Vì sao Điểm trở thành "sát nhân giết người hàng loạt"?
Trong quá trình dự phiên tòa xét xử Trần Văn Điểm (28 tuổi) - bị cáo bị truy tố về tội giết người, cướp tài sản liên tỉnh, tôi cứ mãi suy nghĩ, lăn tăn. Kẻ mà gọi đúng tên như trong các bộ phim hình sự Mỹ là “sát nhân giết người hàng loạt” cũng rất đúng.
Hành vi, tội ác man rợ của Điểm đã gây ra cho bốn gia đình ở các tỉnh khi tước đi mạng sống của bốn người là điều không ai có thể dung thứ. Mức án tử hình tòa tuyên phạt Điểm là hoàn toàn tương xứng với hành vi mất hết tính người của bị cáo. Tuy nhiên, mức án này có vẻ đã không gây tác động chút nào đến lương tri của bị cáo này.
Tại tòa, Điểm đã khiến những người dự khán choáng váng khi lạnh lùng khi tuyên bố “Nếu không bị bắt sớm tôi sẽ còn giết nhiều người nữa”.
Trước tòa, Điểm bất hợp tác, tỏ thái độ bất cần, không trả lời các câu hỏi tòa đặt ra khi luôn nói “đã quên hết, không khai, tòa thích cho bao nhiêu năm nhận bấy nhiêu”.
Điểm khai, mình bị ảnh hưởng bởi ma túy, game nên “nhập vai” làm anh hùng cứu nhân độ thế và giết người. Nói lời nói sau cùng, Điểm không nói. Bồi thường cho bị hại, Điểm không đồng ý. Nghe tuyên án tử hình, Điểm lạnh tanh. Vì sao con người Điểm lại trở nên tàn ác, lạnh lùng như vậy?
Bị cáo Trần Văn Điểm
Tôi là phóng viên có mặt sớm nhất để tác nghiệp khi Điểm được đưa về Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH (PC45) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sáng sớm 21-12-2014. Nói chuyện ít phút ngắn ngủi trước khi Điểm được chuyển đi trại tạm giam và sau này qua trò chuyện cùng điều tra viên vụ án, tôi may mắn cũng biết ít nhiều về gia cảnh cũng như tâm tư của Điểm.
Điểm kể nhà Điểm nghèo nhất xóm, mưa là mang chậu ra hứng nước. Năm 17 tuổi Điểm nhảy xe vào Sài Gòn, bắt đầu bôn ba làm đủ nghề kiếm sống.
Lúc bán băng đĩa, trái cây, dắt mối “khách” kiếm tiền. Điểm cũng tụ tập bạn bè, dùng ma túy. Nhưng Điểm nói: “Em thề không làm gì để dính vào pháp luật, biết điểm dừng, chơi không để nghiện”. Ngay khi bị bắt, Điểm đã bình thản khai từng chi tiết gây án.
Nhưng khi được nhắc về gia đình và cha mẹ, Điểm trùng giọng. “Trong nhà, em và mẹ thương nhau nhất. Đi làm dành dụm được, hai ngày em gọi về nói chuyện với mẹ cả tiếng. Mẹ hỏi em ăn uống, sức khỏe sao em đều nói bình thường để mẹ yên tâm. Bây giờ em thấy tiếc cuộc đời… Em thừa nhận hết nhưng trừ vụ giết Phước. Sau khi gây án em về nhà, em có trốn đâu, em đọc báo mạng. Báo chí viết rất sai về em ở vụ này. Em giành cơm hồi nào? Nó hay nói em là đồ Bắc kỳ, qua đánh em trước nhưng báo viết em đi giành hộp cơm, không được thì đâm chết. Và từ vụ này khiến em trượt dài, không sợ chuyện giết người nữa. Cần tiền là giết để có tiền” - Điểm nói.
Điểm bất cần trước tòa
Quả thực thời điểm từ sau 10-8-2014 (ngày Điểm đâm chết anh Trần Minh Phước, người phát cơm từ thiện tại quận 6, TP.HCM), hầu hết các báo đều viết thông tin về Điểm như một kẻ giết người máu lạnh, vô ơn. Người ta đã phát cơm từ thiện cho mình mà Điểm còn giành cơm, ra tay tàn độc. Phía dưới mỗi bài báo là rất nhiều bình luận của bạn đọc lên án, phê phán gay gắt thậm chí mắng chửi Điểm.
Nội dung vụ án này đã được cơ quan điều tra và tại phiên tòa kết luận, anh Phước thường dọa đánh, nói mỉa Điểm. Do vậy Điểm đã mua dao giấu trong người. Ngày xảy ra vụ án, anh Phước qua đánh Điểm trước. Điểm bỏ chạy, anh Phước đuổi theo túm được áo của Điểm để tiếp tục đánh. Điểm rút dao mang sẵn ở trong người ra đâm anh Phước.
Bạn tôi là luật sư được chỉ định bào chữa cho Điểm. Bên lề phiên tòa, bạn cũng tâm sự: “Một bài báo không chính xác có thể đẩy con người ta đến bước đường cùng. Điểm ban đầu không phải người xấu mà bị anh Phước đe dọa, đánh sinh ra ức chế. Thêm nữa báo chí viết Điểm như một kẻ sát nhân, vô ơn, dồn Điểm vào chân tường, thành ra tâm lý biến đổi hoàn toàn, bất cần, giết người không sợ nữa…”.
Hay lần nói chuyện với điều tra viên vụ án, anh cũng từng chia sẻ với tôi về điều này. Tất cả đều không đổ lỗi rằng nguyên nhân Điểm gây án liên tục, dã man và lạnh lùng như vậy là do các bài báo viết sai. Nhưng để thấy rằng một thông tin trên báo có thể tác động lớn đến thế nào nhất là khi đối tượng bị phản ánh đang ở trong hoàn cảnh, diễn biến tâm lý không bình thường.
Luật sư làm công tác tư tưởng động viên Điểm hợp tác với tòa
Phiên tòa không có một người thân nào của Điểm đến dự. Bạn tôi nói nhà Điểm nghèo quá, chẳng lấy ra tiền đâu mà vào. Lúc ngồi chờ đến giờ xét xử buổi chiều, tôi hỏi Điểm: “Em còn nhớ chị không?” - Điểm cười: “Nhớ chứ sao không nhớ”.
Tòa tuyên án tử hình Điểm xong, Điểm được công an áp giải ngay ra xe thùng. Khi đi ngang, tôi cười và động viên Điểm: “Em ở trong đó giữ gìn sức khỏe” - Điểm quay lại nhìn, nói kiểu sốc: Một mạng người đổi bốn mạng người, bình thường mà… Rồi xe lăn bánh.
Tôi tin với ĐTV, KSV, chủ tọa và luật sư, bên cạnh trách nhiệm công việc, ít nhiều đều có những suy nghĩ riêng như tôi khi lý giải việc vì sao Điểm lại trở nên như thế. Dù lý do gì, không thể biện minh cho tội ác Điểm đã gây ra. Với gia đình bị hại và chính bản thân Điểm đều là chuỗi bi kịch. Không ai mong muốn trong lịch sử tố tụng sẽ gặp lại một bị cáo với tội ác tày trời như vậy nữa.