Cám ơn bà xã

Vậy là Tết này, các con tôi vẫn có chỗ để về, vẫn có niềm tự hào để khoe với bạn bè.

Trước khi má tôi mất, bà gọi mấy anh em tôi đến bên cạnh dặn dò: “Anh em bây đùm bọc nhau mà sống. Thằng Minh là anh hai, phải lo cho mấy đứa em. Nhà cửa, ruộng vườn ba má để lại, không được bán. Số vàng má đưa vợ thằng hai giữ thì để dành cưới vợ cho thằng út…”. Má tôi chỉ dặn vậy rồi nhắm mắt đi xuôi. Năm đó tôi 20 tuổi, đang học đại học năm thứ hai.

Sau khi xong đám, anh hai cho họp cả nhà. Mấy chị có ý kiến này kia, riêng tôi chỉ im lặng. Tôi nghĩ đến câu “giàu út ăn, khó út chịu” mà sợ, bởi tôi không muốn ở lại giữ cái nhà và miếng ruộng ở nơi heo hút này mà muốn bay nhảy cho thỏa chí… Hơn nữa, má vừa mới mất mà đem chuyện phân chia tài sản ra bàn định, tôi thấy bất nhẫn thế nào…

Chị ba tôi nói: “Tuy ba má không để lại di chúc nhưng theo luật thì tài sản này phải chia đều cho mấy anh em. Ai ở cái nhà này và canh tác đất đai thì phải thối lại cho những người khác. Nếu anh hai ở thì cứ vậy mà tính”.

Chị ba nói cũng có lý. Anh hai im lặng, chỉ có chị hai tôi lên tiếng: “Trong nhà anh hai là chịu thiệt nhất, còn mấy cô và chú út đều được ba má cho ăn học đàng hoàng, có công có chuyện ổn định. Vậy thì cũng phải nghĩ đến điều đó chớ? Nếu nói là tài sản chung thì bây giờ mấy cô cứ dọn về đây ở, tôi đâu có cản?”. Giọng chị hai rất khó nghe.

Mấy chị im lặng nhìn nhau, cuối cùng chị năm lên tiếng: “Tụi em có công việc ở thành phố hết rồi, thôi thì hồi nào tới giờ anh chị hai ở với ba má thì bây giờ cứ ở cái nhà này. Chỉ có điều là thằng út học hành chưa xong, anh chị hai phải lo cho nó”.

Coi như mọi thứ đã được quyết định. Từ đó cho đến khi tôi ra trường, cứ vài tháng, anh hai lại gởi cho tôi mấy trăm ngàn. Khoản tiền ấy chẳng đủ tôi ăn sáng, mua sách vở. Tôi không buồn bởi tôi biết ở nông thôn, kiếm được đồng tiền rất khó. Vì vậy mà có thiếu hụt, tôi đi làm thêm chứ không trông mong anh chị chu cấp.

Tôi ra trường, xin được công việc tận Bình Dương. Được 4 năm thì tôi quen bà xã bây giờ. Tôi về nhà thưa chuyện với anh chị hai và mong anh chị đứng ra lo chuyện cưới hỏi cho tôi. Trong khi anh hai im lặng thì chị hai đã nói: “Cái chuyện đứng ra lo cưới vợ cho chú út thì là phải đứng ra rồi nhưng anh chị nói trước là về cái khoản tiền bạc thì chú phải tự lo vì anh chị cũng khó khăn lắm, không phụ được đâu”.

Tôi tưởng nghe vậy thì anh hai tôi sẽ có ý kiến ngược lại, nào ngờ anh cũng tán thành. Tôi chới với bởi trước nay vẫn ỷ y chuyện đại sự như vầy thì anh hai phải đứng ra thực hiện vai trò “quyền huynh thế phụ” mà lo lắng cho tôi. Vậy mà bây giờ, mọi thứ không như dự tính. Cả số vàng nữ trang má tôi để lại cho tôi cưới vợ, anh chị cũng không đưa vì đã bán “hùn vốn làm ăn với người ta” và mua cho thằng cháu chiếc xe a-còng!

Không thể hoãn chuyện cưới xin vì bên nhà gái đã chuẩn bị đâu đó, tôi đành cầu cứu các chị. Sau một hồi bàn tính, chị ba tôi nhận đứng ra lo lắng mọi thứ với sự góp sức của các chị. Tôi mừng quýnh.

Vậy là tôi cưới được vợ. Nhà vợ tôi nghèo nhưng rất biết điều. Tuy vậy, tình cảm của Vân An, bà xã tôi với anh chị hai không được trọn vẹn. Vân An bảo tôi: “Em không tính toán, không xét nét này nọ nhưng anh chị hai làm như vậy là không đáng mặt làm anh. Từ nay em chỉ biết có mấy chị, còn anh chị hai thì tùy anh xử sự”.

Cám ơn bà xã - 1

Một lần nữa, cám ơn bà xã... (Ảnh minh họa)

Từ đó, chỉ mấy dịp tết nhất, giỗ chạp thì bà xã tôi mới về, còn thường ngày, có dịp gì, tôi rủ rê thì cô ấy nhất quyết từ chối: “Em không liên quan gì đến mấy người đó. Anh thấy cái cách anh chị hai đối xử với mấy chị không?”. Tôi hiểu điều vợ tôi nói.

Anh chị hai tôi giờ thuộc loại “có máu mặt” ở quê. Chị hai tôi có thói khinh người. Mấy chị tôi thì cũng chỉ đủ sống chứ không ai khá giả. Ngày giỗ ba má, mấy chị tôi về, chị hai rất lạnh nhạt. Đồ đạc mấy chị mang về cúng, chị hai cũng xếp xó trong kẹt tủ; xong đám đồ ăn còn ê hề, chị cũng không bao giờ lấy cho mấy chị tôi mang về như với những người khách bình thường khác. Riêng bà xã tôi thì đã có kinh nghiệm. Đồ nào cô ấy mang về cúng thì tự tay bày lên bàn thờ…

Nhiều khi tôi thấy buồn vì tình cảm anh em sứt mẻ. Trước đây tôi không bao giờ nghĩ anh hai tôi lại nhu nhược, nghe lời vợ, bất chấp tình cảm, trách nhiệm như vậy. Nhưng thôi, chúng tôi cũng đã tự lo được cho mình nên cũng chẳng cần ai phải bận tâm…

 Má mất tới nay đã 15 năm. Thời gian ấy đã đủ cho tôi có một cuộc sống ổn định bằng chính bàn tay, sức lực, trí tuệ của mình. Nói không phải khoe chứ tôi thật may mắn khi cưới được bà xã giỏi giang, vén khéo. Nhờ vậy mà nhà cửa, xe cộ chúng tôi có đủ. Lại còn một khoản kha khá gởi ngân hàng…

Cuộc sống cứ tưởng sẽ chẳng còn gì phải bận tâm, lo nghĩ. Thế mà đùng một cái, thằng cháu con anh hai chạy lên báo tin, ba má nó vỡ nợ. Nhà cửa, đất đai lớp thế chấp ngân hàng, lớp thế chấp cho xã hội đen… Tôi nghe tin như sét đánh ngang tai. Cả tháng trời tôi không ngủ được, người gầy tọp. Bà xã tôi không nói gì, mà tôi cũng không dám đề nghị cô ấy giúp… Mấy chị tôi thì cũng bảo: “Bỏ luôn đi, ai biểu ham hố!”.

Nhưng anh em ruột thịt, có chém thì chém bề sống chớ sao nỡ chém bề lưỡi? Mãi sao tôi mới rụt rè bảo bà xã: “Em à, hay là… em cho anh mượn… giấy tờ nhà đất của mình để thế chấp ngân hàng vay tiền cho anh hai trả nợ? Nếu không thì Tết này, mình biết về đâu? Rồi ba má ở đâu?...”.

Chỉ nói đến đó rồi tôi bật khóc. Tôi nghĩ đến cảnh người ta xiết nợ, lấy nhà, lấy đất, bàn thờ ba má, ông bà nội tôi sẽ bị ném ra sân hay vất vưởng ở đâu mà không cầm lòng được. Tôi bật khóc nức nở như một đứa trẻ…

Bà xã tôi chưa bao giờ thấy tôi khóc như vậy nên lúng túng ôm lấy vai tôi vỗ nhè nhẹ: “Nín đi anh, ai lại khóc. Chuyện đâu còn có đó mà. Em và chị ba đã trả tiền ngân hàng, lấy giấy tờ nhà đất lại hết rồi... Nín đi...”.

Tôi như không tin vào tai mình. Hèn gì hôm trước thấy Vân An bảo là đi công tác tới mấy ngày. Thì ra cô ấy và chị tôi về quê. Tôi ôm chầm lấy vợ: “Cám ơn bà xã..”.

Chỉ nói vậy rồi tôi nghẹn lời. Và tôi lại khóc. Nhưng lần này, tôi khóc vì hạnh phúc.

Một lần nữa, cám ơn bà xã... Vậy là Tết này, các con tôi vẫn có chỗ để về, vẫn có niềm tự hào để khoe với bạn bè: “Quê Nội tao ở Sóc Trăng, nhà Nội tao lớn lắm...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phúc Quang (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN