Gây tội ác vì mặc cảm

Hai phiên Tòa diễn ra ở hai thời điểm khác nhau. Hai cá nhân riêng biệt, những nỗi đau khác biệt. Chỉ có một điểm chung, đó là căn nguyên của cái ác bắt nguồn từ mặc cảm thân phận.

Một kẻ sát hại bạn gái, khi bạn gái đòi chia tay với lý do không được cho đủ số tiền như yêu cầu. Lại nghĩ, bản thân mình tật nguyền, người yêu đòi chia tay có lẽ cũng vì lý do đó ngoài tiền bạc nên thực hiện hành vi gây án.

Một kẻ vô ý giết người trong vụ ẩu đả, vì cho rằng mình bị nạn nhân khinh khi nghèo khó.

Sự mặc cảm không làm cá nhân trở nên mạnh mẽ, mà đôi lúc, lại tạo nên những bi kịch mà hậu quả không thể cứu vãn.

1. Quê gã ở Cần Giuộc, Long An. Cần Giuộc luôn mang cái không khí nửa phố nửa quê, buồn hiu hắt. Gã bị khoèo một chân bẩm sinh, đi lại khó khăn. Học đến lớp 8 thì gã thôi đến trường. Gã nghỉ học, ở nhà phụ việc lặt vặt trong gia đình. Ít lâu sau, gã theo người quen học nghề sửa đồng hồ. Đó là cái nghề phù hợp với thể trạng của gã.

Lâu lâu trước, gã đi dự đám cưới một người bạn. Trong tiệc, gã có làm quen với Thủy (tên nhân vật đã được thay đổi - K.H). Thời điểm đó, Thủy đang học lớp 8.

Luyến ái mà, tuổi tác có quan trọng gì đâu, ông bà đã đúc kết "Nữ thập tam, nam thập lục". Mối quan hệ kéo dài, ngày càng bền chặt.

Một đêm cuối tháng 5/2012, Thủy đi xe ôm xuống Cần Giuộc tìm đến nhà gã ở lại qua đêm. Sau đêm mặn nồng, sáng mai Thủy nói với gã: "Em cần 5,5 triệu để đóng tiền thi lại hai môn học. Với lại, em muốn mua cái xe gắn máy đi lại cho tiện. Anh cho tiền em đi".

Gã làm thợ sửa đồng hồ, dẫu có chắt chiu thì cũng không đào ra số tiền như Thủy yêu cầu ngay lập tức. "Hay là anh cho em 2 triệu, nha. Còn 3,5 triệu, từ từ anh đưa em. Chứ anh đâu có 5,5 triệu liền được".

Nghe gã nói vậy, Thủy ra chiều giận dỗi. Thủy nói bâng quơ: "Có 5,5 triệu mà cũng keo kiệt. Thôi, em không cần 2 triệu của anh nữa, em quen người khác để người ta chu cấp cho em đầy đủ. Khỏi phiền đến anh".

Như người đi đường bất thần bị rơi xuống hố, gã hoảng loạn thật sự khi nghe Thủy đưa ra đề nghị chia tay. Gã van xin, gã cầu khẩn… Gã làm tất cả những gì có thể để mong Thủy nghĩ lại. Thế nhưng, gã tuyệt vọng.

Gây tội ác vì mặc cảm - 1

Lá đơn xin cứu xét đầy bôi xóa và lỗi chính tả của Tường.

Căng thẳng giữa Thủy và gã kéo dài xung quanh câu chuyện "Không có 5,5 triệu. Em sẽ yêu người khác". Vô tình trong lúc đi uống nước, gã liếc nhìn trên đầu tủ lạnh và phát hiện có con dao đang nằm trên đó.

Cầm con dao trên tay, giấu sau lưng, gã tiến đến chỗ Thủy: "Thủy à, yêu đương rồi chấm dứt không lẽ chỉ vì 5,5 triệu hả em?. Em nghĩ lại, đừng bỏ rơi anh. Anh tật nguyền mà", gã năn nỉ. "Thôi, em không làm phiền anh, em quen người khác là xong hết", Thủy kiên quyết.

Thủy vừa dứt câu, không một dấu hiệu báo trước, gã sấn lại đè Thủy xuống giường, vung dao. Trong cáo trạng, có chi tiết khoảnh khắc gã sát hại người yêu. Một khoảnh khắc đầy ám ảnh, với những chi tiết vô nhân tính như một đoạn phim miêu tả cận cảnh hành vi của một kẻ biến thái, mà người viết không thể nêu lại. Biết Thủy đã chết, gã còn đủ bình tĩnh xóa sạch vết máu, cho dao vào bao nilon. Thấy cái điện thoại của Thủy rơi gần đó, gã nhặt lấy tháo sim của Thủy lắp sim điện thoại của gã vào. Xong mọi chuyện, gã khóa cửa tìm cách phi tang chứng cứ gây ra tội ác.

Trên đường ra bờ sông gần nhà để vứt dao, gã có gặp một người bạn. "Mày mang cái bịch nilon này quăng xuống sông dùm tao với", vừa nói gã vừa chìa cái bao nilon đựng con dao dính đầy máu ra. Thấy vậy, bạn gã hoảng sợ từ chối. Gã tự thực hiện công việc đó.

Vứt dao xong, gã đến tiệm điện thoại, bán đi cái điện thoại gã đang sử dụng được 200 nghìn đồng. Sau đó, gã tìm đến nơi mẹ gã đang bán xôi để hỏi xin 800 nghìn. "Con cần tiền làm gì?", mẹ gã hỏi. "Con vừa giết Thủy rồi. Mẹ cho con tiền, con đi trốn", gã trả lời.

Tội nghiệp người đàn bà khốn khổ ấy, nghe gã nói vậy đã như rụng rời tay chân. Bà bảo gã đi đầu thú, phải đi đầu thú ngay để mong được sự khoan hồng của pháp luật. Thế nhưng, gã gạt ngang.

Gã bắt xe ôm lên ga Hòa Hưng, với ý định sẽ mua vé tàu để trốn đi Huế. Ngay tại ga, gã bị bắt giữ.

Tháng 7/2012, tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Long An, gã bị tuyên phạt mức án tử hình, cho hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản".

Sau phiên tòa sơ thẩm, gã có viết đơn xin kháng cáo. Một lá đơn bị bôi xóa, có nhiều lỗi chính tả… Lá đơn nhàu nhĩ như chính cuộc đời của gã.

Ngày 17/10 vừa qua, trong phiên tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Tp HCM đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Trước tòa gã nói: Thủy là người gã yêu thương nhất trên đời. Đó là niềm hy vọng cuối cùng của gã, nên khi bị Thủy đòi chia tay để yêu người khác nhằm được cung cấp đầy đủ hơn về mặt vật chất, gã hoàn toàn tuyệt vọng. Gã khẳng định, không ai có thể yêu thương Thủy hơn gã. Gã sát hại Thủy, gã là người đau đớn nhất. Cái điện thoại mà gã lấy của Thủy, không phải để bán lấy tiền trong quá trình đào tẩu, với gã đó là kỷ niệm cuối cùng của gã và Thủy. Đương nhiên, không ai lại chấp nhận lời giải thích của gã. Không gì đê hèn bằng việc sở hữu người yêu bằng mọi cách, kể cả bằng cái cách sát hại người yêu để họ không thể thuộc về một ai khác. Sự ích kỷ cá nhân và yêu thương là hai chuyện hoàn toàn riêng biệt.

Mọi thứ đã khép lại với gã, gã không còn mảy may cơ hội nào để làm lại. Gã tên là Nguyễn Hữu Mạnh Tường, sinh năm 1984.

2. Nguyễn Mạnh Côn, 28 tuổi, là con thứ trong gia đình có 5 anh chị em. Cha mất sớm, gánh nặng áo cơm dồn hết lên vai bà mẹ. Mà mẹ Côn, ngoài buôn thúng bán bưng, thì đâu biết làm gì thêm. Cuộc sống túng thiếu cứ vậy mà kéo dài. Đằng đẵng hàng chục năm trời, bám ở Sài Gòn vẫn nhà thuê chạy ăn từng bữa. Cái nghèo như tiền kiếp bủa vây khắp phương cho đến tận kiếp này.

Côn học đến lớp 2 thì nghỉ học, biết gì đâu, mẹ nói nhà khó khăn con nghỉ học thì nghỉ thôi. Lớn lên một chút, Côn lao vào mưu sinh phụ mẹ. Cần câu cơm của Côn là chiếc xe gắn máy cà tàng, chuyên đi chở cá thuê. Ngoài ra, ai mướn gì Côn làm nấy. Tối về nhà, có được bao nhiêu tiền Côn đều vét sạch đưa cho mẹ.

Côn hiền tính (người hiền, thường cục tính thì phải (?)), nên ai trong cái xóm lao động ở phường 15, quận Gò Vấp, Tp HCM, nơi gia đình Côn đang ở thuê cũng đều thương mến. Họ hiểu rõ hoàn cảnh gia đình Côn, nhất là khi, anh trai của Côn mất do ma túy.

Ai đó nói rằng, mặc cảm cái nghèo, anh trai Côn tự biến thành mắt xích trong một đường dây buôn bán ma túy. Buôn bán rồi nghiện, hay nghiện rồi mới buôn bán, tôi không biết rõ. Chỉ biết, trong một lần lên cơn đói thuốc, anh trai Côn mất.

Nhà nghèo, anh mất vì nghiện ma túy, không ai dè bỉu hay chê trách nhưng sự tự ám thị về thân phận là điều không thể tránh khỏi.

Đám thanh niên đồng trang lứa với Côn, ít nhiều khi vui miệng, cũng trêu Côn, kiểu "Ê, Côn. Sao mày hay vậy. Người ta vượt qua chính mình để làm giàu không khó. Còn nhà mày, sao cứ quá khó làm giàu rồi không thể vượt qua chính mình". Trêu đùa là vô ý, nhưng lời nói như vết khứa sâu hằn lên trong tư duy của Côn nhiều phiền muộn.

Một tối, sau khi quần quật cả ngày với bụi bặm phố xá, với mỏi mệt công việc, Côn cùng anh Tuấn (tên nạn nhân đã được thay đổi - K.H) và vài người hàng xóm khác ngồi uống bia tán chuyện.

Bia vào lời ra, sau lúc bàn chuyện thiên hạ, Tuấn quay sang đề tài cũ là… cái nghèo của Côn. "Ai mà như mày hả Côn? Gần 30 tuổi rồi, sức dài vai rộng mà cứ để mẹ mày khổ hoài. Cho đến giờ vẫn chưa có chỗ chui ra chui vào là của riêng mình". Họa theo lời Tuấn, là tràng cười rộ, câu nói thêm vào của những người ngồi chung bàn.

Cuộc vui đã kém vui, bao nhiêu uất ức về hoàn cảnh bấy lâu bị kìm nén nhờ có men bia tuôn hết ra ngoài. Côn phản ứng lời trêu chọc rất dữ dội, mọi người bất ngờ trước phản ứng của Côn.

Ngay lúc này, do hết mồi, nên Tuấn đứng lên cầm tô định bước vào nhà lấy thêm ít đồ ăn. Tuấn vừa quay lưng đi, thì Côn lập tức nói với theo: "Mày sống cho đàng hoàng nha, Tuấn. Mày đừng tỏ vẻ giàu có quá, mà anh em khinh mày, gọi mày bằng thằng". Đáp lời Côn, Tuấn bĩu môi: "Tao có khinh anh em đâu mà anh em khinh tao. Thằng tao khinh chỉ có một thôi, thằng đó chính là mày".

Bấy nhiêu là quá đủ để cấu thành một cuộc ẩu đả. Tuấn cầm tô ném vào người Côn, Côn chụp chai bia chọi thẳng vào Tuấn. Bị tấn công lại, Tuấn hơi sửng sốt, lùi lại liên tục cho đến lúc vô ý té ngã, đầu đập vào ụ xi măng giữa sân nhà, bất tỉnh.

Mọi người trong bàn nhậu tỉnh hẳn, vội vã đưa Tuấn đến bệnh viện cấp cứu. Tiếc thay, Tuấn đã tử vong do chấn thương sọ não.

Vài tháng trước, trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Chủ tọa phiên tòa tuyên phạt Côn mức án 5 năm tù giam do hành vi "Cố ý gây thương tích".

Như bừng tỉnh sau mê, Côn có đơn kháng cáo, kêu oan. Côn viết trong đơn, Côn không có tấn công Tuấn mà là do những người khác. Nhưng vì cái nghĩa xóm giềng với nhau, nên tự Côn nhận hết về mình. Mới đây, Tòa Phúc thẩm đã trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra lại những khúc mắc phát sinh trong toàn bộ vụ việc.

Côn có oan hay không oan, còn phải chờ kết luận cuối cùng từ Cơ quan điều tra. Chỉ tiếc, hậu quả (nếu có) đã xảy ra là không thể xóa nhòa được. Đó chính là nỗi đau từ phía gia đình, người thân của Tuấn đang nhận lãnh. Đó là cảnh hai cô em gái của Côn, đang làm công nhân phải bỏ nghề để đi đâu đó kiếm một cái nghề khác, nhằm có tiền trang trải chi phí bồi hoàn cho gia đình nạn nhân. Đó là nước mắt của mẹ Côn. Đó là sự dằn vặt trong những đêm vắng giữa bốn bức tường phòng giam, nơi mà Côn đang phải đối diện.

Mẹ Côn nói rằng, khi nào đi thăm con, Côn cũng khóc. Bà đau đến xé lòng, mà bà không biết phải làm sao. Thật ra, ai trong hoàn cảnh của bà cũng đều không biết phải làm sao cả.

3. Không ai hiện hữu trên đời lại có thể chọn cho mình một gia đình trọn vẹn, một hình hài hoàn chỉnh. Con cái không lựa chọn được cha mẹ, tiền nhân đã dạy "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo". Đâu còn cách nào khác là cá nhân phải chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách vươn lên.

Mặc cảm thân phận, không làm cá nhân thoát khỏi nỗi buồn, mà chỉ khiến mầm mống của bi kịch ngày càng hiện rõ. Tuyệt nhiên, lối thoát đã nhỏ lại càng thêm nhỏ.

Đời sống luôn nhiều biến cố, lại càng không có chuyện ai đó sống hộ, nghĩ hộ, làm hộ… cho chính bản thân. Có cách nào khác đâu ngoài sự tự thân vận động.

Nghèo không phải là một cái tội. Tật nguyền không phải là một cái lỗi. Vấn đề chính, có mặt trên đời đã là một may mắn. Thế nên, phải sống sao cho đúng với cái chất người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kinh Hữu (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN