Tham vọng mù quáng của tên trùm vũ khí sinh học (Kỳ 2)
Giáo phái Aum của Asahara vừa mở rộng hoạt động vừa chế tạo thuốc độc, vũ khí, mua máy bay trực thăng...
Chizuo mở lớp học Yoga và biến nó thành câu lạc bộ của những người ưa thích chuyện thần bí, tin vào thế giới siêu nhiên. Cho tới năm 1986, sau khi từ Ấn Độ về, Chizuo đổi tên thành Asahara, nghĩa là ánh sáng trong thung lũng cây dầu gai. Hắn tự nhận có thể nhìn thấy tương lai và thu nạp đệ tử và lập nên giáo phái Aum Shinrikyo (chân lý tối thượng) nhằm “cứu rỗi thế giới”. Lớp học Yoga cũng được đổi thành tên này làm nơi hoạt động cho giáo phái. Giáo phái này luôn nói về ngày Tận thế và làm thế nào để đạt được “chân lý tối thượng”.
Cho tới ngày nay, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn rằng tại sao một người điên, ảo tưởng như Asahara lại có thể quy tụ được nhiều đệ tử tới như vậy. Trong thập niên 90, giáo phái của Asahara đã phát triển chóng mặt, có hơn 10.000 tín đồ tại Nhật Bản và 30.000 tín đồ ở các quốc gia khác.
Về học thuyết, “giáo chủ” Asahara đã viết nên học thuyết cho giáo phái mình nhờ các chất liệu của đạo Phật, Ấn độ giáo và Công giáo. Người ta dễ dàng nhận thấy những điều quen thuộc, những lời dạy vô thưởng vô phạt ở giáo phái của Asahara.
Trở thành giáo chủ của hàng vạn người, Asahara càng ảo tưởng về nhiệm vụ “cứu rỗi” và mang lại “chân lý tối thượng” cho thế giới.
Năm 1990, Asahara và một số tín đồ của Aum đã khiến dư luận ngạc nhiên khi tham gia chạy đua vào Quốc hội nhưng đã thất bại thảm hại. Sau sự kiện này, anh ta bắt đầu nhồi nhét vào đầu những kẻ cuồng tín rằng, chỉ có những ai theo giáo phái Aum mới được sống sót trong ngày tận thế đang đến rất gần.
Cũng trong năm này, giáo phái Aum của Asahara vừa mở rộng hoạt động vừa chế tạo thuốc độc, vũ khí, mua máy bay trực thăng... Đặc biệt, cách tổ chức trong giáo phái giống như một bộ máy của chính phủ 22 “bộ” và “cơ quan” phụ trách tư pháp, phòng vệ, ngoại giao, thương mại...
Năm 1995, cảnh sát Nhật Bản dự kiến mở một cuộc đột kích bắt các thủ lãnh của giáo phái này. Theo điều tra của cảnh sát, giáo phái đã ráo riết chuẩn bị vũ khí hóa học và sinh học để chiến đấu với chính phủ. Tuy nhiên, cuộc đột kích chưa được thực hiện thì tháng 3 cùng năm, Asahara đã ra lệnh cho tín độ tấn công một tàu điện ngầm ở Tokyo bằng vũ khí hóa học. Vụ tấn công khủng bố đã làm 11 người chết, hơn 5.000 người bị ngộ độc, trong đó có nhiều người bị bệnh tật, tàn phá suốt đời.
Sáng 20/3/1995, 5 thành viên giáo phái Aum chia nhau lên các tàu điện ngầm ở Tokyo, mang theo nhiều túi nhựa chứa sarin, một chất cực độc có thể tấn công hệ thần kinh. Nhóm này âm thầm chọc thủng túi rồi bỏ đi, để lại hàng ngàn người quằn quại trong đau đớn. Nhiều người hoảng loạn khi thấy cảnh thi thể nằm la liệt, hành khách hoảng loạn tháo chạy trong khi cảnh sát đeo mặt nạ chống khí độc niêm phong các lối vào. Hơn 5.000 nạn nhân là con số quá lớn cho một vụ tấn công khủng bố.
Vụ việc khiến Shoko Asahara trở thành một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất trong lịch sử Nhật Bản. 2 tháng sau vụ khủng bố, Asahara và hàng loạt “quan chức” trong bộ máy giáo phái Aum bị bắt giữ. Phiên toà xét xử trùm giáo phái Aum đã phải kéo dài suốt gần 8 năm mới đưa ra được phán quyết cuối cùng nhờ lời tự thú bất ngờ của một thanh niên từng là tín đồ của giáo phái này. Tổng cộng sau đó có tới 188 người bị kết án, trong đó có 13 người bị tử hình.
Aum bị giải tán nhưng nhiều tín đồ vẫn tiếp tục hoạt động và chia thành 2 nhánh. Một nhánh tên Hikari no Wa tuyên bố không bị ảnh hưởng bởi Asahara. Nhánh còn lại được gọi là Aleph cũng không đề cập gì tới Aum hay Asahara trên website của mình. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang theo dõi sát sao 2 nhóm này.
"Giáo chủ" Asahara bị bắt và kết tội thế nào trong suốt 8 năm trời? Mời đón đọc Tham vọng mù quáng của tên trùm vũ khí sinh học (Kỳ cuối) vào SÁNG SỚM ngày 9/11/2014.