"Xin tòa đừng tử hình bị cáo!"

Đó là lời khẩn cầu của mẹ những nạn nhân trong các vụ án giết người. Họ đã cố nén nỗi đau mất con và sự hận thù để mở lượng hải hà chìa bàn tay mong cứu sống kẻ đã xuống tay sát hại con mình…

Giờ nghị án, bà LTM, mẹ nạn nhân trong vụ án giết người do Nguyễn Quốc Vũ thực hiện (TAND TP.HCM mới xử sơ thẩm gần đây) hỏi tôi: “Lúc nãy tôi trình bày với tòa thế có được không? Tôi nói vậy thì nó (bị cáo - PV) có được giảm án không? Thằng nhỏ mà lãnh án nặng là tôi buồn lắm…”. Bà M. nói không biết khi Vũ đi tù, mẹ và vợ con của bị cáo sẽ ra sao…

Chuyện không đâu thành án mạng

Lúc sau, người nhà Vũ đến bên rối rít cảm ơn bà vì đã không yêu cầu bồi thường lại còn xin tòa cho Vũ được giảm án. Bà xua tay: “Có gì đâu, tôi xem thằng Vũ như con của mình mà. Lúc nãy tôi định nói nhiều hơn nữa để nó được xét giảm án nhưng run quá, tôi chẳng nói được nhiều”.

Theo hồ sơ, Vũ và anh PHT là bạn bè, hàng xóm của nhau. Vì có mâu thuẫn trước đó nên ngày 11-10-2013, T. thách Vũ đánh nhau. Vũ nhận lời thách đấu này. Nhưng cuộc ẩu đả sau đó đã được can ngăn, ai về nhà đó. Ba ngày sau, Vũ cầm dao đến nhà anh T. gây sự. Dù đã được mọi người can ngăn nhưng Vũ vẫn dùng dao đâm T. tử vong. Sau đó Vũ bỏ trốn rồi tham gia vào đường dây trộm cắp tài sản ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) rồi bị bắt…

Tại tòa, nghe những lời khai của Vũ về hành vi giết con trai mình, bà M. không cầm được nước mắt. Bà nói: “Khi mới xảy ra chuyện tôi căm giận lắm. Chỉ vì chuyện không đâu mà thằng Vũ nỡ xuống tay tước đi mạng sống của con tôi khiến hai đứa cháu tôi phải mồ côi cha khi còn quá nhỏ”.

"Xin tòa đừng tử hình bị cáo!" - 1

“Chỉ cần tuyên bị cáo 20 năm thôi…”

Bà M. kể trước đây nhà bà và nhà Vũ là hàng xóm sớm tối tắt đèn có nhau. Cả hai gia đình từ quê dắt díu nhau lên Sài Gòn làm nghề bán trứng vịt lộn, nhà nào cũng vất vả. “Hồi đó nhà tôi và nhà thằng Vũ sống với nhau vui lắm. Mỗi khi nhà này có chuyện vui buồn là nhà kia đều biết, cùng động viên nhau sống tốt hơn. Sau đó, cuộc sống gia đình tôi có dễ thở hơn, còn nhà Vũ do đông anh em, ba Vũ lại thường xuyên bị bệnh nên gánh nặng gia đình cứ đè lên vai mẹ của Vũ. Khi ba nó qua đời, anh em nó còn nhỏ nhưng đứa nào cũng biết phụ mẹ kiếm tiền. Nhìn mấy anh em nó vất vả, không được đến trường, gia đình tôi thương lắm…”.

Bà M. tâm sự bà phải trải qua thời gian khủng khiếp thế nào khi mất con. Hễ nghĩ đến cảnh thằng Vũ cầm dao xông vào nhà đâm chết con mình là bà muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thủ ác. Nhưng rồi qua thời gian, dù nỗi đau mất con vẫn còn nguyên vẹn nhưng lòng thù hận trong bà bắt đầu vơi đi. “Nghĩ đến tình cảm hai gia đình, nghĩ đến mẹ thằng Vũ cũng sẽ đau nỗi đau mất con như tôi nếu chẳng may tòa tuyên nó tử hình là tôi lại trào nước mắt. Chính vì vậy, tôi đã khuyên con dâu mình gạt đi nỗi đau để cùng mình xin giảm án cho Vũ” - bà M. nói.

Đến tòa hôm đó, bà M. muốn nói thật nhiều, trình bày thật nhiều hoàn cảnh của gia đình Vũ để được tòa suy xét. Nhưng mỗi lần tòa gọi bà lại run nên chỉ lặp đi lặp lại câu: “Xin tòa hãy giảm án cho nó! Tòa chỉ cần tuyên nó 20 năm thôi, đừng tử hình hay chung thân, tội nó!”.

Lời thỉnh cầu của bà M. được VKS đồng cảm. Viện đề nghị tòa xử bị cáo 20 năm tù. Tuy nhiên, tòa cho rằng bị cáo từng bị tuyên phạt tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy mà không lấy đó làm bài học, lại liên tiếp gây án. Trường hợp này là tội chồng tội nên phải xử nghiêm để răn đe. Vì thế, tòa phạt bị cáo tù chung thân về tội giết người.

Phiên tòa kết thúc, bà M. động viên Vũ hãy cải tạo tốt, trong trại hãy nghĩ đến bên ngoài ai cũng lo cho mình. Rồi bà đến bên người nhà Vũ nói: “Tôi phải làm sao nữa thì nó mới được giảm án đây? Về nhà, mấy đứa đừng cho mẹ biết là tòa tuyên nó tù chung thân. Bà ấy đang bị cao huyết áp, biết tin này không biết sẽ ra sao…”.

“Xin tòa cho bị cáo con đường sống”

Một bà mẹ khác tôi gặp ở tòa. Ngồi trong phòng xử, bà cứ nắm chặt tay mẹ bị cáo động viên rồi lặng lẽ ngồi chắp tay cầu nguyện cho Nguyễn Anh Tuyến được giảm án tử hình về tội giết người.

Lúc đầu, biết tin con gái mình yêu Tuyến, bà ra sức ngăn cản bởi theo bà Tuyến là “đứa chẳng ra gì”. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng của nó, bà không thể nào ngăn cản được con gái. Con gái bà luôn ra sức bảo vệ bạn trai, nguyện sống suốt đời với Tuyến. Thế rồi hôm đó, bị cáo Tuyến đọc được tin nhắn tình cảm mà người khác gửi đến cho con gái bà, Tuyến đã xuống tay giết người yêu rồi lấy tài sản bỏ trốn…

Đứng trước tòa, bà cứ tha thiết xin tòa giảm án cho Tuyến. Vị chủ tọa hỏi: “Có phải vì gia đình bị cáo đã bồi thường tiền cho bà nên bà mới kháng cáo xin giảm án?”. Bà nói như khóc: “Không đâu! Nó giết con tôi, tôi hận và căm thù lắm, không bạc tiền nào có thể làm con tôi sống lại. Sau khi xảy ra chuyện, ba mẹ nó cứ qua nhà tôi xin lỗi nhưng vẫn không làm tôi lay chuyển. Rồi ba mẹ nó ngày nào cũng qua phụ chăm sóc chồng tôi đang bị bệnh, lòng tôi vẫn lạnh như tờ. Nhưng khi họ quỳ xuống để nói lời xin lỗi thì tôi không thể lạnh lùng, cầm lòng được nữa…”.

Đưa tay lau nước mắt, bà nói tiếp: “Mất đi một đứa con cha mẹ nào mà chẳng đau buồn. Nhưng tôi tha thiết xin tòa hãy cho bị cáo một con đường sống…”.

Nói xong, bà lại ngồi xuống chắp tay như thể đang nguyện cầu điều may mắn sẽ đến với bị cáo.

Thế nhưng lời thỉnh cầu của bà đã không thể thuyết phục được tòa. Tòa cho rằng hành vi giết người của bị cáo quá dã man, tàn bạo và mất hết nhân tính.

Nghe tòa tuyên tử hình bị cáo, bà đã ôm mẹ bị cáo mà khóc. “Ba mẹ nó bây giờ buồn và tiều tụy đi nhiều lắm. Mỗi lần nhìn họ tôi cứ thấy như mình có lỗi. Giá như tôi đừng lạnh lùng... Giá như tôi có thể làm nhiều điều hơn nữa để thằng Tuyến thoát án tử…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Thân (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN