Khốn khổ với món nợ "trên trời rơi xuống"
Không vay mượn nợ nhưng vẫn bị đối tượng lạ mặt gọi điện, nhắn tin đe dọa khiến nạn nhân hoang mang
Liên tục 1 tháng nay, anh T.M.T (giáo viên một trường THPT ở huyện Hóc Môn, TP HCM) ăn không ngon, ngủ không yên vì nhận hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn quấy rối, hăm dọa của nhiều số máy lạ.
Mượn danh phó giám đốc sở
Bắt đầu từ đầu tháng 3-2022, anh T. nhận được một cuộc gọi của số máy lạ xưng là người của Công ty Luật Sunlaw thông báo anh phải tìm cách giải quyết số tiền mà ba anh đã vay từ năm 2017 gần 30 triệu đồng, nếu không sẽ xử lý anh.
Đang còn chưa hiểu đầu đuôi sự việc, ít hôm sau, anh T. được biết phó hiệu trưởng và hiệu trưởng của trường nơi anh dạy cũng nhận được thư thông báo, điện thoại quấy rối của những số máy lạ. Chưa dừng lại, đối tượng còn dùng hình ảnh của anh T. cắt ghép với hình ảnh của thầy hiệu trưởng kèm nội dung "Thầy hiệu trưởng đã bao che cho giáo viên T. chiếm đoạt tài sản của người khác". Tin nhắn và hình ảnh được gửi qua cho bạn bè, người quen của anh T. và thầy hiệu trưởng khiến nhiều người hoang mang, nhắn tin hỏi. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, anh T. lại nhận nhiều cuộc gọi đe dọa, yêu cầu phải trả tiền. Gần đây nhất, anh T. nhận được cuộc điện thoại xưng là thầy N., phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu anh T. phải trả nợ nếu muốn tiếp tục con đường dạy học.
Tin nhắn bôi nhọ danh dự thầy hiệu trưởng và anh T. được gửi cho bạn bè, người thân của họ. Ảnh: THU HỒNG
Mệt mỏi, anh T. phải bỏ sim điện thoại, chặn tất cả số lạ. Tìm hiểu nguồn cơn sự việc, anh T. được biết năm 2017, ba anh có vay số tiền 28,1 triệu đồng của một công ty tài chính. Do ba anh T. không có tiền trả nợ nên công ty này ủy quyền cho Công ty Luật Sunlaw đòi nợ. Công ty Luật Sunlaw từng gây áp lực với anh của anh T. nhưng không thành nên sau đó họ "khủng bố" anh T.
Tương tự, ngày 9-3, bà Trần Thị Thanh Nga (SN 1976, ngụ quận 10, TP HCM) cũng bị nhiều đối tượng lạ nhắn tin với nội dung "Truy tìm đối tượng lừa đảo trốn nợ Hoang Van Thep vay mượn nhưng không trả và cố tình trốn nợ. Ông, bà thấy nó ở đâu báo ra trả nợ gấp trước khi bọn tôi xử lý mạnh tay ảnh hưởng uy tín, danh dự, sức khỏe của người thân và gia đình".
Nghĩ đây là tin nhắn rác, bà Nga không lưu tâm nhưng sau đó số điện thoại trên lại tiếp tục nhắn nội dung tương tự kèm theo lời dọa: "Nếu cố tình bao che, chúng tôi sẽ cho anh em thu nợ xuống". Lúc này, bà Nga thực sự hoang mang khi những kẻ lạ này còn dọa gửi thông tin mượn nợ cho người thân, bạn bè, cơ quan nơi bà làm việc. Khi bà Nga nói sẽ báo công an nếu tiếp tục quấy rối, những đối tượng này thách thức: "Báo thoải mái". Bà Nga ra công an phường trình báo thì liên tục nhận được tin nhắn đe dọa, yêu cầu trả khoản nợ của một người mà bà không quen biết.
Phát sinh nhiều loại tội phạm
Công an TP HCM cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng "đen" và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động cho vay lãi nặng như: bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí là giết người... diễn biến phức tạp.
Tín dụng "đen’’ hoạt động thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe.
Lý giải nguyên nhân manh động của những người cho vay tín dụng "đen", bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - cho biết theo lẽ thường, các vụ việc cho vay nếu hai bên không thỏa thuận được thì bên cho vay nợ kiện người vay ra tòa. Tuy nhiên, nhóm cho vay tiền không kiện mà dùng nhiều cách để gây áp lực tâm lý, tinh thần cho người thân của người vay nợ để buộc họ trả nợ thay.
"Điểm thường thấy là những công ty cho vay tiền thường không đứng ra đòi nợ mà ủy quyền cho công ty khác đòi thay, việc ủy quyền cũng mập mờ, khó chứng minh mối liên kết nên khó xử lý. Chưa kể, hành vi dùng tin nhắn, thư thông báo, cuộc gọi để đe dọa, xúc phạm người khác thường diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều đối tượng khác nhau nên khó liên kết trong quá trình điều tra" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Theo trung tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10, nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng doanh nghiệp (công ty, doanh nghiệp tư vấn cho thuê tài chính, công ty bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại, cho thuê xe) được tổ chức chặt chẽ, có sự tham gia của các đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, côn đồ, thậm chí một số đối tượng trốn truy nã hoạt động.
Nói về giải pháp, để người dân hiểu về hậu quả khi dính vào tín dụng "đen", trung tá Nguyễn Chí Thanh cho rằng người dân nếu có nhu cầu vay vốn cần tiếp cận các nguồn vay chính thống, không vay qua app. Khi bị đe dọa về những khoản vay không phải của mình, người dân cần bình tĩnh giải quyết, đến ngay công an địa phương trình báo sự việc.
Rà soát công ty đòi nợ thuê
Công an TP HCM đã lên kế hoạch rà soát các công ty có hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố, các công ty đòi nợ thuê; phối hợp kiểm tra các tiệm cầm đồ, những khu dân cư, chung cư có khả năng các băng nhóm thuê làm nơi cư ngụ và làm trụ sở.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi gây án, Võ Văn Nhớ hoảng sợ cố thủ trong phòng trọ rồi tự đâm dao vào bụng tự sát.