“Ăn mày sách” Nguyễn Quang Thạch: Chân còn đứng được thì còn đi
Khởi hành từ mùng 1 Tết, chọn cách đi bộ và dùng Facebook như một nhật ký điện tử hàng ngày, Nguyễn Quang Thạch - người vẫn thường được gọi với cái tên “ăn mày sách” hay “người vác tù và hàng tổng”, đã hoàn thành được gần 1/6 chặng đường đi bộ xuyên Việt tăng tốc cho Sách hóa nông thôn Việt Nam.
Ăn cơm bụi, đi bộ 20km mỗi ngày
Nguyễn Quang Thạch vừa đặt chân đến Vinh, tặng sách cho trường THPT chuyên Phan Bội Châu vào ngày 9.3 sau gần 300km đi bộ từ Hà Nội vào. Trước đó, ở điểm xuất phát là thủ đô Hà Nội, anh tặng sách cho tủ sách cô Nguyệt ở Thường Tín. Dừng ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa anh tặng sách cho một trường THPT. Khi trò chuyện, giao lưu cùng các cán bộ trẻ ở huyện Tĩnh Gia, anh tặng cho họ 100 bản sách. Dự kiến tuần sau, anh tặng sách cho trường chuyên Hà Tĩnh.
Mùng 1 Tết - ngày mà người người quây quần bên nhau thì Nguyễn Quang Thạch lại chọn là ngày bắt đầu hành trình đi bộ xuyên Việt tăng tốc hóa Sách nông thôn - chương trình kêu gọi ủng hộ sách cho nông thôn Việt Nam. Năm 2010, anh từng đi xuyên Việt để kêu gọi Sách hóa nông thôn, nhưng bằng cách khác - đi xe máy.
“Mình tạo ra hệ thống thư viện cho nông thôn thì phải tiên phong, thể hiện tinh thần cống hiến. Tết mọi người đi du xuân, mình làm công việc vì mục đích xã hội thì chắc chắn trong 90 triệu người Việt Nam sẽ có vài triệu người nghĩ và hành động cụ thể cho quê hương, làm tủ sách cho trường cũ, dòng họ… Hoặc nói đơn giản chỉ cần họ gặp đứa trẻ nào đó trên đường và tặng cho trẻ cuốn sách”, Nguyễn Quang Thạch bày tỏ.
Thạch chọn cách đi bộ là vì theo anh, nó dễ đem lại hiệu quả hơn: “Đi xe máy, xe đạp thì dễ, đi bộ mới khó. Đi bộ thì lâu hơn nhưng dễ thuyết phục và chạm vào được nhiều lòng người hơn”. Anh khẳng định, việc đi bộ không phải để thay đổi nhận thức của người đi đường hay người hai bên đường mà là để thay đổi nhận thức của toàn xã hội thông qua truyền thông.
Mỗi ngày Thạch đi được tối thiểu 20km, trừ những hôm mưa gió hoặc làm việc với truyền thông. Anh ăn cơm bụi dọc đường, ngủ nhà người quen hoặc vào nhà nghỉ. Anh kể, sau hôm bị ngộ độc thức ăn ở Tĩnh Gia và phải truyền thuốc, anh chỉ dám ăn cơm trắng với trứng, nghỉ mất một ngày.
Hành trình mười mấy ngày qua của Thạch tạm thời gián đoạn khi anh trở thành khách mời trong một chương trình của Đài TH Việt Nam. Anh bay ra Hà Nội, xong xuôi, anh trở về Vinh và tiếp tục hành trình.
Trang Facebook cá nhân của Nguyễn Quang Thạch vừa là nơi chia sẻ thông tin của Sách hóa nông thôn, vừa là nơi anh cập nhật hành trình đi bộ xuyên Việt. Hàng ngày, Thạch đều đặn đăng tải những hình ảnh về nơi anh đã đi qua hay những hình ảnh tặng sách cho các địa phương.
Bản tin ngày nào của anh cũng bắt đầu bằng lời kêu gọi: “Chia sẻ/share bản tin là hành động góp phần giúp hơn 10.000.000 trẻ em thôn có sách đọc ngang bằng trẻ em Hà Nội và các nước Tây Âu...”.
