Canh bạc... nghiệt ngã

Ban ngày chị may vá, còn anh làm mộc. Buổi tối hai vợ chồng bán đồ nhậu kiếm thêm thu nhập, chưa có con nên cuộc sống dư giả. Hạnh phúc của đôi vợ chồng son sẽ êm đềm như chính con sông quê nhà nếu như người bạn cũ đừng ghé thăm...

Cái chết tức tưởi

Hôm nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng là bác Bảy Quý lùa bò ra thả trong khu vườn tạp ven Quốc lộ 13 thuộc huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) nên nằm lòng từng bụi cây, ngọn cỏ ở khu vực này. Như thường lệ, sáng ngày đầu tháng 7-1993, trong lúc đang bước lững thững trên con đường mòn từ quốc lộ dẫn vào vườn khoảng 20 mét, bác Bảy chợt thấy có cái gì là lạ đột nhiên xuất hiện dưới gốc cây điều. Không tin chỉ qua một đêm mà lũ mối đùn được cái ụ đất to tướng như vậy nên bác tò mò đến xem. Tới nơi, bác Bảy điếng hồn khi nhận ra đó là thi thể một phụ nữ trẻ trong tình trạng đã cứng đơ, trên người không một mảnh vải che thân. Bác liền bỏ chạy một mạch đến trụ sở công an xã báo tin.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân độ 25 - 26 tuổi, chết cách đó khoảng bảy giờ, nguyên nhân do bị chặn đường hô hấp. Bằng mắt thường cũng nhận định được điều này vì trên cổ bị hại còn in hằn vết bầm của vòng thắt từ một loại dây. Đặc biệt, trong kẽ móng hai bàn tay của người xấu số có dính ít da người, có thể từ kháng cự mà ra.

Canh bạc... nghiệt ngã - 1

Thi thể người phụ nữ được phát hiện dưới gốc cây điều

Về động cơ gây án, khả năng hung thủ giết người diệt khẩu sau khi thực hiện hành vi cưỡng hiếp bị loại trừ, bởi dưới thi thể có lót tấm ni lông khá lớn được trải ngay ngắn. Ngoài ra, bộ quần áo của cô gái cũng được xếp cẩn thận, dùng gối đầu nằm. Kiểm tra trong các túi chẳng thấy giấy tờ tùy thân và cũng không có tài sản gì ngoài tờ hóa đơn xuất hàng của một đại lý bia, nước ngọt. Từ dấu vết ở các ngón tay cho thấy trước đó nạn nhân có nhẫn nhưng sau khi bị hãm hại tư trang không còn nên cơ quan điều tra nhận định có thể đây là vụ án giết người cướp của.

Chưa kịp trùng phùng

Được phân công thụ lý vụ án, thiếu úy điều tra viên Lê Duy Mạnh khẩn trương truy tìm tung tích người xấu số. Lần theo địa chỉ trong tờ hóa đơn, anh tìm đến đại lý thu thập thông tin thì được bà chủ cho biết nơi mua hàng là quán cà phê nằm trên QL13. Tiếp cận nơi đây, trông quán này có vẻ nghiêng về hoạt động mại dâm hơn là kinh doanh thức uống. Làm việc với cán bộ điều tra, chủ quán là gã “tú ông” nhận ra ngay bị hại là chị Nguyễn Thị Linh, quê ở huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang (nay thuộc Cần Thơ).

Theo lời gã thì trước đây, trong những chuyến buôn gỗ từ miền Đông về miền Tây, chị Linh cùng với cánh tài xế thường ghé vào quán ăn uống, nghỉ ngơi. Về sau không hiểu sao Linh không đi buôn nữa mà ăn dầm nằm dề ở quán của gã. Lâu ngày, tiền bạc cạn dần nhưng không nguồn chu cấp, nhờ có ngoại hình khá hấp dẫn nên người phụ nữ bí ẩn này mon men theo gót đám “chân dài” trong “biên chế” của quán gã kiếm sống. Đêm đi khách cuối cùng là đêm chị Linh bị sát hại. Kẻ gạ chị đi “dù” là tay phụ xe chở rau cải từ Lâm Đồng xuống chợ Thủ Dầu Một. Đáng tiếc là gã không biết mặt khứa này cũng như đặc điểm, biển kiểm soát phương tiện trên mà chỉ nghe chị Linh nói vậy trước khi rời quán.

