Thiên đường đắng...

Không phải xuất khẩu lao động luôn là thiên đường thỏa mãn những mong muốn chính đáng của người lao động.

Hai con chuẩn bị vào phổ thông trung học và đại học nên chi phí sinh hoạt cho gia đình tăng cao khiến chị Kim Khanh (SN 1975, ngụ Bạc Liêu) thêm phần lo lắng. Nếu chỉ trông cậy vào ba công lúa sẽ không đủ tiền nuôi các con ăn học nên chị Khanh cậy nhờ người thân quen giới thiệu việc làm, tạo thêm thu nhập. Đầu năm 2012, một người quen ở TPHCM cho biết có đường dây tuyển người sang Trung Quốc giúp việc nhà với mức lương cao, nếu chị Khanh có nhu cầu thì liên lạc tìm hiểu.

Trao đổi qua mạng, thấy công việc phù hợp với khả năng của mình, thu nhập lại hơn chục triệu đồng một tháng nên chị Khanh mừng lắm, gấp rút làm thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của bên môi giới để được xuất ngoại ngay. Lần đầu xa quê, chị bịn rịn, thương nhớ chồng con, nhưng tràn trề niềm tin với sự siêng năng, cần mẫn lao động của mình nơi xứ người sẽ giúp cả gia đình có cơ hội đổi đời...

Đặt chân xuống sân bay, chị Khanh tin tưởng quyết định ra đi của mình là sáng suốt. Thế nhưng, sau nhiều ngày chờ đợi, số tiền mang theo phòng thân đã tiêu xài gần hết mà chưa có việc làm khiến người đàn bà xa xứ phiền muộn không yên. Nhưng chị Khanh không dám báo tin cho người thân ở quê vì sợ mọi người lo lắng cho mình, chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi. Ít lâu sau, một người đàn ông nước sở tại đón chị về tư gia làm công. Chưa kịp mừng vui vì có công ăn việc làm, chị phát hoảng khi gặp phải gia chủ hung bạo. Không chỉ nặng lời xỉ vả, ông ta còn thường xuyên đánh đập chị tàn nhẫn. Vì tương lai các con và cũng muốn gỡ gạc lại số chi phí đã bỏ ra để xuất ngoại nên chị ráng nhịn nhục, cố gắng lao động, chiều theo ý gia chủ. Tuy nhiên cố gắng của chị không có kết quả, khi ông chủ vẫn thượng cẳng chân hạ cẳng tay bất chấp lý do. Sau năm tháng oằn mình chịu đòn, thấy không thể chịu đựng hơn, chị lén gọi điện thoại về Việt Nam tâm sự cho người chị gái biết rõ hoàn cảnh bi đát của mình. Thương em gặp bất hạnh nơi đất khách, chị Kim Lan khuyên nhủ nếu không thể ở được thì liên lạc với tổ chức đã đưa đi hợp tác lao động để họ có giải pháp giúp đỡ chuyển nơi làm mới hoặc đưa về nước. Chị Khanh cầu cứu, nhưng người môi giới phủi bỏ trách nhiệm.

Sau nhiều ngày theo dõi, biết người giúp việc có nhu cầu về nước, chủ nhà đòi tiền phạt 17 triệu đồng mới cho hồi hương. Muốn sớm thoát khỏi địa ngục trần gian nên chị Khanh báo tên người, địa chỉ nơi nhận tiền chuộc tại Việt Nam để người thân đến thương lượng. Theo địa chỉ em gái cung cấp, chị Kim Lan tìm đến một khách sạn ở TPHCM giao đủ số tiền cho người đàn ông Trung Quốc có tên là Y.Q. và nhận về tờ biên nhận tiền, cùng lời hứa sẽ sớm đưa chị Khanh hồi hương. Gia đình hồi hộp mong chờ từng ngày nhưng... Một tuần sau, chị Khanh điện thoại về cho chị gái, khóc lóc bảo chưa thể về nước vì ông chủ yêu cầu phải nộp thêm 17.000.000 đồng tiền chi phí tàu xe nữa. Nộp tiền rồi nhưng liệu em gái có được giải thoát hay chỉ tốn kém thêm mà người vẫn bặt tăm? Suy tính thiệt hơn, chị Kim Lan quyết định trình báo công an nhờ giúp đỡ.

Xuất ngoại bán sức lao động là nhu cầu chân chính của nhiều người nhưng phải hết sức thận trọng khi lựa chọn công ty môi giới kẻo lỡ bước sa chân nơi đất khách là tự làm khổ cả mình lẫn người thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Châu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN