Tiếng kêu cứu của nạn nhân buôn người (Kỳ 1)

Đối với những trinh sát của Phòng phòng chống tội phạm buôn người Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, họ chỉ mong nhận được những dòng tin lạ gửi nhầm địa chỉ, dẫu rằng hầu như những tin mang tín hiệu “S.O.S” này chỉ đến vào lúc nửa đêm.

Đó là tin nhắn của một cô gái mà mãi sau này gặp mặt, trung tá Đinh Văn Trình, Đội trưởng Đội 2 Phòng 6 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an không thể quên được vì quá ấn tượng. Không phải vì cô gái đẹp, cách nói chuyện cuốn hút mà theo anh Trình, chỉ đơn giản là cô khá thông minh. Giữa vòng vây của bọn buôn người mà cô vẫn tìm cách liên lạc được với lực lượng công an, xin “chỉ thị” để tự giải cứu mình và những phụ nữ cùng phòng hàng ngày bị các tú ông, tú bà dẫn đi bán dâm như một công cụ để kiếm tiền.

Lời cầu cứu khẩn thiết

Lính hình sự lúc nào cũng bận rộn là điều ai cũng hiểu nhưng mấy ai biết được cả khi có một giấc ngủ chập chờn, họ cũng không dám tắt điện thoại, nhất là với các trinh sát ở một đơn vị chống tội phạm buôn người như anh Trình. 6 năm làm ở Phòng 6, cùng đồng đội tham gia bóc gỡ hàng trăm đường dây buôn bán người phức tạp, nghiêm trọng, có tính chất liên tỉnh, xuyên quốc gia, với anh, việc giải cứu cô gái có dòng tin nhắn lúc nửa đêm kia là dấu ấn khó quên nhất. Trong vụ án này, dường như nắm được thông tin sẽ có cuộc truy quét của lực lượng chức năng nên các đối tượng luôn thay đổi địa chỉ giam nhốt gái và tìm cách tráo người để qua mặt lực lượng công an sở tại mỗi khi có công hàm từ phía Việt Nam nhờ giải cứu bị hại.

Cô gái ấy là Nguyễn Thị Hồng V., SN 1993, sinh viên một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh. Qua Internet, V. gia nhập một clan (phe cánh) khoảng 20 người có cùng sở thích trên mạng. Giữa tháng 10-2011, các thành viên của clan hẹn nhau gặp tại Hà Nội, V. trốn gia đình vượt hơn nghìn cây số ra hội ngộ. Họ rủ nhau làm một chuyến lên Đông Bắc ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Nào ngờ sau ngày ấy, V. và một cô bạn khác bị một số tên trong nhóm lừa đưa sang Trung Quốc bán. Được đưa đến một căn phòng trên tầng 5 ở một khu chung cư, V. bị bọn chủ chứa quản chặt và ép đi bán dâm cho khách, nếu không phục tùng sẽ bị đánh đập, bỏ đói. Bị hành hạ nơi đất khách, V. bắt đầu nghĩ cách thoát thân. Một lần, sau khi “vui vẻ” với khách, thấy vị này dùng điện thoại có kích hoạt vào mạng, V. xin được chat nhờ về gia đình và tranh thủ ngay giây phút hiếm hoi đó để lên mạng chat với một người bạn ở TPHCM. Sau khi kể tóm tắt hoàn cảnh của mình, cô nhờ bạn báo cho gia đình biết để giải cứu. Ngày 14-11-2011, mẹ của V. đã mang đơn đến Phòng 6, nơi chị biết đã nỗ lực giải cứu được nhiều nạn nhân bị bán ra nước ngoài...

Tiếp nhận đơn của người phụ nữ còn trẻ nhưng nét mặt sầu muộn, các chiến sĩ phòng chống tội phạm buôn người cảm thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề bởi bao hy vọng gia đình bị hại đặt cả vào các anh. Làm sao để giải cứu cô gái trẻ này là một việc không hề đơn giản bởi nạn nhân chỉ biết mình bị quản thúc trong một tầng hầm, chỉ được ra khỏi nhà khi đi bán dâm và lần nào cũng có bảo kê đi kèm, xong việc lại dẫn về. Cô gái không biết nơi mình ở thuộc địa bàn nào, xa hay gần biên giới...

Biết là khó khăn nhưng các trinh sát vẫn động viên mẹ của V., bảo chị bình tĩnh, giữ liên lạc với con đồng thời yêu cầu gia đình nếu liên lạc được thì hướng dẫn cô bé điện thoại cho cơ quan công an. Mặt khác, các anh phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao vào mạng cố gắng liên lạc với V. Thông điệp của các anh gửi đến nick mà V. liên lạc về là: “Các chú là Cảnh sát hình sự Bộ Công an Việt Nam. Cháu hãy liên lạc về số máy 091.666... gặp chú Trình”. Bẵng đi ba hôm không có hồi âm, ai cũng nóng ruột thì đến ngày thứ tư lúc nửa đêm, điện thoại của anh Trình báo tin nhắn. Linh tính có điều gì đó không bình thường, anh bật dậy và tỉnh ngủ hẳn khi biết đó là tin của V. từ một dãy số mà theo kinh nghiệm anh biết là thuê bao điện thoại bên Trung Quốc. “Chú ơi, cháu V. đây, chú sang cứu cháu với!”. V. cho biết mình đang bị đưa đi nên lợi dụng lúc khách ngủ đã lấy điện thoại nhắn tin cho Trình. Anh bảo V. bình tĩnh, cố gắng lấy lòng chủ để chúng mất cảnh giác và hướng dẫn cháu cách phối hợp với cơ quan công an trong việc giải cứu chính mình.

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Sau tin nhắn đêm hôm đó là những ngày dài chờ đợi, nôn nóng vì liên lạc gián đoạn. Mấy hôm sau thì điều anh Trình chờ đợi cũng đã tới. Lần này, V. có vẻ bình tĩnh hơn, song cô gái vẫn chưa xác định được nơi mình đang bị giam giữ. Để biết chính xác, Trình bảo cô bé mỗi khi bị đưa đi tiếp khách bên ngoài hãy cố gắng quan sát xem nơi đó nhà cửa thế nào, tìm một số điện thoại cố định của nhà nào gần nơi bị giam, ghi nhớ rồi chuyển về cho anh. Theo sự hướng dẫn của Trình, V. ngoan ngoãn hơn trước, sẵn sàng đồng ý ra ngoài tiếp khách. Mỗi lần như thế, cô bé lại nại ra nhiều lý do để mượn điện thoại di động của khách báo tin về cho Trình dù việc liên lạc không dễ dàng gì. Các tin nhắn này đều đến vào lúc nửa đêm và lần nào V. cũng cung cấp được thông tin có giá trị, cả biển số ôtô của chủ chứa.

Khi đã có đầy đủ thông tin do V. cung cấp, bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định được địa điểm V. đang bị giam giữ là trung tâm Sì Sần, Lình Coóng, Quảng Đông, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 600km. Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng 6, đã gửi công văn đến Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông, Công an TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đề nghị phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu nạn nhân. Một tổ công tác được cử đi Móng Cái để bàn biện pháp đồng thời anh trực tiếp gọi điện cho đồng chí Thông, sĩ quan liên lạc của Công an Đông Hưng - Trung Quốc để phối hợp nhưng may mắn đã không xảy ra.

Hai lần đầu, Công an Trung Quốc đến địa điểm nhà chứa mà V. thông báo nhưng cuộc giải cứu không thành bởi tìm khắp các phòng không thấy ai giống người trong ảnh. Phán đoán bọn chủ động đã tráo người, trung tá Trình lại thấy lo vì không biết có phải do thông tin rò rỉ hay vì V. đã làm gì đó sơ hở khiến chúng phát hiện, cảnh giác. Lo sợ cho tính mạng của cô gái đang bị đe dọa, đêm đêm trung tá Trình lại trằn trọc bên chiếc điện thoại chờ tin nhắn.

Nửa tháng trời bặt tin và trong lúc ai cũng bồn chồn lo lắng thì một đêm V. lại nhắn tin về. Sau khi nghe V. thông báo bị chủ chứa đưa vào nội thành tiếp khách mấy ngày, anh Trình đoán ngay cô bé chưa bị phát hiện. Hỏi V. xem có đồ trang sức nào không, cô bé bảo chỉ có chiếc nhẫn đeo tay, không trang trí hoa văn gì cả. Anh Trình bảo V. tìm cách để có được một sợi dây chuyền bằng bạc đeo cổ, trên đó phải có hình trái tim và lúc nào cũng phải để bên ngoài cổ áo để khi lực lượng chức năng tiến hành giải cứu, đó là dấu hiệu để nhận diện.

Theo sự hướng dẫn của Trình, với lý do sắp tới ngày sinh nhật, muốn có một vật làm kỷ niệm, V. đã khôn khéo xin chủ chứa mua cho mình sợi dây bạc có hình trái tim và kể từ đó nó trở thành vật bất ly thân, lúc nào cũng được V. đeo ra ngoài cổ áo như để làm đẹp. Sau khi có được sợi dây bạc theo đúng ý Trình, V. đã thông tin về cho người lính hình sự này và anh cũng điện báo ngay cho đồng nghiệp nước bạn. Cuộc giải cứu lần 3 được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 8-12-2011 và với các thông tin do Công an Việt Nam cung cấp, Công an Trung Quốc đã giải cứu thành công V. cùng ba cô gái Việt Nam khác.

Đại tá Phạm Văn Sỹ cho biết, từ đầu đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán đến ngày 28-12-2011, cùng với V., Phòng 6 đã phối hợp giải cứu được tám nạn nhân khác bị bán sang Trung Quốc trở về Việt Nam an toàn. Từ lời khai của các nạn nhân này, gần chục đối tượng có hành vi phạm tội đã bị bắt giữ.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HÀ MY ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN