Những "con thiêu thân" sau 0h

Vũ trường, quán bar vốn là loại hình dịch vụ giải trí lành mạnh có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, vũ trường, quán bar đã bị biến tướng. Nó tệ hại đến nỗi, trong con mắt của nhiều người thì dân đi bar, vũ trường là những người… không đàng hoàng!

Và trên thực tế ở TP Hồ Chí Minh, dân đi bar, vũ trường là những cậu ấm, cô chiêu lắm tiền nhiều của vào đây để lắc điên cuồng khoe cơ thể, để chơi “hàng đá” (một loại ma túy tổng hợp), hút cỏ Mỹ và cặp kè gái trai. Bên cạnh đó là các cô ca-ve, dân “ma-cô”, kẻ đầu trộm đuôi cướp, dân giang hồ từng vào tù ra khám… cũng tìm đến đây để quậy tưng bừng, để vui cùng ma túy.

Trong thời gian vừa qua, PV Báo CAND từng nhiều lần theo chân các trinh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố để kiểm tra nhiều quán bar, vũ trường trên địa bàn. 

Nếu như trước đây, khi thoáng thấy lực lượng kiểm tra, dân chơi bar, vũ trường thường nháo nhào tìm đường trốn thoát thì nay họ cứ dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Còn quản lý bar, vũ trường cũng chẳng thèm gây cản trở hay né tránh cơ quan chức năng. Vì thật ra họ chẳng có gì để mà né tránh vì việc chấp hành quy định pháp luật ở những nơi này chỉ là con số 0 tròn chĩnh. 

Mà trên hết, khi đoàn kiểm tra ập đến, họ chỉ cần quăng ma túy xuống sàn gạch là coi như thoát tội. Còn đối với con nghiện, sau khi xét nghiệm dương tính với chất ma túy cũng chẳng bị hề hấn gì nên không việc gì họ phải sợ.

Những "con thiêu thân" sau 0h - 1

Hiện trường tại một quán bar khi bị kiểm tra.

Qua phân loại người đến chơi bar, vũ trường cho thấy, ngoài các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có nhưng chơi bời lêu lỏng, còn lại là các đối tượng tội phạm, giang hồ, gái mại dâm cao cấp, tiếp viên nhà hàng… “đốt” tiền để mua “cảm giác mạnh” từ tiếng nhạc chát chúa, xập xình. 

Mà trên hết đó là những buổi tiệc “quẩy tới bến” sau khi “cắn” thuốc lắc, hút cỏ Mỹ và cuối cùng là những cuộc “mây mưa” bên trong khách sạn, nhà trọ. Để kiếm tiền ăn chơi, không ít thanh niên sa vào con đường tội phạm, tệ nạn… tạo thêm gánh nặng cho xã hội. 

Trái lại, những kẻ kinh doanh bar, vũ trường thì tha hồ hốt bạc với giá bia rượu trên trời, có vũ trường kiếm lãi vài trăm triệu đồng/đêm là chuyện bình thường. Lợi nhuận kếch xù mà chẳng bị hề hấn chi nên dù cơ quan chức năng ở các địa phương trên có ra quân rầm rộ để kiểm tra, xử lý nhưng cuối cùng thì tựa “ném đá ao bèo”, đâu lại vào đấy.

Ở quán bar, vũ trường nào cũng vậy, cứ kiểm tra là ra các vi phạm na ná nhau. Đó là hoạt động quá giờ quy định; bán rượu mạnh không phép; ánh sáng, âm thanh không đảm bảo; buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh… Mà các lỗi này chỉ phạt hành chính là cùng, nặng lắm là đề xuất rút giấy phép nhưng cũng chẳng làm người kinh doanh sợ hãi.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có khoảng 10 vũ trường hoạt động có phép nhưng có đến 150 cơ sở là biến tướng của vũ trường. Tức các chủ doanh nghiệp (DN) xin thành lập nhà hàng, khách sạn có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini. 

Chẳng hạn như quán bar New Sài Gòn, giấy phép kinh doanh là hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch, quảng cáo… nhưng người chủ cho thiết kế cơ sở giống hệt như một vũ trường để hoạt động trái phép. Cũng tại địa điểm này trước đây là vũ trường 1102 Club, từng 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang chủ mới rồi tiếp tục hoạt động không phép. 

Hay như 4 quán bar nằm trên đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 được biến tướng từ quán cà phê, bi-da… Vì đây là hình thức hoạt động không có giấy phép kinh doanh nên cơ quan chức năng cũng chỉ có phạt vi phạm hành chính  rồi… thôi! 

“Tính ra với 15-20 lỗi vi phạm cộng lại thì phạt cùng lắm chỉ khoảng 100 triệu đồng, không bằng tiền lãi một ngày kinh doanh của họ. Sau khi bị phạt họ nghỉ ít ngày rồi lại tiếp tục hoạt động. Sau đó lại bị kiểm tra và bị phạt. Có nơi bị phạt đến hàng chục lần rồi đâu lại vào đấy. Đó là một nghịch lý gây bức xúc trong dư luận, song đến nay vẫn chưa có lối ra do biện pháp chế tài theo quy định thì chỉ có vậy, không thể khác hơn”, một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành ngao ngán nói.

Đối với những vũ trường, quán bar hoạt động có giấy phép thì họ có đầy đủ chiêu để qua mặt cơ quan chức năng. Đầu tiên nhất là chỉ cần mua chuộc một người trong Đoàn kiểm tra liên ngành để khi nào có kiểm tra thì thông tin cho họ biết trước. 

Trường hợp không “mua” được, họ thuê cả đội ngũ xe ôm túc trực trước cổng các cơ quan có người tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành như Sở Văn hóa và Thể thao, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, thậm chí trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố, Đội hình sự Công an các quận, huyện… 

Mỗi khi thấy Đoàn kiểm tra liên ngành có dấu hiệu “ra quân” là lực lượng xe ôm này sẽ bám theo. Nếu thấy Đoàn đi về hướng quán bar, vũ trường của “thân chủ” mình thì họ sẽ thông báo để đối phó. Chính vì vậy mà mười lần như một, khi bị kiểm tra, các quán bar, vũ trường này đều vắng ma túy và chỉ bị vi phạm khác.

Trong trường hợp quán bar, vũ trường hoạt động có giấy phép thì việc xử lý cũng hết sức trần ai. Cơ quan Công an có thể đề xuất rút giấy phép nhưng còn chuyện rút giấy phép hay không lại thuộc quyền quyết định của Sở KH&ĐT mà thường là “không rút được”. 

Bởi theo Luật Doanh nghiệp (DN), DN chỉ bị rút giấy phép trong các trường hợp: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo; DN hình thành do những người bị cấm thành lập DN; DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

DN không gửi báo cáo theo quy định đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản và trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.

Chiếu theo đó thì những vi phạm của DN kinh doanh quán bar, vũ trường không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không thể rút giấy phép. Đặc biệt, những năm gần đây có một số trường hợp bị rút giấy phép nhưng sau đó họ nhờ người nhà (hoặc thuê người khác) đứng tên thành lập DN mới và tiếp tục hoạt động trên mặt bằng cũ. Nguyên nhân là do pháp luật không cấm việc thành lập DN trên địa điểm bị rút giấy phép trước đó.

Từ những bất cập đó mà cho đến nay, vấn nạn vũ trường, quán bar hoạt động tệ nạn gây nhức nhối trong dư luận và chôn vùi một bộ phận giới trẻ thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình vẫn là một thách thức đặt ra cho cơ quan chức năng. 

Và điều đáng nói hơn là mỗi lần kiểm tra quán bar, Đoàn kiểm tra liên ngành phải huy động hàng chục, hàng trăm con người bỏ ra biết bao công sức, tiền bạc của nhà nước để “đánh mạnh” vào những điểm tệ nạn này nhưng rốt cuộc hiệu quả mang lại không lấy gì làm khả quan.

Điều tệ hại hơn nữa – theo một cán bộ thường xuyên tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, là do quy định pháp luật về quản lý quán bar, vũ trường hiện nay chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với tình mình mới nên đã “trói tay” những người chân chính muốn mở vũ trường, quán bar phục vụ cho khách du lịch và người chơi bar đúng nghĩa. 

Bởi, để có giấy phép và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thì quán bar không được hoạt động sau 24h đến 8h sáng hôm sau (trừ trường hợp quán bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 24h nhưng không quá 2 giờ sáng); không cho người say rượu, bia, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác vào quán…

Có thể ngăn chặn người say, người nghiện nhưng rõ ràng về thời gian mà nói, cụ thể như ở TP Hồ Chí Minh, những khách du lịch người nước ngoài hay dân đi bar thuần túy thường mở màn từ lúc 0h, chứ không ai đi bar từ hừng đông đến nửa đêm thì về. 

Vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây, với một số ngành nghề có những đặc thù riêng thì không nhất thiết phải gò bó thời gian, mà cái chính là ở chỗ họ tuân thủ tốt các quy định như không gây ồn ào mất trật tự, không sử dụng mà túy và các chất kích thích khác nơi kinh doanh; ánh sáng, âm thanh phù hợp… 

Đồng thời có những chế tài mạnh đối với cơ sở kinh doanh vi phạm, thậm chí phải xử lý hình sự với người vi phạm nhiều lần thì mới có đủ sức răn đe và ngăn chặn. Đó là chưa kể đến những kẻ giang hồ, bảo kê thường xuyên quậy phá nếu chủ quán không đáp ứng được “điều kiện” mà chúng đưa ra.

Mà đã kinh doanh chân chính, giá cả phải chăng thì rất khó có những khoản tiền để chi cho các khoản nằm ngoài hóa đơn chứng từ. Thế cho nên những ai có ý định mở quán bar, vũ trường mà hoạt động chân chính thì bị dập tắt ngay từ trong... trứng nước. 

Trong khi đó những kẻ liều mạng mở bar chui, hoạt động bất chấp quy định thì lại “sống vui, sống khỏe” mỗi ngày như đã kể.

Quả là khó có thể chấp nhận được nhưng thực tế giống như là “nghịch lý” hiện vẫn tồn tại.

“Chợ tình” của giới bình dân

Gái mại dâm thường mồi chài khách ở các quán bar, vũ trường, Beer-Club được xem là cao cấp; còn cấp độ bình dân là những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mã Hải ([Tên nguồn])
Tội phạm ma túy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN