Vụ bắn vợ ở quán lẩu dê: Hung thủ được bảo lãnh
Liên quan đến việc Nguyễn Văn Hùng (SN 1965) nổ súng tại quán lẩu dê trên địa bàn quận 10, TP HCM vào tối 20-2 gây thương tích cho bà N.T.L.H (SN 1965, chị vợ Hùng) mà Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 22-2, Công an quận 10 cho biết hung thủ đã được gia đình bảo lãnh về nhà.
Theo Công an quận 10, nguyên nhân Hùng được cho bảo lãnh là do trước đó, đối tượng này chưa có hành vi vi phạm về sử dụng vũ khí là công cụ hỗ trợ, đồng thời cơ quan chức năng đang trưng cầu giám định pháp y tỉ lệ thương tật của bà H.
Nếu đủ cơ sở xử lý tội danh “Cố ý gây thương tích” theo luật định thì sẽ khởi tố vụ án. Điều tra ban đầu cho thấy do mâu thuẫn với bà H. trong một thời gian dài nhưng không giải quyết được nên Hùng đã gây ra vụ việc trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo quy định tại khoản 9 điều 3 Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì súng bắn đạn cao su thuộc danh mục công cụ hỗ trợ. Người sử dụng công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng. Nghiêm cấm lạm dụng để xâm phạm sức khỏe, tính mạng…”.
“Trong vụ việc trên, phải xác định Hùng có được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ hay không, nếu được thì hành vi của đối tượng này là lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ. Trong trường hợp không được quyền sử dụng công cụ hỗ trợ thì hành vi của Hùng là tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp luật. Còn để xác định được hành vi cố ý gây thương tích, CQĐT phải căn cứ vào động cơ, mục đích của Hùng, tỉ lệ thương tật và yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại làm cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can” - luật sư Trạch nói.
Về việc dư luận cho rằng dùng súng bắn người khác gây thương tích là hành động nguy hiểm nhưng công an cho bảo lãnh về nhà là không thỏa đáng, luật sư Trạch phân tích: “Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án thì người có thẩm quyền có quyền ra lệnh tạm giữ, tạm giam hay cho bảo lãnh phải tuân theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhân thân của người thực hiện hành vi nguy hiểm và người bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật hay không để từ đó tạm giữ, tạm giam hay cho phép bị can tại ngoại. Trong trường hợp bị can được bảo lãnh thì người có thẩm quyền thông thường sẽ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can để bảo đảm việc điều tra”.
Theo luật sư Trạch, căn cứ vào quy định của pháp luật thì Công an quận 10 có thể cho phép Hùng được tại ngoại khi có đủ điều kiện để bảo lãnh