Blogger Ngọc Long: "Tại sao chúng tôi phải bê dưa?"
Anh không hiểu vì sao từ sinh viên đến các chủ doanh nghiệp lại phải làm công việc tình nguyện mệt nhọc này?
Những ngày qua, các trang mạng xã hội đồng loạt kêu gọi tình nguyện viên nghĩ cách bán dưa giúp đồng bào Quảng Nam sau thiên tai lũ lụt. Khi dưa được chuyển ra Hà Nội, rất nhiều tình nguyện viên là sinh viên, dân công sở, chủ doanh nghiệp… đã tham gia xếp dỡ, vận chuyển, bán dưa. Nhiều tấn dưa đã được tiêu thụ nhanh gọn trong địa bàn Thủ đô.
Từng thức trắng đêm tham gia chương trình tình nguyện “giải cứu” dưa hấu giúp đồng bào miền Trung, anh Nguyễn Ngọc Long (Blogger truyền thông xã hội) lại có những suy ngẫm riêng về hoạt động tình nguyện này. Thay vì ca ngợi, cho đó là hành động tuyệt vời, anh lại trăn trở: “Tại sao chúng tôi phải bê dưa?”.
Được biết vừa qua, anh có tham gia bán dưa tình nguyện giúp đồng bào Quảng Nam?
Đúng vậy. Sau giờ dạy ở lớp truyền thông chuyên nghiệp, tôi có rủ thêm một số bạn sang khu Đình Thôn phụ bê dưa với một nhóm tình nguyện.
Các tình nguyện viên giúp đỡ đồng bào Quảng Nam bán dưa
Chắc hẳn anh và các bạn tình nguyện viên đã có những ngày làm tình nguyện khá vất vả?
Quả thực, đó là một trải nghiệm không hề thích thú, tôi chẳng có mảy may một chút cảm xúc nào. Tôi thấy các bạn vất vả quá. Dưa hấu quá nặng, các bạn phải bê những quả dưa nặng từ 5 - 10kg. Gần 60 tình nguyện viên, sinh viên có, văn phòng có, chủ doanh nghiệp cũng có, trong đó có cả những bạn nữ mảnh mai, chân yếu tay mềm, họ không chỉ phải bê một quả mà bê rất nhiều.
Cả đoàn xếp thành hàng dài, chuyền dưa qua tay nhau. Người đằng trước chỉ cần chậm một chút thôi là người sau lại phải ôm nặng thêm một chút. Thỉnh thoảng còn có cả những tiếng xuýt xoa khi lỡ may bị kẹt tay ở thành xe. Tôi thấy mà chạnh lòng rồi tự hỏi “Tại sao họ phải bê dưa?”.
Rồi các tình nguyện viên không có kinh nghiệm xếp dưa, xếp quả lớn nằm trên quả bé khiến dưa bị dập nát, di chuyển nặng nề… Không ai ở đó nói cho chúng tôi biết rằng, phải làm sao để xếp dưa gọn gàng và việc di chuyển trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn? Chúng tôi chỉ chăm chăm nhiệt tình với công việc tình nguyện của mình.
Là người đứng ra kêu gọi mọi người làm tình nguyện bán dưa giúp nông dân Quảng Nam nhưng dường như anh lại không thích thú với công việc này, vì sao vậy?
Vì tôi và các bạn đang làm công việc không có chuyên môn tốt nhất hay nói đúng hơn là không có một chút kinh nghiệm nào. Trong xã hội, mỗi người đều được phân công một công việc nào đó phù hợp. Sẽ rất tuyệt vời nếu mỗi người được làm công việc mà mình có thể làm tốt nhất.
Nhưng ở đây, rõ ràng khi đồng bào miền trung gặp khó khăn, mọi người từ sinh viên đến doanh nghiệp, dân văn phòng đều chung tay giúp đỡ mà không để ý đến công việc chuyên môn của mình. Họ bê dưa, bán dưa tình nguyện với suy nghĩ là có thể giúp đỡ bà con “giải cứu” dưa ngay lập tức nhưng họ lại làm những công việc ấy không hề tốt, hiệu quả không cao, hơn nữa lại mất rất nhiều sức lực.
Nhưng đây là hoạt động tình nguyện, thưa anh?
Tình nguyện thì cũng cần được tổ chức bài bản và mỗi tình nguyện viên đều phải được trang bị những kiến thức cơ bản nhất chứ? Nếu chỉ chăm chăm làm một cách nhiệt tình, dùng hết sức lực để di chuyển dưa hấu đến nơi chúng cần đến thì cũng tốt thôi nhưng liệu hiệu quả có cao?
Cần phải làm rõ hai điều thế này. Tôi không phản đối việc các bạn trẻ làm tình nguyện. Khi nhìn thấy đồng bào miền trung gặp khó khăn, họ sẵn sàng xắn tay áo lên chung tay giúp đỡ, đó là điều đáng khen ngợi.
Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ về chương trình tình nguyện bán dưa giúp đồng bào Quảng Nam
Nhưng không thể vì thế mà chúng ta cho rằng đó là một điều tuyệt vời, các tình nguyện viên là những “hiệp sĩ”. Làm tình nguyện cũng cần phải có kỹ năng. Phải làm sao để giúp đỡ người khác một cách hiệu quả mà mình không bị mệt mỏi…
Ví như bây giờ bạn muốn qua châu Phi làm tình nguyện, trước hết bạn phải học được cách sinh tồn ở vùng đất khắc nghiệt đó. Hoạt động tình nguyện chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi bạn được trang bị kỹ năng cơ bản về công việc cần làm. Còn nếu chỉ lao vào làm một cách nhiệt tình, hăm hở thì bạn chỉ làm để thỏa mãn cái tôi của bạn thôi.
Trên trang Facebook cá nhân, anh có chia sẻ rằng, việc truyền thông kêu gọi bán dưa giúp đồng bào Quảng Nam chỉ là giải pháp tình thế? Tại sao vậy?
Rõ ràng đó chỉ là giải pháp tức thời. Những người làm truyền thông về việc giúp đồng bào Quảng Nam cứu dưa đã làm rất tốt công việc của họ. Nhưng khi bắt tay vào khuân vác dưa thì lại có vấn đề. Bài toán về giải quyết dưa dồn ứ do thiên tai hay vì lý do gì đi chẳng nữa cũng cần được các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn giải quyết.
Vậy anh có đề xuất gì trong việc giải quyết căn cơ, triệt để vấn đề này?
Trước hết tôi xin nói rõ, tôi không phải là một chuyên gia kinh tế, nông nghiệp, chế tạo máy. Nhưng tôi muốn bày tỏ một vài suy nghĩ ngắn của tôi sau một buổi tham gia tình nguyện bê dưa.
Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả mọi người đều nhìn thấy “bê dưa” là cách nhanh nhất giúp đồng bào miền trung “giải cứu dưa”, nhưng có nên biến nó trở thành cách tốt đẹp, tuyệt vời nhất hay không? Các bạn bê dưa, cứ bê dưa nhưng đừng cho rằng đó là điều tuyệt vời chứ? Đằng sau nó là cả một bài toán khó cần lời giải.
Bây giờ tôi bê dưa, các nhà khoa học, chế tạo máy móc hoặc là các bạn sinh viên học về cơ khí thôi hãy bày cho tôi một cách nào đó để tôi bê dưa được dễ dàng.
"Những đơn vị có chuyên môn hãy lên tiếng theo chuyên môn của mình chứ đừng “hò nhau” cùng đi bê dưa", blogger Ngọc Long chia sẻ
Những người làm công tác thu mua, vận chuyển giúp tôi nghĩ ra cách gì đó để vận chuyển một cách nhanh nhất. Những người chuyên môn về bảo quản, chỉ cho tôi cách bảo quản dưa một cách hiệu quả nhất…
Nghĩa là những đơn vị có chuyên môn hãy lên tiếng theo chuyên môn của mình chứ đừng “hò nhau” cùng đi bê dưa. Bởi đơn giản họ làm những công việc đó tốt hơn bê dưa, xếp dỡ, vận chuyển dưa rất nhiều.
Một việc rất cần nữa cho các chuyên gia nông nghiệp là giúp bà con nông dân nhận biết rõ nhu cầu thị trường để nông sản sản xuất ra không bị dồn ứ, cung nhiều hơn cầu. Chừng nào nhu cầu thị trường chỉ là 100 tấn dưa mà bà con nông dân sản xuất ra 200 tấn thì còn nhiều người phải đi bê dưa.
Chúng ta đang bàn về vấn đề dưa hấu bị dồn ứ do thiên tai, lũ lụt thưa anh?
Không lũ lụt cũng vẫn thế thôi, năm ngoái vải được mùa nông dân vẫn khổ, vẫn có chương trình kêu gọi “giải cứu” vải đó. Mà kể cả có thiên tai, lũ lụt thì vẫn cần có dự phòng. Sau dưa hấu có thể sẽ lại hành, thanh long, chuối… liệu chúng ta có sẵn lòng “giải cứu” tất tần tật nông sản dồn ứ.
Từng là người làm rất nhiều chương trình tình nguyện, anh rút ra kinh nghiệm vì về truyền thông và tổ chức hoạt động tình nguyện?
Trước đây, tôi có làm một chương trình tình nguyện có tên là “Ngày hạnh phúc”, phát quà cho những người khó khăn, tôi nhận thấy các bạn tình nguyện viên rất hạnh phúc chứ không phải chỉ người nhận quà hạnh phúc. Cái lúc mà mình trao đi một món quà, người nhận họ bất ngờ, vui sướng đến mức bật khóc, khi ấy cảm xúc trong tình nguyện viên dâng trào.
Muốn được như vậy, chương trình tình nguyện cần phải có quy trình và kế hoạch cụ thể.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!