Nhiều cư dân mạng hoan nghênh hành động của Thạch đồng thời động viên anh và chương trình Sách hóa nông thôn bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Chân đứng được thì còn đi, còn cơ hội cống hiến thì phải làm
Bạn bè nói Nguyễn Quang Thạch gầy đi nhiều, anh tặc lưỡi "chắc tụt khoảng vài cân”. Đi đường cũng có mắc nhiều bệnh vặt nhưng anh quên nó đi, coi đó là chuyện bình thường vì “dân hoạt động xã hội đi suốt”.
Mắt trái của Thạch bị hỏng hoàn toàn từ năm 1996, anh còn bị thêm bệnh gai cột sống.
“Không biết mắt còn lại như thế nào nhưng còn cơ hội cống hiến cho đất nước, cho xã hội thì phải làm. Không bao giờ có chuyện từ bỏ trừ khi chân tôi không đứng được. Chân còn đứng được thì còn đi” - Nguyễn Quang Thạch nói đó là vì mục tiêu hàng triệu trẻ em Việt Nam có sách đọc.
Nguyễn Quanh Thạch ví hành trình Sách hóa nông thôn của anh ở Việt Nam chỉ là một hành trình nhỏ trong hành trình lớn hơn - muốn hàng trăm triệu đứa trẻ trên thế giới có sách đọc, song, muốn đến với hành trình lớn thì phải hoàn thành hành trình nhỏ trước.
Với Sách hóa nông thôn, 3.500 tủ sách đã thực hiện được gồm nhiều tủ sách dòng họ, phụ huynh, tủ sách giáo xứ... tạo cơ hội đọc sách cho hơn 100.000 học sinh nông thôn, nhân rộng mô hình ở 27 tỉnh, thành khác nhau với 200.000 bản sách. Tối thiểu 50% số tủ sách hoạt động tốt.
Anh chia sẻ, những tủ sách của Sách hóa nông thôn đều nói không với sách “rác”, sách cổ vũ bạo lực hoặc thiếu lành mạnh.
Sau 8 năm, con số trên chỉ được 1% mong muốn của Nguyễn Quang Thạch nhưng nó đã đạt được 70% về mặt hiệu ứng xã hội. Anh kỳ vọng việc đi xuyên Việt để kêu gọi mọi người sẵn sàng hành động và nếu như thành công thì sẽ có rất nhiều người đưa sách về nông thôn.
Đến nay đã được 1/6 chặng đường gần 2.000 đi bộ xuyên Việt và đã tặng 1.500 bản sách cho người du xuân ở Hà Nội, dọc QL 1A và các trường học, Nguyễn Quang Thạch vẫn kiên trì với hành trình của mình mặc dù lưng rất đau. Nhờ Facebook, bắt đầu đến đất Nghệ An, nhiều bạn trẻ đã gọi điện mong muốn đồng hành cùng anh cũng như học hỏi kinh nghiệm làm tủ sách.
“Cha mẹ tôi lo con vất vả nhưng khi nói rõ là mình đi bộ xuyên Việt để hơn 10 triệu đứa trẻ có sách đọc là việc làm có ích, là niềm hạnh phúc thì cha mẹ tôi ủng hộ. Cha còn thường xuyên điện hỏi đi đến đâu rồi đi như thế nào”, Nguyễn Quang Thạch cho biết.
Thạch nói tuần sau anh sẽ viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và mời họ về Thái Bình tham khảo tủ sách anh đã làm để được nhân rộng ra toàn quốc.
Việc nhà nước đã quan tâm thúc đẩy văn hóa đọc, cụ thể như có ngày hội đọc sách và hơn 100.000 cha mẹ học sinh ở tỉnh Thái Bình, Nam Định... là những đầu ra quan trọng về mặt nhận thức trong hoạch định vĩ mô và nhận thức xã hội, giúp anh có thêm niềm tin vào việc mà anh đang làm - Sách hóa nông thôn.