Trở thành kẻ sát nhân vì niềm tin mông muội
Do nghi ngờ bà Giàng Thị S là "ma chài" khiến con mình bị ốm nặng, Thào A Páo đã thuê Thào A Hồ, người cùng bản, với giá 3 triệu đồng để giết bà S. Được biết, phạm nhân Thào A Hồ là kẻ mù chữ, nghiện ngập...
Cái chết oan nghiệt
Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp kẻ giết người vì tin có “ma chài”. Đi sâu tìm hiểu nhân thân loại tội phạm này, tôi không khỏi rùng mình, lạnh gáy vì những án mạng mà họ đã gây ra cho những người cùng bản của họ. Đặc biệt những người bị nghi là “ma chài” thường là phụ nữ. Những kẻ ác thủ đó đều là những kẻ giết người man rợ, do đầu óc u mê, dân trí thấp, không học hành (mù chữ) nghiện ngập.
Theo phong tục của người Mông, câu chuyện con ma chài vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến nếp sống, nếp nghĩ của bà con người Mông. Lý do hết sức đơn thuần, nếu con cái trong gia đình không may bị ốm là họ nghĩ ngay đến việc gia đình mình có mâu thuẫn gì đó với ai, bị người ấy trả thù.
Chỉ trong thời gian ngắn tại huyện Mường Né, tỉnh Điện Biên đã liên tiếp xảy ra các vụ giết người dã man, mà nguyên nhân gây nên những cái chết thương tâm ấy là chuyện ma chài. Khi trong nhà có người đau ốm, người nhà không mang đi viện chạy chữa thuốc men, mà thuê thầy về cúng ma chài (đuổi tà ma). Chính sự mù quáng, lạc hậu đã gây ra những vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Người thì chết một cách oan ức, kẻ rơi vào vòng lao lý.
Mới đây tôi vừa tiếp xúc với phạm nhân Lâu A Sở, trong trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Do ghi ngờ bà Vàng Thị S, người cùng bản làm ma chài (nhập vào người ốm) dẫn đến con mình bị chết. Vì quá thương con nên Sở đã có hành động dã man, mù quáng, dùng dao chém nhiều nhát khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Khi tiếp xúc với Sở, Sở khóc nhiều và tỏ ra rất ân hận, trình bày rất trung thực. Điều mong ước của Sở là được về thăm con, ôm con vào lòng.
Lý giải cách nhận biết người nào là “ma chài” mỗi người mỗi khác. Lâu A Sở cho biết: “Cho ba quả trứng gà vào một cái bát tô to và 3 đôi đũa. Sau đó cúng và đọc tên những người mình nghi là “ma chài”, nếu 3 đôi đũa dựng lên thì người đó chính là con ma. Nhưng Thào A Hồ lại có lý giải hoàn toàn khác, trong buổi tiếp xúc với phóng viên Hồ cho biết: “Người Mông thử bằng cách để quả trứng gà lên ngưỡng cửa, trên cái chai hoặc để trên sống dao sau đó gọi tên người cần thử, tên người nào khi được gọi lên quả trứng rơi thì người đó không phải là ma chài, người nào khi gọi tên, quả trứng vẫn đứng im thì người đó chính là “ma chài”. Những lý giải của Hồ và Sở cho thấy trình độ dân trí thấp, mê tin dị đoan hiện vẫn đang tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số.
Trong trại giam vẫn không tỏ ra ân hận
Ngồi trước mặt tôi là một phạm nhân người quát queo, dáng người nhỏ bé, ánh mắt lấm lét nhìn trộm tôi rồi lại nhìn xuống đó là Thào A Hồ (SN 1971, ở Điện Biên). Mới 41 tuổi, nhưng nhìn Hồ già hơn nhiều. Có lẽ đó là hậu quả của việc nghiện ma túy đã nhiều năm.
Đầu năm 2011, Thào A Páo, ở Điện Biên (người cùng bản với Thào A Hồ). Páo có con trai duy nhất bị ốm nặng, phải nằm liệt giường khiến Páo rất lo lắng nhưng Páo không đưa con đi trạm xá chữa bệnh mà thuê thầy về cúng, mãi vẫn không thấy con khỏi. Cho rằng con mình bị ma chài nên Páo đã thuê Thào A Hồ giết bà Giàng Thị S. Theo hồ sơ của cán bộ trại giam cung cấp Páo là kẻ chủ mưu đã đặt vấn đề nếu Hồ giết chết bà S thì Páo sẽ thưởng cho 3 triệu đồng. (Páo và Hồ đều tin là bà S là ma chài). Páo đưa trước cho Hồ là 1,5 triệu đồng. Khoảng 12h đêm ngày 31/1/2011, Hồ cầm súng kíp, loại súng tự chế (súng đi săn PV) đến nhà bà S. Thấy trong nhà bà S vẫn còn ánh đèn, Hồ tiến đến chĩa súng qua khe ván gỗ bắn thẳng vào đầu bà S, làm nạn nhân chết ngay tại chỗ. Giết bà S xong, Hồ đến nhà Páo lấy nốt 1,5 triệu đồng và bỏ trốn.
Sau 10 ngày Hồ ra tự thú. Hiện tại y đang thụ án tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội với mức án 16 năm, còn Páo phải lĩnh án chung thân. Tiếp xúc với tôi, Hồ không hề tỏ ra ăn năn hối cải, có lẽ vì hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của những kẻ như y, đầu óc u tối, không nhận thức được việc mình đã làm? Thậm chí y kể lại sự việc không trung thực.
Bằng giọng lơ lớ, rất khó nghe của y, ánh mắt luôn nhìn trộm cán bộ quản giáo, rồi lại nhìn tôi. Y kể lại: “Do bà Giàng Thị S nói là biết làm ma chài, đã làm 5 người trong bản bị chết. Thào A Páo là em trai của Thào A Hồ, có con gái 4 tuổi bị ốm, nghi bà S làm ma chài nên con của em trai bị chết, tức quá đi mượn khẩu súng kíp (tự chế) bắn chết bà S. Thực chất Thào A Hồ và Thào A Páo không phải là hai anh em. Việc Hồ nhận lời giết bà S, một phần Hồ tin có ma chài, một phần vì không có tiền đi hút thuốc phiện, nên khi được thuê với giá 3 triệu đồng, Hồ đã đồng ý ngay. Tôi hỏi tại sao lại nghi cho bà S là ma chài mà không nghi người khác? Y đan hai bàn tay vào nhau, đầu thì nghiêng bên nọ, ngả bên kia, miệng không hé nửa lời. Khi được hỏi vợ con Y, Hồ cho biết: “Các con đã lấy vợ, lấy chồng hết cả rồi, vợ con đều không đến thăm, vì đường xá quá xa.
Cán bộ trại giam Thanh Xuân cho biết: Hiện nay có rất nhiều phạm nhân, đặc biệt là dân tộc thiểu số không biết chữ. Những phạm nhân này đều được học chữ và học phổ cập tới lớp 5, nhằm nâng cao sự hiểu biết, nhận thức cho phạm nhân, góp phần giảm tệ nạn xã hội. Cũng theo cán bộ quản giáo, Thào A Hồ đang được đi học chữ, nhưng y tiếp thu rất chậm, mấy tháng chỉ biết viết tên của mình. Lạc hậu và dốt nát là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ án giết người dã man như trên..