Cạn tình máu mủ vì đất, vàng
Ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2 (Trần Đề, Sóc Trăng), ông Sơn Thi cùng vợ phải theo cháu ruột Danh Sa Huỳnh ra tòa từ năm 2013 đến nay. Trước kia, cậu cháu thân thiết, chỉ bất hòa sau khi bà Sơn Thị Duôl (chị ruột của ông Sơn Thi và mẹ đẻ Danh Sa Huỳnh) đi Mỹ.
Ông Sơn Thi với bao hồ sơ chống án sơ thẩm. Ảnh: Sáu Nghệ
Thực ra, đứng đơn khởi kiện vợ chồng ông Sơn Thi cũng là vợ chồng bà Sơn Thị Duôl nhưng do vợ chồng bà đang ở Mỹ nên ủy quyền cho con trai Danh Sa Huỳnh đại diện tại tòa. Từ đó, anh Huỳnh trở thành người đưa vợ chồng cậu ruột Sơn Thi ra tòa mấy năm qua.
Tình cậu cháu trước kia thân thiết có thể chứng minh bằng mảnh ruộng 1.400 m2. Năm 2005, ông Sơn Thi thấy gia đình cháu khó khăn nên cho 1.400 m2 ruộng để sản xuất, với điều kiện không được cầm cố. Nhưng chỉ mấy năm, anh Huỳnh đem cầm cố cho một người trong ấp lấy 3 triệu đồng. Biết được, ông Sơn Thi phải xuất tiền chuộc lại mảnh ruộng vào năm 2009.
Khi bà Duôl khởi kiện, cậu cháu lôi nhau ra tòa lại cũng vì một đám đất: Đám đất của bà Duôl. Mà đám đất này, trước khi bà Duôl đi Mỹ vào năm 1998, cũng là một minh chứng tình thân thiết giữa bà với em trai Sơn Thi.
Mượn vàng mà ủy quyền đất
“Nếu tòa buộc tôi trả đất mà không buộc chị tôi trả vàng thì coi như sau khi giúp chị đi Mỹ, tôi trắng tay. Gia đình tôi với 5 đứa con hết đường sống”.
Ông Sơn Thi nói như khóc
Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 1998, vợ chồng bà Duôl được con bảo lãnh sang Mỹ nhưng vì quá nghèo, không có tiền đi làm hồ sơ xuất cảnh nên nhờ anh em giúp đỡ. Ông Sơn Thi liền đứng ra vay của ông Dương Kỳ Điểm 7,5 lượng vàng giúp vợ chồng bà Duôl. Giao nhận vàng tay ba tại nhà ông Điểm gồm ông Sơn Thi, ông Điểm và bà Duôl.
Chị em thân thiết nên không làm giấy biên nhận, tuy nhiên, có nhiều người cũng đến vay tiền ông Điểm đã chứng kiến sự việc và biết việc vàng vay lãi suất một tháng 5%. Ông Điểm khẳng định, khi đó bà Duôl nói với ông Sơn Thi: “Chị ra nước ngoài chị sẽ gửi tiền về cho em”. Những người chứng kiến đã làm giấy xác nhận việc giao vàng tay ba, cam kết “nếu gian dối, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Cùng thời điểm đó, bà Duôl làm giấy viết tay giao đám đất hơn 5.000 m2 cho ông Sơn Thi, có cán bộ ấp và xã xác nhận, đóng dấu.
Còn đơn khởi kiện năm 2012, vợ chồng bà Duôl viết rằng, bà cầm cố đám đất cho ông Sơn Thi với giá 1 lượng vàng. Theo đơn, lúc đó bà Duôl nói với ông Sơn Thi, khi định cư được ở Mỹ, sẽ gửi tiền về trả và ông Sơn Thi phải giao lại đám đất cho con của bà đang ở ấp Tú Điềm. Năm 1999, bà gửi 3 lần tổng cộng 2.300 USD nhưng ông Sơn Thi nhận tiền rồi, không chịu trả đám đất nên bà kiện đòi lại đám đất cho con bà. Ông Sơn Thi có đơn phản tố, yêu cầu bà Duôl nếu muốn lấy lại đám đất thì phải trả 7,5 lượng vàng cho ông Điểm.
“Gia đình tôi hết đường sống”
TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần thứ nhất vào cuối năm 2013, bác đơn kiện của bà Duôl. Bà Duôl kháng án nên cũng cuối năm 2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đã hủy bản án sơ thẩm. Ba lý do hủy: bản án sơ thẩm xác định giải quyết tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất nhưng không áp dụng các điều luật về cầm cố; không xem xét việc mượn vàng của ông Điểm cũng như tiền bà Duôl gửi về; bác đơn của bà Duôl nhưng không tuyên quyền làm thủ tục sang tên đám đất cho ông Sơn Thi nên “giải quyết không triệt để”.
Ngày 13/3/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xử lại sơ thẩm. Trước tiên, đổi quan hệ pháp luật trong vụ án ở 2 lần xử trước là “tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất” thành “tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản”. Về nội dung, tòa chấp nhận trình bày của nguyên đơn, bác toàn bộ chứng cứ của bị đơn.
Việc giao nhận vàng tay ba ở nhà ông Điểm, do diễn ra hơn 14 năm trước nên các nhân chứng viết giấy xác nhận và trình bày có chi tiết không khớp. Dựa vào đó, tòa khẳng định các lời trình bày “không trung thực, không khách quan, không phải chứng cứ để xem xét”. Tòa chỉ chấp nhận trình bày của bà Duôl (dù không có chứng cứ), là nhận của ông Sơn Thi 1 lượng vàng. Tiền bà Duôl gửi về cho ông Sơn Thi, theo bà Duôl là 3 lần, còn ông Sơn Thi trình bày chỉ nhận 2 lần, 1.400 USD. Tòa chấp nhận trình bày của bà Duôl.
Bản án sơ thẩm lần hai tuyên, ông Sơn Thi phải trả đám đất cho bà Duôl, và toàn bộ số tiền bà Duôl đã gửi về (theo lời bà trình bày); còn bà Duôl trả lại ông Sơn Thi 1 lượng vàng. Ông Sơn Thi đã kháng án.
Nói với PV Tiền Phong, ông Sơn Thi kiên quyết, chị gái của ông phải trả 7,5 lượng vàng thì ông mới trả đám đất. Về số vàng trên, ông Sơn Thi cho biết, ông phải đóng lãi 5%/tháng từ giữa năm 1998. Đến hết năm 2005 thì không còn khả năng đóng tiếp, nên ngày 10/1/2006, vợ chồng ông phải đem 1 ha ruộng cầm cố cho ông Điểm, lúc nào trả được vàng thì lấy lại ruộng. Chưa có vàng trả, để sinh sống, vợ chồng ông phải mướn lại ông Điểm 1 ha ruộng ấy, mỗi năm 10 triệu đồng.