhưng cái câu sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng ấy chỉ đúng khi tôi còn có ích. Còn khi tôi bệnh, không làm được nữa, cần được chăm sóc, chữa trị thì họ cho rằng đấy là trách nhiệm của gia đình bên ngoại. Họ bảo, bố tôi có nghĩa vụ vay tiền chạy chữa cho tôi, chứ không có chuyện con mình đẻ ra lại bắt người khác gánh”, Hà kể trong nước mắt.
Lý Hà tâm sự, chị biết mình chẳng sống được bao nhiêu nữa. Và có lẽ điều khiến chị băn khoăn, thắc mắc nhất trước khi từ giã cõi đời này là trên đời thật sự có luật nhân quả hay không, những kẻ bạc bẽo như chồng chị liệu có bao giờ ân hận hay phải trả giá cho sự tàn nhẫn của mình không…?