Tuyệt chiêu của hai quý bà khiến nhiều người lao đao
Hai quý bà đã sử dụng những tuyệt chiêu để đi vay 1,8 tỉ đồng khiến nhiều chủ nợ lao đao.
Ngày 10-10, TAND TP HCM đã xét xử vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" do Trần Nguyễn Như Thùy (SN 1969, ngụ quận 5), Trần Ngọc Thủy (SN 1969, ngụ quận 3), Lê Văn Ngọc (SN 1977, quê Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Phúc (SN 1973, quê Đồng Nai) gây ra.
Theo án sơ thẩm, tháng 8-2017, Thùy và Thủy liên hệ với Ngọc làm giả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSĐ) và quyền sở hữu nhà ở (QSHNO) gắn liền với đất mang tên Thùy và Thủy với giá 3 triệu đồng. Hôm sau, Ngọc kêu Phúc đi giao các giấy tờ giả này cho Thùy.
Hai bị cáo Thùy và Thủy sau phiên tòa
Sau đó, Thùy cầm những giấy tờ nhà này đi vay anh Nguyễn Văn Tâm 200 triệu đồng còn Thủy vay 50 triệu đồng. Anh Tâm lấy giấy tờ nhà, giao cho Thùy 166 triệu đồng và Thủy 40,5 triệu đồng (do phải trừ tiền lãi, phí dịch vụ và tiền công cho người môi giới). Khi cả hai quý bà đang nhận tiền thì bị Công an quận 5 bắt quả tang.
Tại cơ quan điều tra, Thùy còn khai nhận đã nhiều lần nhờ Ngọc và Phúc làm giả giấy tờ nhà, đất để đi vay của nhiều người khác gần 1,6 tỉ đồng. Tổng cộng, công an xác định Trần Nguyễn Như Thùy đã làm giả giấy tờ giả vay gần 1,8 tỉ đồng còn Trần Ngọc Thủy lần đầu làm giả giấy tờ vay 50 triệu đồng thì bị bắt.
Xử sơ thẩm, TAND quận 5 tuyên phạt Thùy 3 năm tù, Thủy 10 tháng tù. Hai bị cáo Phúc và Ngọc cùng lãnh mức án 2 năm tù.
Sau khi bản án được tuyên, VSKND TP HCM đã kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị phúc thẩm xử lại do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, tòa nhận định bị cáo Thùy thuê làm giả 12 giấy tờ nhà cùng một địa chỉ ở quận 5, TP HCM. Trong đó, 4 giấy tờ giả mang tên Thủy và 8 giấy tờ giả mang tên vợ chồng Thùy để vay tiền.
Cấp phúc thẩm nhận định, nhiều tình tiết chưa được làm rõ như cả hai bị cáo Thủy và Thùy đã có ý định làm giả giấy tờ giả để được tin tưởng, cho vay tiền.
Riêng bị cáo Thùy còn thể hiện quyết tâm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn làm giả thêm các giấy tờ khác để cho người cho vay hoàn toàn tin tưởng khi đối chứng, kiểm tra. Việc cấp sơ thẩm tách hành vi lừa đảo để điều tra, xét xử sau là không đảm bảo tính liên quan, khách quan và không thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, sau khi lừa đảo được tiền thì Thủy và Thùy cho Ngọc từ 1 đến 5 triệu đồng. Như vậy, việc Ngọc có biết hành vi làm giả giấy tờ của Thùy và Thủy nhưng có cùng bàn bạc, chiếm đoạt tiền hay không cũng chưa làm rõ.
Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm sử tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" nhưng lại giải quyết phần dân sự là không đúng. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử cấp thành phố nên việc tòa án quận 5 xét xử sơ thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng.
Từ đó, tòa chấp nhận kháng nghị của VKSND TP HCM, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận 5, giao vụ án cho VKSND TP HCM để chuyển điều tra, truy tố và xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phan Huy Diễn (sinh năm 1978, nguyên đại úy Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) bị kết tội lừa đảo và phải nhận 14 năm...