Đi sâu tìm hiểu, được biết chị Linh và anh Trần Văn Hiểu kết hôn từ năm 1990. Ban ngày chị may vá; còn anh làm nghề mộc. Tối đến vợ chồng bán thêm đồ nhậu tạo thêm thu nhập, nhờ chí thú làm lụng lại chưa có con nên tuy không là đại gia nhưng cũng có của ăn của để. Cuộc sống của đôi vợ chồng son đang êm đềm bỗng dưng xáo trộn sau lần cô bạn thời niên thiếu của chị Linh, vốn là con buôn hàng kim khí điện máy lậu tuyến Rạch Giá -  TP. Hồ Chí Minh, tình cờ ghé thăm. Nhìn cơ ngơi tạo dựng bằng đồng tiền lao động chân chính của bạn, thay vì mừng cho họ thì cô này lại bĩu môi cho rằng chẳng nhằm nhò gì so với khoản lãi của vài chuyến buôn.

Không thuộc tuýp phụ nữ an phận thủ thường nên chị Linh chẳng những không tự ái trước những lời lẽ thiếu tế nhị của bạn mà còn háo hức hỏi thăm mánh khóe kinh doanh phi pháp. Mộng làm giàu cấp tốc rạo rực trong lòng, chị bỏ ngoài tai những lời khuyên can của chồng, quyết định gom góp tiền nong theo bạn thử vận may. Hai chuyến đầu suôn sẻ nên chị kiếm được hơn hai chỉ vàng tiền lời. Sẵn trớn, chị mạnh dạn đầu tư hết cho chuyến thứ ba, lần này không may bị thuế vụ “hỏi thăm”. Tiền đóng thuế bằng với giá trị lô hàng nên chị ngậm ngùi bỏ của thoát thân.

Thua hàng biên giới, chị Linh nằn nặc yêu cầu chồng bán một số tài sản lấy tiền lận lưng rồi lên vùng Đồng Nai, Sông Bé... mua gỗ xẻ thành ván mang về miền Tây tiêu thụ. Để số vốn liếng cuối cùng không “nằm” lại các trạm kiểm lâm, chị phải nhờ cánh tài xế phù phép. Khi hàng trót lọt, họ không nhận ơn bằng tiền nên dù hết dạ yêu chồng chị cũng phải đành lòng “bẻ gãy” hai chữ thủy chung. Rồi qua vài tua, cánh tài xế cũng đâm ra chán ngán với cái thân xác quen thuộc, cũ xì của chị. Để  tìm cơ hội vứt bỏ “cục nợ”, họ gầy sòng xui chị vào trò “đỏ đen”. Trong lần chờ mua hàng ở tỉnh Sông Bé, chị đã “nướng” sạch số tiền mang theo vào canh bạc. Thê thảm đến nỗi để có chén cơm sống qua ngày cùng ít tiền tiêu vặt, chị phải làm osin cho các tài xế và phục vụ  “nhu cầu” vô điều kiện.

Nhục nhã nhưng lúc này trở về với cái túi trống rỗng thì biết ăn nói thế nào với chồng. Chị đành ngụp lặn dưới vũng bùn nhơ nhuốc, để mong thu hồi lại một lượng vàng (bằng một phần ba số tiền thua bạc) mang về tạ lỗi với đức lang quân. Sau hơn nửa năm bán thân, chị chắt chiu dành dụm được sáu chỉ vàng. Gần đủ số tiền dự định, chị đã viết thư tâm sự xin chồng tha thứ và hẹn ngày trở về tổ ấm, nhưng chưa kịp trùng phùng thì tai họa ập đến.

"Đòn" phản công ngoạn mục

Sau khi rà soát số xe tải thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ Lâm Đồng đến địa bàn tỉnh nhà, thiếu úy Mạnh cùng hai đồng sự tức tốc lên xứ sở sương mù thẩm tra. Được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nơi đây, anh có trong tay danh sách 22 chiếc xe tải chuyên vận chuyển rau quả xuống các tỉnh phía Nam, trong đó có bảy chiếc chưa qua trạm của tỉnh Sông Bé, sáu chiếc đang đậu tại tỉnh Lâm Đồng, chín chiếc còn lại thì đang vận hành khắp nơi. Hơn cả tuần xuôi ngược như con thoi, các chiến sĩ công an lần lượt tìm được bảy chiếc. Tuy nhiên, qua sàng lọc, cả bảy phương tiện này đều được loại khỏi vòng nghi vấn. Cuộc điều tra tập trung vào hai xe còn lại. Ngày 15-7-1993, tổ công tác “định vị” được một chiếc đang nhận hàng ở Phụng Hiệp (Hậu Giang); còn chiếc kia thì bị gãy nhíp, đang sửa chữa tại tỉnh Trà Vinh. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, thiếu úy Mạnh quyết định tiếp cận hai thầy trò điều hành phương tiện đang nhận hàng ở Phụng Hiệp. Nhìn thấy thẻ ngành thiếu úy Mạnh trưng ra, gã tài xế gãi đầu phân trần:

- Dạ, em đâu có lỗi gì đâu cán bộ!

Tôi không bắt lỗi gì anh, chỉ hỏi thăm thằng lơ cũ đâu rồi? - thiếu úy Mạnh chặn đầu.

Nghe vậy, gã tài xế thở phào, nhanh nhẩu đáp:

- Cái thằng trời đánh đó tự dưng xin nghỉ việc hơn mười ngày rồi nên tui mới nhận chú nhóc này vào tập sự.

Biết đã “rà” trúng đài, anh tiếp tục khai thác:

- Biết nó đang ở đâu không, họ tên và quê quán tỉnh nào?

- Dạ, tên nó là Trần Văn Minh, thường gọi Minh “hô”, 30 tuổi, nhà ở Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Thiếu úy Mạnh bắt tay gã tài xế thay lời cảm ơn rồi vội vã lên xe quay về đơn vị. Suốt cuộc hành trình, anh khấp khởi mừng thầm vì lần ra manh mối đối tượng nhưng cũng “đánh lô tô” với câu hỏi liệu chuyện Minh nghỉ việc ngay thời điểm chị Linh bị sát hại có khi nào là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Từ báo cáo của thuộc cấp, lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra nhận định hung thủ đã rất gần và quyết định tăng cường trinh sát cùng thiếu úy Mạnh trực chỉ thành phố biển ngay ngày hôm sau. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của công an địa phương, qua tiếp cận, các chiến sĩ công an phát hiện trên hai cánh tay Minh có nhiều vết thương vừa mới kịp lành. Điều này trùng khớp với chứng cứ cơ quan điều tra tìm thấy trong lúc khám nghiệm tử thi. Lệnh bắt khẩn cấp Trần Văn Minh để điều tra làm rõ về hành vi giết người được tiến hành.

Thoạt đầu Minh một mực kêu oan, khẳng định không biết chị Linh là ai. Nhận định thế nào hung thủ cũng chạy tội bằng đối sách trên, thiếu úy Mạnh đã đi trước hắn một nước cờ, anh “tung đòn” quyết định:

- Tôi sẵn sàng cho anh biết rõ cái mà anh không biết đó là mặc dù bị anh siết cổ nhưng cô Linh không chết mà chỉ bất tỉnh nhân sự, nên nạn nhân tố cáo hành vi phạm tội của anh. Vì vậy, tội trạng của anh nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thái độ khai báo và thiện chí khắc phục hậu quả!

Vừa dứt lời, thiếu úy Mạnh thấy mặt hắn biến sắc, trán toát mồ hôi nhưng ánh mắt có vẻ sáng ra vì tưởng chị Linh chưa chết thật. Biết đối tượng đã “thấm đòn”, anh bồi tiếp:

- Đã xài hết mấy chỉ rồi?

Trầm ngâm một hồi, Minh ấp úng: “Dạ, hết gần hai chỉ rồi ạ”!

Lần này, đến lượt điều tra viên thở phào. Theo lời kẻ sát nhân khai nhận đôi bên có cảm tình với nhau, đã nhiều lần Minh đề nghị chị Linh rời chốn địa ngục này cùng gã tạo dựng “túp liều tranh” nhưng chị từ chối, quyết tâm quay về với chồng nên tức giận cắt đứt hạnh phúc của người tình. Song khi điều tra viên yêu cầu giải thích động cơ hãm hại chị Linh chỉ vì ích kỷ nhưng tại sao lại “lột” hết tài sản của bị hại thì hắn... cúi mặt, không thốt ra được lời nào để bao biện cho dã tâm hèn hạ của mình.

Kết cục bi thảm của chị Linh một lần nữa minh chứng cho lời cổ nhân đã nói “cờ bạc là bác thằng bần”.

Nơi phát hiện thi thể chị Linh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Dũng - Thế Lâm (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN