Bố con là ai?

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Trẻ em không lựa chọn được hoàn cảnh cũng như bố mẹ để chào đời.

Bản năng làm mẹ trong mọi người phụ nữ có ngay từ khi còn là một cô bé. Bằng chứng là bé gái nào cũng thích nâng niu, chơi đùa với búp bê, dù đó là con búp bê nhỏ đẹp tuyệt vời hoặc chỉ là búp bê được làm bằng những mảnh vải nhỏ, những sợi len, cọng rơm tự mình buộc lại. Khao khát được làm mẹ tiềm ẩn trong mỗi người con gái lớn dần theo năm tháng cuộc đời.

Vậy mà cái thiên chức làm mẹ tạo hóa ban cho ấy không ít phụ nữ lại bị tước mất, bởi muôn vàn nghịch cảnh. Những cô gái xấu xí, nghèo khổ, những cô gái tật nguyền không có người đàn ông nào cưới, những cô công nhân khu công nghiệp - nơi mà đàn ông đắt như vàng, những người phụ nữ quần quật kiếm sống... họ không có cơ hội tìm cho mình một gia đình để có một đứa con yêu thương.

Có chị gần như đêm nào cũng tan ca lúc 22 giờ. Chị kể, trước chị cũng có quen với một người, nhưng vì làm khuya nên chị đã khước từ bao cuộc hẹn của anh. Lâu ngày anh tưởng chị đuổi khéo nên không liên lạc nữa. Rồi cũng có chị đã có chồng nhưng lại không thể sống được với nhau, chỉ vì chị cứ phải tăng ca liên tục. Nhiều tuần, chủ nhật cũng không được nghỉ. Người chồng không chịu được cảnh vợ đi làm suốt ngày, bỏ bê chuyện cơm nước nên cãi nhau luôn rồi chia tay...

Tất cả những người phụ nữ không may mắn, không có cơ hội được làm vợ, nhưng nỗi khao khát được làm mẹ vẫn cháy bỏng trong lòng càng ngày càng mạnh. Nỗi cô đơn, bản năng làm mẹ thôi thúc họ bằng mọi giá để có một đứa con. Và thế là dần xuất hiện những đứa con không cha, những xóm không chồng.

Không dễ dàng gì khi phải tự mình tìm quyền làm mẹ cho mình. Người phụ nữ phải vượt qua lòng tự trọng, hờn tủi, khó khăn đến đau đớn để xin người đàn ông không có tình yêu một đứa con. Họ phải vượt qua nỗi nhục nhã, mặc cảm trước những kỳ thị của xóm giềng. Vượt qua nỗi khổ tâm trước đau buồn của cha mẹ, người thân... Bao khó khăn phải vượt qua trong thời kỳ mang thai, sinh nở, nuôi con một mình...

Bố con là ai? - 1

Không được gọi cha là sự thiếu hụt, không có cha là sự mặc cảm (Ảnh minh họa)

Những khó khăn đó, người phụ nữ âm thầm chịu đựng và họ có thể vượt qua tất cả. Nhưng có một điều họ đau đớn, khổ tâm, khó vượt qua nhất - đó là khi đôi mắt buồn ngơ ngác của con trẻ hỏi “Bố con đâu hả mẹ?” “Bố con là ai?”..., là khi chúng sứt đầu mẻ trán vì đánh nhau với những đứa trẻ gọi chúng là con hoang, là khi con bị gia đình người yêu từ chối vì không cha.

Những người đàn bà không chồng mà có con quây tụ lại sống với nhau, nương tựa nhau để tránh sự kỳ thị của những người có số phận may mắn hơn họ. Bên nhau, họ thấy ấm áp và tự tin hơn, họ cùng nhau chăm sóc những đứa con không cha.

Tình yêu thương của những người mẹ không chồng ấy thật bao la, tha thiết. Họ có thể hy sinh mạng sống, hy sinh cả cuộc đời họ cho con, vì con. Nhưng hầu hết, những bà mẹ đó đều nghèo khó nên không thể cho con đầy đủ vật chất, họ không đáp ứng được những điều con cần và con muốn. Mọi thiệt thòi trên đời dường như trẻ con ở những xóm không chồng đều nếm trải. Chúng phải lam lũ từ nhỏ để phụ giúp mẹ và nuôi sống mình. Có nhiều bé mới 8 tuổi đã phải đi làm thuê. Mới 4 tuổi mà bé gái đã phải trông nhà cho mẹ đi kiếm tiền. Nhiều em không được học hành, thậm chí không biết chữ vì phải đi làm sớm, vì không có tiền và cả vì không có giấy khai sinh do mẹ không có hộ khẩu thường trú...

Trẻ em không lựa chọn được hoàn cảnh cũng như bố mẹ để chào đời. Không được gọi cha là sự thiếu hụt, không có cha là sự mặc cảm. Sống trong thiếu thốn tình cảm của người cha, sự kỳ thị của người đời sẽ làm cho những đứa trẻ không cha có những suy nghĩ lệch lạc, một tâm lý không bình thường. Có những đứa trẻ bị bạn diễu cợt, chê bai vì không có bố đã không chịu được nên hận mẹ, thù ghét mẹ, bỏ nhà đi bụi. Có đứa trẻ sống quá khổ cực đã làm càn, sinh trộm cắp, cướp giật. Sự phát triển lệch lạc của con trẻ nhiều khi trở thành sự bất hạnh của người mẹ và gánh nặng cho xã hội.

Để bớt đi sự bất hạnh của người phụ nữ khao khát được quyền làm mẹ, để giảm bớt gánh nặng cho xã hội, để những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình không hoàn thiện bớt đi phần tủi cực, vất vả, để những người phụ nữ ấy cũng được quyền bình đẳng nuôi con lớn khôn như những người mẹ khác..., thì cần lắm, sự cảm thông, sẻ chia, vào cuộc của tất thảy mọi người, của xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.N (Hạnh phúc gia đình)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN