Sớm luật hóa "hối lộ tình dục"
Xung quanh phát biểu mới đây về việc “làm sao thu hồi tài sản đối với những người được hối lộ bằng tình dục”, ngày 17.3, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với GS - TS Lê Hồng Hạnh – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Khi bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng, chúng ta có đề cập đến việc luật hóa hành vi hối lộ tình dục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi khó phát hiện, kể cả từ bên cho lẫn bên nhận, thưa ông?
Vậy là do quy trình thực hiện có vấn đề không minh bạch, nếu đằng sau đó không phải là vấn đề tiền bạc, quan hệ thì có thể liên quan tới chuyện tình dục (?!).
Trong trường hợp này, cũng như đối với hành vi hối lộ bằng vật chất là phải chứng minh sự minh bạch, trong sạch của nguồn gốc tài sản, trước tiên anh phải chứng minh việc bổ nhiệm cán bộ là đúng quy trình, minh bạch và hợp lý. Tôi khẳng định, dù khó nhưng ta hoàn toàn có thể xác định được có hay không hành vi hối lộ tình dục. Việc này thế giới vẫn làm.
Tuy nhiên, khi đã phát hiện được hành vi hối lộ tình dục thì lại vấp phải khó khăn khác là khó xác định, quy đổi về mặt giá trị vật chất để tính toán mức độ thiệt hại?
Ví dụ, tôi chỉ ví dụ thôi nhé, có cô người mẫu nào đó “khoe” trên mạng rằng người nào muốn rủ cô đi qua đêm thì phải ít nhất là 20.000USD cô mới chịu đi. Nếu một vị quan chức nào nhận quà “hối lộ tình dục” của ai đó bằng cô gái này thì đương nhiên vị đó đã được hưởng gần một khoản tiền tương đương 20.000USD.
Nói thế để thấy giá trị vật chất của “hối lộ tình dục” nhiều khi không hề nhỏ và cũng không quá khó để xác định. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Hối lộ tình dục cũng là một loại hối lộ và nó có thể làm tê liệt bộ máy của chúng ta. Hậu quả nó gây ra chẳng kém gì hậu quả của việc hối lộ bằng tài sản.
Chính vì thế, đã đấu tranh phòng chống tham nhũng thì phải đấu tranh toàn diện ở mọi khía cạnh mà thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua rất thấp (năm 2013 được hơn 10%, năm 2014 được hơn 22%). Theo ông chúng ta cần giải pháp đột phá nào để công tác này đạt hiệu quả cao hơn?
- Tôi cho rằng nếu cứ ngồi chờ bản án, chờ quyết định hành chính thì không làm được bao nhiêu. Bây giờ cần phải làm một cách đột phá, tức là trong một vụ việc sai phạm liên quan đến tham nhũng, chưa cần biết Tòa án xử anh thế nào trong tương lai, cơ quan xử lý kỷ luật anh thế nào trong tương lai, nhưng khi xác định được tài sản của anh là không minh bạch và anh không giải trình được thì phải tạm thu hồi khối tài sản bất hợp pháp trên.
Điểm đột phá chính là ở chỗ chúng ta không chờ vào các bản án, các quyết định hành chính. Thủ tục của tòa án, thủ tục hành chính vốn phức tạp, đơn cử chỉ kỷ luật buộc thôi việc một người nào đó đã phải trải qua bao nhiêu cuộc họp. Vấn đề thu hồi tài sản bất minh, có từ tham nhũng mà cũng làm như vậy thì sẽ rất chậm, hiệu quả không cao.
Xin cảm ơn ông!