Những tên cướp mặc áo mưa và cuộc hoành hành điên cuồng
Mỗi lần chúng về, cả vùng lại được phen kinh hồn bạc vía như có giặc đến. Đêm chưa xuống, nhà nào nhà nấy vội cửa đóng then cài, đèn thắp sáng choang.
Lập đại bản doanh vùng sông nước hiểm trở
Thời đó, cứ mỗi đêm, chính quyền địa phương lại nhận được thông tin có 3 - 4 vụ cướp hết sức táo tợn. Bọn chúng là những kẻ mặc áo mưa kiểu bộ đội, trùm mũ len chỉ hở 2 mắt. Không chỉ cướp bóc trắng trợn, bọn chúng còn ra tay sát hại nhiều người dân vô tội.
Biết trước nếu bị bắt, kiểu gì cũng bị tử hình, nên bọn chúng càng điên cuồng, bất chấp tính mạng, thách thức lực lượng thực thi pháp luật.
Một trong những đối tượng trong băng nhóm "Ngũ hổ rặng ổi".
Trước sự hoành hành điên cuồng, tàn độc và coi thường luật pháp của băng “ngũ hổ rặng ổi”, lực lượng Công an địa phương bấy giờ đã phối hợp cả với Cục Cảnh sát Hình sự ráo riết truy bắt, tiêu diệt anh em nhà Động.
Thế nhưng, chúng không những không chùn bước, hay tìm đường lẩn trốn mà kéo về xã Lập Lễ (là xã nằm ven sông Bạch Đằng, chỗ ngã ba sông Ruột Lợn và sông Bạch Đằng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - PV), vùng đất nằm tách biệt, quanh năm sóng nước trập trùng với rừng sú vẹt mênh mông, xen kẽ với những bãi bồi men dọc bên bờ để lập “căn cứ địa”.
Địa thế hiểm trở, việc thuyền bè len vào rừng sú vẹt đều rất khó khăn. Thậm chí, nếu sử dụng máy bay để càn quét trên đầu cũng không nhằm nhò, vì toán cướp này có thể lẩn trốn, tản mát vào rừng, lặn ngụp dưới nước, rúc vào gốc sú vẹt tua tủa rễ nằm bất động.
Có thể nói, lực lượng Công an dù càn quét vào rừng, chúng sẽ có nhiều đường thoát thân. Bởi chỉ cần bơi sang bên kia sông Bạch Đằng là thoát sang đất Quảng Yên (Quảng Ninh), hoặc xuôi sông Bạch Đằng, sẽ ra biển, sau đó lẩn trốn vào khu vực Đình Vũ tấp nập tàu thuyền, hay rẽ sang phía huyện đảo Cát Bà, rồi mất tích trong núi thẳm.
Nỗi khiếp đảm mang tên “Ngũ hổ rặng ổi”
Vốn được đào tạo bài bản trong quân ngũ, Động nhận thấy khu vực rừng sú vẹt thuộc xã Lập Lễ là địa bàn trú ẩn, phòng thủ rất lợi hại. Ngoài ra, đây cũng lại là địa bàn “làm ăn” cực kỳ thuận lợi. Bởi sông Bạch Đằng, sông Cấm, cảng Đình Vũ là chốn thuyền bè qua lại tấp nập, là “cửa ra vào” của phần lớn hàng hóa từ Hải Phòng đi các tỉnh và ngược lại.
Thạo nghề sông nước, lại được trang bị vũ khí đầy đủ, băng “ngũ hổ rặng ổi” thỏa sức tung hoành khắp sông nước, bến cảng để cướp bóc, “làm luật” tàu bè qua lại.
Không ít vụ, băng “ngũ hổ rặng ổi” dùng thuyền máy, hoặc lặn ngụp dưới sông, rồi bất ngờ đột nhập lên tàu, thuyền, dí súng vào đầu khổ chủ cướp bóc sạch sẽ. Đã có nhiều chủ tàu chết mất xác, làm mồi cho cá, thậm chí chúng còn đốt tàu, nếu cố tình chống cự.
Nơi băng “ngũ hổ rặng ổi” lập làm đại bản doanh.
Người dân địa phương vẫn truyền tai nhau về một câu chuyện cho thấy sự nhẫn tâm, tàn độc của nhóm này. Trong một đêm đi “săn” mà không thấy “con mồi” nào xuất hiện trên sông, chúng nhảy lên con thuyền của một lão ngư nghèo kiết xác và tra tấn lão.
Dùng vũ lực tra tấn, lục tung thuyền chẳng thấy có gì đáng giá, chúng quay sang hành hạ lão ngư để làm trò vui. Trên thuyền, thấy một đoạn ruột lợn chưa kịp thái, chúng dí súng vào đầu, bắt ông lão nuốt cả đoạn lòng lợn ấy. Cố gắng mãi không nuổi nổi, bọn chúng đạp ông lộn xuống sông, cười khằng khặc rồi bỏ đi.
Họa hoằn, đám “phỉ sông nước” cũng mò mẫm về làng, bất chấp công an hay dân quân săn lùng, vây bắt ráo riết. Mỗi lần chúng về, cả vùng lại được phen kinh hồn bạc vía như có giặc đến. Đêm chưa xuống, nhà nào nhà nấy vội cửa đóng then cài, đèn thắp sáng choang. Gia đình nào cũng hoang mang, hộ nghèo thì sợ chúng “mượn” nhà làm đại bản doanh một vài ngày,gia đình nào có chút của ăn của để thì lo sợ nơm nớp.